Lạng Sơn: Các địa danh, di tích lưu dấu cuộc đời và hoạt động cách mạng của đồng chí Lương Văn Tri

Đồng chí Lương Văn Tri là một trong hai nhà hoạt động cách mạng tiêu biểu nhất của Lạng Sơn. Sinh ra từ một vùng quê nghèo ở vùng miền núi xa xôi hẻo lánh, đồng chí đã có những tháng năm học tập, rèn luyện, đi theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc, có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp Cách mạng Việt Nam. Chặng đường gian khổ nhưng rất vẻ vang đó của đồng chí đã để lại dấu ấn qua nhiều địa danh, di tích đã được xếp hạng các cấp trong và ngoài tỉnh.

Căn cứ Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn), căn cứ của đội Cứu quốc quân I

Huyện Văn Quan – quê hương đồng chí Lương Văn Tri là nơi có những địa danh, di tích in đậm dấu ấn tuổi thơ của đồng chí. Tại làng Bản Hẻo, xã Trấn Ninh có di tích nhà lưu niệm là nơi đồng chí đã sinh ra và lớn lên. Căn nhà nhỏ mang kiến trúc truyền thống đặc trưng của người Tày vùng Văn Quan được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1995. Nơi đây không chỉ phục nguyên hiện trạng trở thành một di tích lưu niệm mà còn trưng bày bổ sung ảnh tư liệu, hiện vật nhằm giúp khách tham quan hiểu rõ hơn quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí ở trong và ngoài nước một cách hệ thống. Tại đây còn có địa điểm ngôi trường làng là nơi đồng chí đã học chữ Nho từ năm lên 7 tuổi. Ngoài ra, ở phố Điềm He (huyện lỵ Văn Quan) còn có địa điểm trường Sơ học yếu lược là nơi đồng chí Lương Văn Tri đã học từ năm 1922 đến năm 1924.

Với tư chất thông minh và tinh thần ham học rồi trường huyện, đồng chí đã được cha mẹ cho lên tỉnh tiếp tục học ở trường Tiểu học Pháp – Việt, thị xã Lạng Sơn. Ngôi trường này chính là nơi ghi dấu những năm tháng học tập, giác ngộ cách mạng và bắt đầu những hoạt động yêu nước đầu tiên của đồng chí với người bạn cùng chí hướng Hoàng Văn Thụ từ năm 1924 đến năm 1927: lập ra nhóm thanh niên yêu nước của trường, tuyên truyền tài liệu cách mạng, vận động hưởng ứng phong trào đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (năm 1925), để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (năm 1926) do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát động trong cả nước…

Sau khi học xong trường Tiểu học Pháp – Việt, đồng chí Lương Văn Tri đã cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ sang Trung Quốc hoạt động Cách mạng. Khu vực biên giới Việt – Trung như Bản Đảy (Lũng Nghịu, Bằng Tường, Trung Quốc), Khưa Đa, Ma Mèo, Tà Lài (châu Văn Uyên), ga Tam Lung… là nơi đồng chí thường qua lại hoạt động thời kỳ 1928 – 1936. Đặc biệt, Quảng Tây (Trung Quốc) là nơi có nhiều địa điểm, địa danh liên quan đến quá trình, hoạt động Cách mạng của đồng chí thời kỳ 1928 – 1935. Đầu tiên phải kể đến xưởng dệt khăn mặt ở phố Long Giang, huyện lỵ Long Châu. Đây là cơ sở sản xuất mà đồng chí đã cùng với chi bộ Long Châu lập nên từ năm 1929. Sau khi kết thúc khóa học ở trường quân sự Hoàng Phố đồng chí đã về làm ở đây một thời gian. Nơi đây đồng chí đã làm việc như một nhân công thực thụ để có kinh phí hoạt động và mua sắm vũ khí, đồng thời là nơi đào tạo cán bộ cho Lạng Sơn và Cao Bằng. Cạnh ngôi nhà này vẫn còn dấu tích bến thuyền nơi đồng chí thường qua sông Lệ Giang để hoạt động Cách mạng. Tại thị trấn Long Châu có địa điểm nhà bà Hai Nông – ông Nông Nhân Bảo ở 81 phố Bát Bảo, cơ quan bí mật của Đảng ở 74, 76 phố Nam là trạm liên lạc bí mật, nơi đồng chí Lương Văn Tri thường cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ qua lại trong quá trình hoạt động và tổ chức các lớp huấn luyện cách mạng. Bên cạnh đó còn có xưởng cơ khí Nam Hưng ở đường Cộng Hòa, thành phố Nam Ninh (Quảng Tây) là nơi đồng chí đã đến làm việc thời kỳ 1929 – 1931, trường Quân sự Hoàng Phố (Quảng Châu) là nơi đồng chí đã học từ cuối năm 1931 đến đầu năm1935…

