Làng Sen có ông Cả Triệu

Dù không đỗ đạt ghi danh bảng vàng, vậy nhưng ông lại được người đương thời và hậu thế nhắc nhớ bởi văn tài xuất chúng. Ông chính là Lê Bật Triệu - người con của làng Thụy Liên (thường gọi là làng Sen) xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa). Không chỉ là một trong những người thầy tiêu biểu của vùng đất học Hoằng Hóa, sinh thời ông còn nổi tiếng trong giới Nho học với tài hài hước, châm biếm sâu sắc.

Ông Cả Triệu là một trong những bậc tiên hiền, tấm gương sáng cho con cháu dòng họ Lê và người dân Thụy Liên noi theo.

Ông Cả Triệu là một trong những bậc tiên hiền, tấm gương sáng cho con cháu dòng họ Lê và người dân Thụy Liên noi theo.

Nhà Nho hay chữ

Trong lịch sử khoa cử thời phong kiến, Hoằng Hóa nổi danh là vùng đất học với nhiều người thi cử đỗ đạt, làm quan rạng danh dòng tộc, quê hương. Cũng vì việc đề cao sự học mà những người đỗ đạt ghi danh bảng vàng được người đời hết sức coi trọng. Ông Cả Triệu người làng Thụy Liên lại là “ngoại lệ” khi không đỗ đạt, không làm quan song lại được giới Nho học và người đời hết mực yêu quý.

Làng Thụy Liên được bồi đắp bởi phù sa sông đã có lịch sử hình thành cả nghìn năm về trước. Từ thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần… theo sông Mã, các dòng họ đã quần tụ về Thụy Liên khai hoang lập làng. Ông Lê Văn Phiệt - hậu duệ đời thứ 6 của ông Cả Triệu, cho biết: Cụ thủy tổ họ Lê Bật ở Thụy Liên vốn người gốc Cổ Định (Triệu Sơn) vào thời Trần dời xuống đất Thụy Liên lập nghiệp, đến cụ Cả Triệu là đời thứ 12. Cả cuộc đời cụ Cả Triệu giao du rộng rãi, được nhiều người biết tới song luôn giữ lối sống thanh bạch, không coi trọng vật chất.

Theo sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa, Lê Bật Triệu, tên tự là Ôn Phủ, hiệu là Liên Khê, thường được người dân trìu mến gọi là ông Cả Triệu. “Từ nhỏ Lê Bật Triệu được học hành chu đáo, vốn thông minh, dĩnh tuệ, được gọi là thần đồng nhưng lều chõng đi thi chỉ đậu sinh đồ (Tú tài). Có lẽ do tính cách quá hào phóng nên trong bài thi có nhiều chỗ vượt ra ngoài quy cách. Sau đó tình hình xã hội có nhiều biến động nên ông bỏ thi cử, điều đó có nghĩa là gạt bỏ con đường khoa cử, làm quan, đi tìm chí hướng khác cho cuộc đời: chuyên dạy học, có thời gian nhàn rỗi thì kết bạn, thỏa hứng ngao du, ngâm vịnh”.

Lý giải cho tính cách hào phóng mà rất đỗi cao ngạo của ông Cả Triệu, các tài liệu viết về ông cũng cho rằng: Sinh ra và lớn lên vào thời kỳ đất nước nhiều biến động (cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19) chiến tranh chống quân Thanh xâm lược, rồi nội chiến, tao loạn khiến cho đời sống Nhân dân nhiều khổ cực… Tất cả những điều đó đã tác động đến ý thức, tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhất là tầng lớp trí thức nho sĩ Bắc Hà. Dấn thân vào cuộc hay đứng ngoài để chiêm nghiệm, quan sát... ông Cả Triệu không nằm ngoài số đó. Chính vì vậy, sau khi thi đỗ Tú tài, ông Cả Triệu không tiếp tục con đường thi cử mà lựa chọn con đường riêng - vất vả, nghèo khó song ung dung, tự tại. Chính sự lựa chọn này đã giúp ông có những cống hiến nhất định.

Tương tự, sách Văn tài võ lược xứ Thanh viết về ông cũng bày tỏ sự ái mộ: “Làng Nho xứ Thanh có một người nổi tiếng với tài hài hước, châm biếm… Cả Triệu tuy có tài thực sự nhưng thi cử nhiều lần không đỗ đạt nên sinh ra ngang tàng, thích du ngoạn chơi đây đó để trổ tài hoặc tìm các danh sĩ trong nước, đặc biệt là những người đỗ cao để thử tài họ”.

