Làng quê 'thay áo' mới

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã có 12 thôn được công nhận đạt chuẩn mô hình xây dựng "Thôn kiểu mẫu nông thôn mới (NTM)". Đó là Trà Kiểm (xã Hòa Phước); Phong Nam (xã Hòa Châu); Nam Thành, Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong); Đông Lâm (xã Hòa Phú); An Ngãi Tây 1 (xã Hòa Sơn); An Sơn, Mỹ Sơn (xã Hòa Ninh); Nam Yên, An Định (xã Hòa Bắc); Bắc An (xã Hòa Tiến); Phước Hưng Nam (xã Hòa Nhơn).

Đảng viên chi bộ thôn Bắc An (xã Hòa Tiến) đảm nhận xây dựng, chăm sóc hoa viên cây xanh từ nguồn xã hội hóa.

Đảng viên chi bộ thôn Bắc An (xã Hòa Tiến) đảm nhận xây dựng, chăm sóc hoa viên cây xanh từ nguồn xã hội hóa.

Cùng chúng tôi dạo quanh thôn xóm, sải bước trên những con đường bê-tông rộng thoáng, nhiều lão nông ở thôn miền núi Đông Lâm lộ rõ niềm phấn khởi, tự hào khi nhắc lại việc Đông Lâm là một trong những thôn đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn "Thôn kiểu mẫu NTM" vào cuối năm 2017. Có được thành quả này là cả nỗ lực lớn của cán bộ và nhân dân trong thôn. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, đội ngũ cán bộ cấp ủy, ban cán sự thôn, trưởng các đoàn thể "đi từng ngõ, gõ từng nhà" phát động thi đua, đăng ký cam kết thực hiện nội dung, tiêu chí xây dựng thôn kiểu mẫu NTM. Đến nay, đời sống của người dân Đông Lâm đã được cải thiện nâng cao và không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới, thu nhập bình quân đầu người hơn 38,5 triệu đồng/năm, cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người của toàn xã 4 triệu đồng…

Còn ở thôn Bắc An, tuyến bê-tông liên thôn dài 900m, rộng 5,5m thông thoáng và môi trường sạch đẹp là điểm nổi bật nhất mà ai cũng dễ dàng nhận thấy khi được công nhận đạt chuẩn "Thôn kiểu mẫu NTM" vào cuối năm 2018. Để làng quê "thay áo" mới, thôn đã tổ chức họp dân, xây dựng quy chế về môi trường với mục tiêu "sạch từ nhà ra ngõ". Một trong những tiêu chí khó thực hiện là chỉnh trang khuôn viên gia đình, đường làng ngõ xóm, nhà văn hóa gọn gàng, sạch sẽ ngăn nắp. Thoạt nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới thấy nan giải. Bởi nó tác động đến thói quen sinh hoạt thường ngày của mỗi gia đình nên không phải ngày một ngày hai làm ngay được… "Từ chuyện xã hội hóa trồng hoa, cây xanh tôn tạo cảnh quan môi trường, người dân Bắc An càng có ý thức hơn trong việc giữ gìn sạch sẽ thôn xóm. Như một thói quen suốt 2 năm qua, cứ đến ngày cuối tuần, hơn 90 hộ dân trong thôn lại tập trung quét dọn, tỉa hoa, thu gom rác với tiếng chổi tre lao xao, tiếng người cười nói rộn ràng. Giá trị giáo dục con trẻ ý thức bảo vệ môi trường, đường làng, ngõ xóm cũng từ chính những việc làm cụ thể như thế", ông Nguyễn Văn Trình- Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Bắc An chia sẻ.

Được biết, trong quá trình triển khai thực hiện mô hình xây dựng thôn kiểu mẫu NTM, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của phong trào và tích cực hưởng ứng. Mỗi thôn đều ban hành nghị quyết không chỉ thực hiện tốt các tiêu chí về giao thông- chợ- vườn và nhà ở hộ gia đình; Thu nhập- văn hóa- giáo dục- y tế- môi trường; Chấp hành pháp luật, quy ước, hương ước cộng đồng… mà còn ra sức thi đua xây dựng các điển hình "Gia đình văn hóa", "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo", bản thân các thành viên trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. "Việc xây dựng và thực hiện thôn kiểu mẫu NTM là hết sức cần thiết. Bởi vì xây dựng NTM cần một quá trình dài và việc chia các giai đoạn như thế này sẽ dễ thực hiện, dễ huy động sự vào cuộc của người dân hơn, góp phần chuyển biến nhận thức, ý thức của người nông dân tại các địa phương về phát triển kinh tế trong thôn, chỉnh trang nhà ở, xây dựng hàng rào xanh, bảo vệ môi trường. Từ đó, tăng thêm mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư và huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở; làm mẫu hình cả trong tổ chức thực hiện, phương pháp, cách làm trong xây dựng NTM", ông Nguyễn Văn Lý- Phó chánh Văn phòng điều phối NTM H. Hòa Vang, Trưởng phòng NN&PTNT huyện xác nhận.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_212128_lang-que-thay-ao-moi.aspx