Lạng Sơn: Ứng dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung

Từ cách làm thủ công viết tay, từ giữa năm 2017 đến nay, nhờ ứng dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung (ĐKQLHTDC) đã nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực tư pháp – hộ tịch ở Lạng Sơn.

Công chức xã Tân Tác (Văn Lãng) ứng dụng phần mềm vào giải quyết TTHC cho người dân

100% xã, phường ứng dụng phần mềm

Thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2017, Sở Tư pháp đã rà soát hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) để triển khai lắp đặt máy vi tính, máy in phục vụ công tác đăng ký hộ tịch. Theo đó, hết quý I/2017, sở đã phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan lắp đặt 138 máy vi tính, 149 máy in cho phòng tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã chưa có máy tính, máy in, nâng tổng số xã, phường, thị trấn có máy tính ứng dụng phần mềm ĐKQLHTDC và thực hiện đề án lên 226/226 đơn vị, đạt 100%.

Ngay sau khi hoàn tất việc lắp đặt trang thiết bị, trong quý II/2017, Sở Tư pháp tổ chức 15 lớp tập huấn ứng dụng phần mềm đăng ký hộ tịch dùng chung cho 472 công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh và tạo lập, cấp 443 tài khoản cho người dùng (công chức tư pháp). Sau khi các bước này được tiến hành xong, phần mềm ĐLQLHTDC được ứng dụng tại Lạng Sơn từ 1/7/2018.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Việc triển khai ứng dụng phần mềm ĐKQLHTDC nhằm hiện đại hóa, cải cách quy trình giải quyết TTHC lĩnh vực hộ tịch; giúp ích cho việc cập nhật, quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch và phục vụ tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Lợi ích “kép”

Có mặt ở bộ phận “một cửa” UBND thị trấn Bình Gia vào một ngày cuối tháng 9/2018, chúng tôi chứng kiến một số người dân đến đây làm thủ tục liên quan đến lĩnh vực hộ tịch như: đăng ký khai sinh, đề nghị cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký kết hôn.

Anh Hoàng Văn Chung, khối 6B, thị trấn Bình Gia kể: “Bây giờ đi đăng ký khai sinh nhanh và tiện lắm, chỉ việc đọc thông tin cho cán bộ nhập vào máy rồi in ra ký đóng dấu là xong, muốn cấp bao nhiêu bản sao khai sinh cũng được. Cách đây mấy năm, cứ viết tay từng bản, xin cấp 1 bản chính, 5 bản sao như này gần 1 tiếng chưa xong”.

“Với phần mềm này, chúng tôi giải quyết công việc nhanh chóng hơn hẳn, giúp người dân không phải chờ đợi lâu. Tiện nữa là phần mềm có thể cập nhật hoặc chỉnh sửa, trích xuất thông tin về hộ tịch, hộ khẩu của người dân và cho phép thống kê, tổng hợp báo cáo số liệu chính xác hằng tháng, quý, năm trong ít phút với thao thác dễ dàng thay vì làm theo cách thủ công như trước.” – ông Phan Văn Nhượng, công chức tư pháp thị trấn Bình Gia cho biết.

Tương tự thị trấn Bình Gia, công chức tư pháp – hộ tịch ở các xã, phường, thị trấn khác trong tỉnh cũng có chung nhận xét: từ khi đưa vào ứng dụng phần mềm ĐKQLHTDC đã giảm tải công việc của cán bộ trong quản lý, tra cứu các thông tin, sự kiện hộ tịch công dân một cách khoa học, tiết kiệm thời gian và kết xuất báo cáo chính xác, nhanh chóng. Anh Nguyễn Quang Huy, công chức tư pháp phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn kể: Trước đây, làm theo cách thủ công viết tay, tôi mất hàng tiếng đồng hồ tìm sổ gốc hộ tịch hàng trăm trang mới thấy một sự kiện hộ tịch thì nay chỉ cần nhập dữ liệu, phần mềm tự động điền vào các phiên bản cần tới và khi trích xuất thông tin thì đã có sẵn trong máy nên tra cứu rất nhanh.

Từ khi triển khai đến nay, phần mềm ĐKQLHTDC đã cập nhật, đăng ký gần 59.000 trường hợp bao gồm: khai sinh; xác nhận tình trạng hôn nhân; kết hôn; khai tử; giám hộ; nuôi con nuôi; nhận cha, mẹ, con; cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch; xác định lại dân tộc.

Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát quá trình ứng dụng phần mềm và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, hạn chế để nâng cao hiệu quả ứng dụng phần mềm này tại Lạng Sơn.

Minh Đức/baolangson.vn

Nguồn Bộ Nội Vụ: https://moha.gov.vn/danh-muc/lang-son-ung-dung-phan-mem-dang-ky-quan-ly-ho-tich-dung-chung-39721.html