Theo giai thoại dân gian, tương truyền một lần ông Cả Triệu nghe nói chốn thị thành có cô gái nọ tài sắc vẹn toàn, lại yêu thích bút nghiên, biết làm thơ phú, được nhiều danh sĩ lúc bấy giờ ngợi ca song tính cách cô gái cũng rất kiêu ngạo. Ông Cả Triệu tìm đến gặp cô gái nọ vào một buổi chiều tà khi trăng thượng huyền đã lơ lửng trên nền trời xanh, lấp ló soi bóng xuống mặt hồ. Vậy nhưng vì kiêu ngạo nên cô gái ra đề tài “Cua chơi trăng” phiếm chỉ con cua là vật hèn mọn chỉ mon men mép nước mà lại đòi chơi trăng, ẩn ý coi khinh khách và yêu cầu ông Cả Triệu nếu muốn gặp mặt thì phải làm thơ “vịnh cảnh”. Chỉ trong chốc lát, ông Cả Triệu đã hoàn thành bài thơ nôm với lời lẽ nghịch ngợm đầy châm biếm: “Vằng vặc vầng ô đã xế chừng/ Vì hoa cua lại muốn chơi trăng/ Dương mu chống ngược ôm dòng biếc/ Xếch yếm quay ngang ấp bóng hằng/ Cung quế chờn vờn hương thoảng bén/ Nguồn đào thấp thoáng gió như nâng/ Một mai cá nước duyên vui thú/ Trăng muốn tìm cua được nữa chăng?”. Đọc xong bài thơ do người hầu mang vào, cô gái vội vàng ra đón khách thì người đã đi tự bao giờ (theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh).

Là người hay chữ, giỏi thơ văn lại thích ngao du, đi tới đâu ông Cả Triệu cũng vịnh thơ, xướng đối, để lại cho đời nhiều áng thơ văn có giá trị. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu của ông, như: Liên Khê di tập; Liên Khê Nam hành tạp vịnh; Hội Triều trướng ký; cùng một số thúc ước văn, thơ Nôm, câu đối… Những sáng tác của ông thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, đề cao tình bạn hữu…

Người thầy tiêu biểu

Trong lịch sử, Hoằng Hóa cũng là vùng đất nổi danh với nhiều thầy giáo giỏi khắp cả nước như Lương Đắc Bằng, Nguyễn Sư Lộ, Lê Huy Du… và không thể không nhắc đến ông Cả Triệu. Sách Lịch sử giáo dục huyện Hoằng Hóa viết: “Ông là nhà Nho hay chữ, học rộng, phóng khoáng, không đỗ đạt cao trong thi cử, nhưng ông nổi tiếng trên các bình diện sáng tạo thơ văn, lãng du và đặc biệt là thầy dạy học tài giỏi”.

Ông Cả Triệu là hậu duệ đời thứ 12 của dòng họ Lê ở đất Thụy Liên.

Sau khi thi đỗ Tú tài, ông Cả Triệu mở trường dạy học tại nhà. Thầy Cả Triệu có lối dạy học riêng. Ông khuyến khích học trò phát huy tính chủ động để suy nghĩ, luận giải kiến thức sách vở để từ đó ứng dụng vào thực tiễn. “Bài giảng của ông không gò bó trong sách vở, ông luôn mở rộng vấn đề, đặt nhiều tình huống cho học sinh ứng xử, vận dụng khi hành đạo. Nói rộng ra, tức là thông qua kiến thức chữ nghĩa trong kinh sách vận dụng vào cuộc sống để dạy đạo làm người… Nhân dân trong vùng nói đến Lê Bật Triệu là nói đến một nhà nho cương nghị, ngay thẳng, phóng khoáng, thích ngao du sơn thủy, đi đến đâu cũng kết bạn với nhiều danh sĩ, thích xướng đối, vịnh thơ văn, ông được Nhân dân và kẻ sĩ gần xa tôn xưng là thầy giáo uyên thâm, “tâm tàng kinh sử, phúc uẩn kinh luân”, trí cao, dạy giỏi, đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước” (theo sách Lịch sử giáo dục huyện Hoằng Hóa).

Học trò trong khắp cả vùng nghe tiếng ông hay chữ, trình độ uyên thâm, sống khoáng đạt, không coi trọng vật chất, lại có phương pháp dạy học riêng nên tìm đến “tầm sư” rất đông. Người học với thầy Cả Triệu không chỉ được dạy chữ, nghe giảng sách mà còn bình văn, luận bàn thế sự. Từ sự dạy dỗ của thầy Cả Triệu, đã có nhiều học sinh đỗ đạt và thành danh, như: Tiến sĩ Nguyễn Văn Thế, cử nhân Nguyễn Hữu Thái, Hà Duy Phiên - quan đại thần triều Nguyễn…

Gần 2 thế kỷ trôi qua với nhiều biến động nhưng sự kính trọng của người dân Thụy Liên dành cho người con ưu tú của làng - cụ Cả Triệu vẫn luôn được nhắc nhớ. Ông Lê Xuân Tới, bí thư chi bộ thôn Đình Sen (làng Thụy Liên) tự hào: “Nhắc đến cụ Cả Triệu là nhắc đến một tài năng văn chương, nhân cách sống ngay thẳng, hiên ngang, không luồn cúi. Cụ cũng là tấm gương để hậu thế noi theo. Hàng năm, vào dịp lễ hội kỳ phúc của làng Thụy Liên, cụ Cả Triệu cũng là một trong những bậc tiên hiền được người dân Thụy Liên trân trọng cúng tế”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/lang-sen-co-ong-ca-trieu/27164.htm