Lắng sâu 'Đoản khúc trao mùa'

Đọc tập thơ 'Đoản khúc trao mùa' của Huệ Triệu, cảm nhận đầu tiên của người yêu thơ là chị đã tạo được dấu ấn mới với tập thơ thứ tư này.

Không chỉ là một Huệ Triệu dịu dàng, tinh tế, mà còn là sự sắc sảo tư duy, biết làm mới mình trong diễn đạt. Như tên gọi, những đoản khúc là những lát cắt vừa đủ sâu, đủ ngọt, bày biện những ý tứ vừa đủ để còn lại thời gian cho người đọc lắng lại sau những đồng cảm, sẻ chia với chị.

Những đoản khúc đó thoạt nhìn đơn sơ, là một đóa sen, là hoa súng, là một khoảng trời, là lời tự nhắc. Đó là tình yêu, tình cảm gia đình, bè bạn, là những suy tưởng về đời sống. Không gian thơ rộng hơn, tư duy thơ sâu hơn. Nhiều người viết về sen, song sen của Huệ Triệu đọc rồi khó quên:

Ủ vào lòng giọt đắng
Mở trắng trong, ngọt ngào
Khi hạt xanh biết khóc
Mùa đã mùa xôn xao

(Sen)

Người đọc cũng nhớ lâu về màu tím, dù đã nhạt đi rồi mà sắc vẫn ở lại:

Cuống hoa giờ đã rụng
Thương em, màu không rơi (Hoa súng)

Huệ Triệu nhìn ra sự mới lạ trong những điều gũi gần, trong sự tương phản. Đó là sự đậm nhạt với nhiều cấp độ và lên cao trào với sự hụt hẫng đầy bất ngờ:

Nhạt miệng là sắp ốm
Nhạt nắng trời sắp mưa
Nhạt sóng thì biển lặng
Nhạt hương côi cút mùa
Chỉ ly cà phê đắng
Nhạt đường lại đậm hương
Chỉ một ngày anh vắng
Đậm trong em nỗi buồn

(Ngẫu cảm)

Đó là tiếng lòng của người đàn bà trong tình yêu:

Một mình em ở giữa
Giấu lòng đâu cũng thừa

(Lúc này).

Là tiếng gọi thiết tha, nhói lòng: Mùa hãy giữ cho em, mùa hãy giữ
Chút giận hờn lỡ khuyết tự ngày xưa

(Viết ở phố Nguyễn Du)…

Tôi biết Huệ Triệu đã lâu. Một cô giáo nổi tiếng, dạy Văn ở ngôi trường Lê Hồng Phong nức tiếng ở TP Hồ Chí Minh. Một nhà thơ nữ được chú ý trên văn đàn. Ngoài đời và trên bục giảng, trông chị hiền hậu, dịu dàng. Nhưng cũng chính chị là cô giáo nghiêm khắc và là người phụ nữ tinh tế, sắc sảo, kể cả kiêu kỳ giữa đời thường mà ai tinh ý mới nhận ra.

Những tính cách này, hóa ra lại rất cần để có một phong cách thơ, cá tính thơ Huệ Triệu. Vừa khúc chiết, nhẹ nhàng, lại vừa lắng sâu, nồng ấm. Không quá lành hiền và cũng vừa đủ khéo léo trong thơ, trong đời để sống và sáng tạo…

Không tuyên ngôn, song Huệ Triệu tỏ bày một thái độ thơ, một sự nghiêm túc trong lao động sáng tạo của thi nhân trên cánh đồng chữ nghĩa:

Cày xới mảnh vườn cũ
Gặp sự im lặng
Mải miết cánh đồng hoang
Gieo hạt nắng
Cười nụ cười phẳng phiu
Ai hay trượt ngã
Người làm thơ
Gặt mùa mình trên từng khuôn ruộng chữ

(Gặt mùa trên ruộng chữ)

Chị viết cho mình mà cũng là viết cho những người mang nghiệp văn chương:

Ta chắt từng giọt nước mắt
Vui buồn vẫn lọt kẽ tay
Phung phí từng đêm thổn thức
Cầm mưa vay nắng trả ngày (Viết cho mình)

Bởi là những đoản khúc nên những bài thơ nhỏ như những chiếc lò xo, chữ nghĩa nén lại để bật tung. Trường liên tưởng trong thơ Huệ Triệu qua tập thơ này khá rộng, đề tài cũng phong phú, đa dạng hơn. Thi pháp có sự tìm tòi, cách tân, thơ mang nhiều thi ảnh.