Tháng 5 năm 1936, theo sự phân công của tổ chức, đồng chí Lương Văn Tri đã về gây dựng và phát triển Đảng ở Lạng Sơn cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ. Từ đó đến năm 1938, hai đồng chí đã đến gây dựng phong trào và thành lập các chi bộ Đảng đầu tiên ở huyện Bắc Sơn (năm 1936) và Tràng Định (năm 1939). Điểm di tích bến đò bản Thẳm (xã Song Giang, huyện Văn Quan) là nơi đồng chí Lương Văn Tri hẹn gặp đồng chí Hoàng Văn Thụ để cùng vào Bắc Sơn – bắt đầu một chặng đường quan trọng sau những tháng ngày hoạt động ở Trung Quốc trở về. Địa bàn hai huyện: Tràng Định, Bắc Sơn là nơi ghi dấu những nỗ lực của đồng chí Lương Văn Tri trong việc xây dựng tổ chức Đảng của Lạng Sơn. Đặc biệt, tại Bắc Sơn có rất nhiều điểm di tích liên quan đến đồng chí Lương Văn Tri khi đồng chí có hai năm về hoạt động ở đây với cương vị là Chỉ huy trưởng đội du kích Bắc Sơn, Đội Cứu quốc quân 1; Chính trị viên Trung đội Cứu quốc quân 1. Để lại dấu ấn sâu đậm nhất là điểm di tích Khuổi Nọi trong khu di tích Quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Bắc Sơn. Khuổi Nọi là căn cứ của du kích Bắc Sơn, nơi đã diễn ra sự kiện thành lập Đội Cứu quốc quân 1 ngày 14/2/1941 do đồng chí Lương Văn Tri làm chỉ huy trưởng. Đây là lực lượng vũ trang đầu tiên của Đảng, tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam. Tại đây, với trọng trách được giao, đồng chí Lương Văn Tri đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc củng cố đội du kích Bắc Sơn, xây dựng căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai… Đặc biệt Khuổi Nọi chính là trung tâm huấn luyện chính trị, quân sự cho cán bộ cơ sở ở châu Bắc Sơn và một số tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang do đồng chí Lương Văn Tri tổ chức và trực tiếp truyền đạt. Đồng thời là nơi ghi dấu những hoạt động của các chiến sĩ cứu quốc quân Bắc Sơn quả cảm dưới sự chỉ đạo của các đồng chí trong Ban chỉ huy, trong đó có đồng chí Lương Văn Tri.

Ở ngoài tỉnh, liên quan đến quá trình hoạt động của đồng chí Lương Văn Tri có vùng an toàn khu ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Với cương vị là ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí đã được Trung ương Đảng cử về đây tổ chức lớp huấn luyện quân chính đầu tiên cho cán bộ của Xứ ủy tại xã Thanh Vân, tổng Hoàng Vân vào cuối năm 1940. Đồng thời tham gia chỉ đạo xây dựng, củng cố địa bàn an toàn khu này. Hiện ở đây có điểm di tích Quốc gia nơi tổ chức các lớp huấn luyện quân sự; nhà ông Quốc – cơ sở quần chúng của đồng chí Lương Văn Tri… Ngoài ra còn có địa điểm chợ Bằng Khẩu (Ngân Sơn, Bắc Kạn) là nơi đồng chí Lương Văn Tri bị địch bắt trên đường rút quân khỏi căn cứ Khuổi Nọi tháng 8/1941, nhà tù Cao Bằng là nơi đồng chí bị thực dân Pháp giam cầm và hy sinh anh dũng ngày 29/9/1941…

Các địa danh, di tích tiêu biểu trên đây là nơi ghi dấu những mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời, hoạt động Cách mạng của đồng chí Lương Văn Tri. Hiện nay, một số vẫn còn nguyên trạng, được trùng tu, tôn tạo, xếp hạng di tích các cấp để bảo vệ, phát huy giá trị, một số đã không còn dấu tích. Đó là những địa điểm giúp chúng ta cảm nhận rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp của người chiến sĩ cách mạng kiên trung đã hy sinh quên mình vì dân, vì nước.

CHU QUẾ NGÂN

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lang-son-cac-dia-danh-di-tich-luu-dau-cuoc-doi-va-hoat-dong-cach-mang-cua-dong-chi-luong-van-tri-79097