Làng Rồng hồi sinh sau 'đại hồng thủy' cách đây 20 năm

Ngày 3/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đến thăm người dân làng Rồng, nơi các hộ dân thiệt hại nặng nề nhất trong trận lũ lịch sử năm 1999.

Con đường vào làng Rồng. Ảnh: Duy Lợi

Con đường vào làng Rồng. Ảnh: Duy Lợi

Cách đây 20 năm, trận lũ lịch sử năm 1999 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy cuốn theo dòng nước.

Trời mưa to, đến gần nửa đêm 2/11/1999 (24/9 Âm lịch), nước lũ dâng nhanh khiến đập Hòa Duân rộng 8m, dài 616m nằm trên QL49 qua làng biển này bị vỡ. Trong phút chốc, nước lũ cuốn phăng cả thôn Hải Thành (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), mở nơi đây thành cửa biển mới. 14 người dân thôn Hải Thành thiệt mạng, 2 chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đóng quân ở Hải Đội 2, cạnh đập Hòa Duân hy sinh. Trong số 14 người dân thiệt mạng, riêng gia đình ông Trần Văn Thu là 12 người, gồm cha mẹ, vợ con, anh chị em, cháu…

Làng Rồng là cái tên tại nơi ở mới của 64 hộ dân thôn Hải Thành nơi con đập Hòa Duân đã bị trận lũ lịch sử năm 1999 “xóa sổ”. Khu tái định cư này được xây dựng từ tháng 12/1999 và hoàn thành tháng 3/2000, cách đập Hòa Duân nơi ở cũ chừng 3km. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi đó về thăm đã đặt tên nơi ở mới của các hộ dân là làng Rồng, với mong muốn những người dân còn sống sót sau trận lũ lịch sử năm 1999 sẽ có cuộc sống đầy đủ, ấm no và phát triển mạnh mẽ hơn.

Ông Phan Ngọc Thọ đến thăm và trao quà cho người dân làng Rồng. Ảnh: Ngọc Minh

Bà Trần Thị Hường (48 tuổi) vẫn không thể nào quên trận lũ kinh hoàng năm ấy. Gia đình chỉ có bà Hường và anh trai là Trần Văn Thu may mắn sống sót. “Hôm đó, tôi xuống nhà mẹ, sau đó chồng tôi đến, nói tôi đi cùng trước rồi bố mẹ và những người trong gia đình đi sau. Không ngờ sau đó nước lên quá nhanh, mọi người đang ở trong nhà không đi kịp”, bà Hường cho hay.

Thời điểm năm 1999, những ngôi nhà ở Hòa Duân chủ yếu là nhà cấp bốn, chỉ có ngôi nhà của cha mẹ bà Hường được xây kiên cố ở trên vị trí cao. Chiều tối hôm đó, ông Thu từ nhà cha mẹ về lại nhà riêng cách đó vài chục mét để kê đồ đạc lên cao, khi quay trở lại nước lũ dâng quá nhanh và chảy xiết, ông Thu bị thương ở chân và may mắn níu được vào đường dây điện, sau đó được một người dân chèo thuyền đi ngang cứu vớt. “Trời mưa to nhưng chúng tôi cũng không nghĩ nước đổ về dâng cao nhanh như thế”, bà Hường cho hay.

Ông Thọ thắp hương lên bàn thờ gia đình có 12 người thiệt mạng trong trận lũ lịch sử năm 1999. Ảnh: Ngọc Minh

Con đường chính nối đường nhựa vào làng Rồng được thảm bê tông xi măng, những ngôi nhà mới vươn cao. Đến thăm người dân làng Rồng, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ vui mừng khi thấy người dân đã vượt qua những khó khăn, mất mát, thiếu thốn trong những ngày đầu. Cuộc sống của người dân làng Rồng đã có những khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư đầy đủ.

Trong trận lũ lịch sử năm 1999, tại Mũi Né (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) cũng xảy ra vụ sạt lở khiến 13 người thiệt mạng. Trong sáng cùng ngày, ông Phan Ngọc Thọ đã đến thăm, tặng quà các gia đình có nạn nhân trong vụ sạt lở, thắp hương khu thờ chung của 13 nạn nhân. Ông Thọ cũng đã đến thắp hương, dâng hoa tại nơi thờ 2 liệt sĩ cán bộ Hải Đội 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh) hy sinh trong lúc cứu dân trong trận lũ năm 1999.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, sau 20 năm, được sự hỗ trợ của Trung ương Đảng, Chính phủ, tất cả các khu vực dân cư bị thiệt hại do cơn lũ 1999 đã được hồi sinh, trong đó có làng Rồng.

Bà Trần Thị Hường cùng với anh trai Trần Văn Thu là 2 người may mắn sống sót, 12 người thân trong gia đình đã bị cơn lũ dữ cuốn đi. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Thọ nói rằng, cơn lũ lịch sử năm 1999 là bài học lớn trong công tác phòng chống bão lũ, thiên tai. Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã luôn nỗ lực và triển khai nhiều phương án phòng chống, chủ động ứng phó thiên tai.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, công tác tuyên truyền phòng chống bão lụt rất quan trọng. Những nơi xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa, người dân phải được sơ tán, di dời trước khi bão đến. Tỉnh sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường...

Bà Hường xúc động khi lãnh đạo tỉnh đến thăm gia đình và người dân làng Rồng

Từ cổng làng Rồng chạy thẳng theo con đường nhựa chừng 3km là đến con đập Hòa Duân bị "xóa sổ" năm xưa. Ảnh: Duy Lợi

Căn nhà ông Trần Văn Thu tại làng Rồng. Ảnh: Duy Lợi

QL49 chạy qua một bên là bãi tắm Thuận An - Phú Thuận, một bên là Phá Tam Giang - Cầu Hai, phía trước là đoạn đập Hòa Duân đã bị "xóa sổ" trong trận lũ lịch sử năm 1999

Dấu tích còn lại khu vực này là bên đoạn QL49 này có Âm linh miếu Hòa Duân Phụng

Duy Lợi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lang-rong-hoi-sinh-sau-dai-hong-thuy-cach-day-20-nam-d440558.html