Một ánh nhìn không ấm áp, đem về một nỗi niềm: "Gặp người, trắc trở nông sâu/ Xa người, tóc nửa bờ lau ngậm ngùi" (Hững hờ một ánh mắt thôi).

Một khúc vui xin gửi tặng người, mong ước cho người điều tốt đẹp, còn với mình, nhà thơ viết:

Khúc này riêng tặng tôi xưa
Cho chừa khắng khít, cho chừa dở dang
Bờ xa con sóng mơ màng
Tôi gieo hạt cải, ươm vàng giấc mơ.

(Khúc tặng)

Những câu chữ có khi vụt sáng như màu hoa lóe lên trong nắng, có khi mát mẻ như mưa đầu hạ. Dẫu cho “xanh vào tháng, biếc vào năm”, cũng lắm khi làm nhói lòng như những mảnh vỡ pha lê “mơ về ngày cát trắng”, như lúc “nghiêng vai hẫng cả màu mây bóng người”.

Một thể thơ tứ tuyệt để làm nên "Bước chữ":

Bước hẫng một bậc
Dài thêm đường về
Một lời xa lạ
Thành người lạc quê
Bến mộng bờ mê
Sông chiều cạn gió
Một đời quên nhớ
Câu thề đắm rêu.

Và thêm một điểm cộng cho sự mạnh dạn làm mới thơ mình, như một chùm tremolo trong guitar cổ điển, Huệ Triệu chọn nhịp ba với vần bằng cuối câu: "Đang bề bộn chữ lạc trôi mất vần/ Lặng nghe đáy nghĩa mơ hồ tiếng ngân/ Phải tình cả gió. Cho mình phân thân " (Nhịp ba).

Robert Frost, nhà thơ Mỹ 4 lần đoạt giải Pulitzer từng nói rằng: “Thơ ra đời khi cảm xúc đã tìm thấy suy nghĩ của mình và suy nghĩ thì đã tìm ra lời để diễn đạt chúng”. Những cảm xúc chân thật từ đời sống và khái quát hóa được thành thơ là một quá trình của nhận thức, tư duy, ngôn ngữ, là tình cảm và cách sống. Huệ Triệu nhìn thấy cuộc đời qua người khác “cười giòn giấu bao vụn vỡ thủy tinh”, “biến niềm tin chết yểu thành mặt nạ da người ca tụng hân hoan”, rồi tự nhận ra mình “ta chợt thấy mình thảm hại, khi lặng nhìn bao sự thảm hại khác ở trên đời” (Đôi khi).

Từ đó nghĩ về đời qua sự được thua, còn mất với trái tim nhân hậu và đầy khoan dung: Được thua cái lẽ ở đời

Được mà chua xót cho người là thua
Cái ngỡ được lại thua đau
Cái này tưởng mất ngày sau lại còn.

(Được thua)

Nên với nhiều đoản khúc yêu thương, nhà thơ vẫn nói lời thầm thì:

Nếu có một ngày
Em thức dậy cùng giấc mơ thiếu nữ…
Vui buồn đi qua
Hòn sỏi nhỏ ngân vang trong lòng giếng nhớ.

(Nếu có một ngày)

Vâng, hãy cứ mơ những giấc mơ ngọt lành sau những phút rạc người bởi tứ thơ neo giữ nhảy múa trong đầu, khi đã gặt mùa trên từng khuôn ruộng chữ. Chúc mừng Huệ Triệu với “Đoản khúc trao mùa”.
Nguyễn Hoàng Hoa

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/lang-sau-doan-khuc-trao-mua-496801/