Làng sản xuất đồ khô ở Sóc Trăng nhộn nhịp ngày giáp Tết

Những ngày này, các làng sản xuất khô tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng trở nên nhộn nhịp khi các cơ sở sản xuất chuẩn bị các sản phẩm khô cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Làng khô ấp Cảng là nơi nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng về chế biến và bán các loại khô từ nguồn thủy sản khai thác ở biển như: khô Hắc cấy (hay còn gọi là cá đuối đen), ó xanh, hai dao, cá đuối, mực, cá khoai, cá lù đù, cá lưỡi trâu, cá đường,… Mức giá cũng đa dạng, có loại dưới 100.000 đồng/kg, cũng có loại từ trên 6 triệu đồng/kg.

Đến thời điểm này, các sơ sở chế biến khô trên địa bàn thị trấn Lịch Hội Thượng đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng sẵn sàng phục vụ Tết nguyên đán. Ảnh Xuân Lương

Bà Trần Thị Phượng, cơ sở sản xuất khô Dũng Phượng, cho biết: Bà con chúng tôi làm khô suốt năm nhưng vào dịp tết là thời điểm bận rộn nhất vì nhu cầu của khách hàng mua về sử dụng, làm quà biếu dịp tết tăng cao.

Giá các loại khô ở đây cũng đa dạng, đáp ứng nhu cầu, túi tiền của khách hàng. Trong đó, loại khô có giá nhất là khô Hắc cấy, tại thời điểm này là 6,5 triệu đồng/kg, còn giáp Tết nguyên đán chắc chắn sẽ cao hơn vì loại khô này rất hiếm, muốn có để sử dụng phải đặt trước cho cơ sở nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng. Khô ó xanh hiện nay giá 1,5 triệu đồng/kg, khô hai dao 900.000 đồng/kg, khô mực từ 1,1 triệu đồng/kg.

Bà Tạ Thị Ngọc Yến đang phơi tép xẻ để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết nguyên đán. Ảnh Xuân Lương

Những ngày gần Tết, không khí sản xuất khô tại ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng cũng nhộn nhịp không kém. Từ sáng sớm chị Tạ Thị Ngọc Thu, chủ cơ sở sản xuất khô thịt heo Đông Hòa 2 (ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng) đã cùng nhiều công nhân, lao động đã có mặt tại các cơ sở chế biến, tất bật làm khô phục vụ Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm mà những người làm công ăn lương có được thu nhập nhiều nhất trong năm.

Nhiều loại khô từ bình dân đến cao cấp ở thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề được các hộ chế biến chủ yếu là theo kinh nghiệm “cha truyền con nối”. Ảnh Xuân Lương

Chị Tạ Thị Ngọc Thu cho biết: Gia đình chị làm nghề này được gần 30 năm. Công việc sản xuất quanh năm, bình thường, mỗi ngày chị cho ra lò khoảng 10kg khô thịt heo. Đặc biệt, vào mỗi dịp Tết, mỗi ngày bán gần trăm kg khô.

Theo chị Ngọc Thu, vào dịp Tết, thịt heo làm khô cũng là mặt hàng rất được khách hàng ưa chuộng. Nhiều hộ mua làm quà biếu hay dùng trong gia đình. Cũng tùy theo kinh nghiệm và bí quyết riêng của từng cơ sở mà khô thịt heo có mùi vị thơm ngon riêng, rất đặc trưng. Để có 1kg thịt heo khô, cần 3kg thịt heo tươi. Hiện nay, 1kg thịt heo khô được bán với giá 360.000 đồng/kg.

Là vùng đất ven biển, nghề đánh bắt hải sản phát triển mạnh đã trở thành lợi thế kinh tế của huyện Trần Đề. Đặc biệt với nguồn nguyên liệu dồi dào từ biển đã hình thành nên làng nghề chế biến khô nổi tiếng nơi đây. Ảnh Xuân Lương

“Để có khô thịt heo ngon, đầu tiên là khâu chọn nguyên liệu. Thịt để làm khô là thịt đùi và cốt lết (là phần thịt ngon nằm ở lưng heo). Miếng khô ngon là miếng khô sau khi chiên, ăn có vị mặn mặn, ngọt ngọt của gia vị và của thịt heo ngon”. - chị Ngọc Thu chia sẻ.

Cũng tại thị trấn Lịch Hội Thượng, cơ sở Hưng Ký lại nổi tiếng với sản phẩm tép xẻ và bánh phồng tôm. Bà Tạ Thị Ngọc Yến, chủ cơ sở cho biết: “Nghề làm tép xẻ của gia đình tôi có từ mấy chục năm qua. Hồi trước, vào dịp tết, mẹ tôi thường làm để đãi khách và cho con cháu. Sau này tôi tiếp nối nghề của má. Ban đầu chủ yếu làm để sử dụng trong gia đình. Về sau, món tép xẻ này được nhiều người thích, hỏi mua, thấy bán được nên tôi mở rộng sản xuất”.

Theo bà Ngọc Yến, cứ 9-10 kg tép tươi sẽ làm được 1 kg tép xẻ. Những ngày bình thường, một ngày cơ sở Hưng Ký bán ra thị trường từ 20 - 30kg tép xẻ. Còn dịp tết mỗi ngày khoảng 100 kg tép xẻ cung cấp cho thị trường. Hiện nay, giá tép xẻ khoảng 1,1 triệu đồng/kg. Bên cạnh sản phẩm tép xẻ, cơ sở Hưng Ký còn nổi tiếng với sản phẩm bánh phồng tôm. Hiện nay bánh phồng tôm có giá từ 400.000-500.000 đồng/kg.

Theo lãnh đạo UBND thị trấn Trần Đề, làng khô ấp Cảng đã hình thành và phát triển hàng từ hàng chục năm qua, nhiều gia đình đã gắn bó lâu năm với nghề làm khô và xem đây là nguồn thu nhập chính. Nhờ duy trì và phát triển nghề làm khô mà thời gian qua nhiều hộ gia đình tại thị trấn Trần Đề đã có cuộc sống ổn định, vươn lên khá giàu.

Ông Tiến Chương - Phó chủ tịch UBND thị trấn Trần Đề cho biết: Thị trấn ven biển có lợi thế khai thác và đánh bắt thủy sản. Người dân địa phương đã tận dụng nguồn lợi đó để chế biến thành các loại khô đặc trưng của địa phương, đến nay toàn thị trấn có 12 cơ sở sản xuất chế biến khô và hàng chục sạp mua bán khô trên toàn địa bàn.

Cũng theo ông Tiến Chương, hiện chính quyền địa phương đang rà soát, có kế hoạch xây dựng những sản phẩm khô đặc trưng để phát triển thành sản phẩm OCOP. Đồng thời, tiến hành vận động hộ sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ và vừa thành lập các tổ hợp tác sản xuất, dần tiến đến xây dựng Hợp tác xã nhằm đẩy mạnh liên kết sản xuất cũng như tiêu thụ trên thị trường.

Xuân Lương - Hồng Thắm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lang-san-xuat-do-kho-o-soc-trang-nhon-nhip-ngay-giap-tet.html