Lặng thầm những bước chân tuần tra trên biên giới Việt - Lào

Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ hết sức vinh quang, nhưng cũng lắm gian nan, vất vả của những người lính Biên phòng. Dẫu ngày hay đêm, mưa rét hay nắng cháy, bước chân tuần tra của những chiến sĩ mang quân hàm xanh vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc...

Đội hình tuần tra hành quân trong rừng rậm. Ảnh: Phương Linh

Những bước chân không mỏi…

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp cùng Đội tuần tra Đồn BP Tri Lễ, BĐBP Nghệ An đi tuần tra biên giới. Đúng 6 giờ sáng, khi sương mù còn chưa tỏ lối, đội hình tuần tra của đồn gồm 8 cán bộ, chiến sĩ cùng quân tư trang cá nhân, vũ khí trang bị đã có mặt tại sân đồn. Đại úy Trịnh Xuân Vinh, Phó Đồn trưởng trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị của toàn đội và quán triệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, chiến sĩ, đồng thời, phổ biến các phương án xử lý từng tình huống có thể xảy ra trong quá trình tuần tra. Trong đợt tuần tra lần này, Đội tuần tra có nhiệm vụ kiểm tra đoạn biên giới từ mốc số 373 đến mốc số 376 trên tổng số 8 cột mốc biên giới Việt Nam - Lào do đồn phụ trách.

Mốc 373 - điểm đến đầu tiên trên tuyến biên giới của chúng tôi trong hành trình thuộc địa bàn bản Huồi Xai, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Đây là cột mốc đầu tiên giáp với cụm bản Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào) là mốc xa nhất, đường đi lại khó khăn nhất, nằm ở đỉnh Phà Cà Tún với độ cao 2.500m so với mực nước biển. Những đoạn đầu tiên trôi qua khá nhẹ nhàng do còn khỏe, háo hức. Tuy nhiên, hơi thở nặng dần, nhịp bước chân chậm lại sau mấy giờ trèo qua dăm con dốc nhỏ, mấy khe nước ngập đến nửa thân người. Chúng tôi tranh thủ ăn trưa dưới tán lá của rừng già rồi khẩn trương lên đường.

Đến tầm 14 giờ, Thiếu tá Hồ Sỹ Đức, vai mang ba lô khoảng 25kg, đi sát bên tôi, thông báo một cách hồ hởi: "Mốc 373 đây rồi!". Quả đúng như "cảnh báo" của các anh khi nói chuyện ở đồn, đến được mốc 373, tôi đã thấy chùng chân, mồm miệng tranh nhau thở. Chân, tay, cổ... nhiều nơi đã bị sên, vắt cắn... Đại úy Trịnh Xuân Vinh bộc bạch: "Thường để đi hết 17,5km đường biên giới do đồn quản lý, chúng tôi chia làm 2 đợt. Đoạn từ mốc 373 - 376 dài khoảng 7km được thực hiện trong vòng 3 ngày. Đoạn từ mốc 377 - 380 đi khoảng 4 ngày, trong điều kiện thời tiết bình thường. Tuy nhiên, nếu gặp trời mưa, sương mù thì có thể thêm chừng đó thời gian nữa...".

Sau khi tiến hành phát quang các cành cây rậm rạp, quan sát, kiểm tra các dấu hiệu cột mốc biên giới thấy không có gì thay đổi, nghi lễ chào cột mốc - chủ quyền Tổ quốc - được các chiến sĩ Đồn BP Tri Lễ thực hiện một cách trang nghiêm làm chúng tôi không khỏi tự hào, xúc động. Trung úy Thái Bá Út, nhân viên cảnh khuyển, cho hay: "Mỗi gốc cây, từng khúc quanh của tuyến đường độc đạo lên mỗi cột mốc, dần trở nên quen thuộc với tôi và đồng đội qua từng chuyến tuần tra. Tuy nhiên, mỗi lần đứng nghiêm trang trước cột mốc nơi biên cương của Tổ quốc, tôi thấy dâng trào nhiều cảm xúc mà không thể nào diễn tả hết".

Sau khi làm biên bản tại cột mốc 373 đã hơn 15 giờ, Đội tuần tra nhanh chóng tiếp tục hành trình đến với mốc 375. Theo Trung úy Út, mốc 375 tính theo km thì không xa, nhưng đi bộ cũng phải mất hơn 3 giờ. Vì sợ trời tối, do đó không ai bảo ai cứ thế đi, cứ thế vượt qua hết con dốc này, đến khe suối khác… Sẩm tối, tôi đã đuối sức khi cố bước theo đoàn để tiếp tục vượt dốc Dài. "Dốc Dài đây rồi!" - Út thốt lên sung sướng! Tuy nhiên, ngước nhìn đỉnh dốc dựng đứng trước mặt, chúng tôi ai nấy đều lắc đầu, e không qua nổi lúc này. Đội tuần tra quyết định dựng lán nấu ăn và nghỉ đêm tại chân dốc.

Và đêm đó, câu chuyện tuần tra được các anh lần lượt kể: Đó là nhiều đợt tuần tra gặp mưa lớn không làm sao nấu ăn, dựng được lán, thế là mỗi người mỗi võng bạt, ăn mì tôm sống, lương khô, uống nước lạnh. Có những hôm gặp lũ quét, anh em gọi nhau chạy thục mạng để thoát thân... Những chuyến đi tuần tra thường kéo dài 10 ngày đêm trong rừng sâu, núi thẳm gặp thời tiết không thuận lợi là chuyện thường. Do không có đường đi, Đội tuần tra phải là những người có kinh nghiệm cắt rừng, thông thạo địa hình và nhiều kỹ năng khác.

Và chúng tôi đã đi như thế, bên các anh thêm 2 ngày nữa để được đến với mốc 376 - mốc cuối cùng trong đợt 1 tuần tra của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Tri Lễ. Điều cảm nhận trong tôi là dù chưa đi hết 4 mốc còn lại do Đồn BP Tri Lễ quản lý, cũng như chưa có dịp đặt chân lên những nẻo đường tuần tra khác, nhưng chỉ nơi địa đầu này, nơi con đường tuần tra như sợi chỉ bện qua lưng núi, một bên núi cao, một bên vực sâu thẳm, được "Ba cùng" với những người lính Biên phòng tại rừng sâu biên giới, cũng đủ để thấu hiểu thế nào là hy sinh, là cống hiến…

Đội tuần tra bên mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Ảnh: Phương Linh

Vì chủ quyền an ninh biên giới

Theo Đại úy Trịnh Xuân Vinh, với địa bàn xã Tri Lễ, do đơn vị quản lý có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào dài 17,5km với 8 cột mốc (từ cột mốc số 373 đến 380). Để thực hiện tốt công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng là tuần tra, bảo vệ đường biên và hệ thống cột mốc này. Theo quy định, ít nhất một tháng cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải thực hiện một chuyến tuần tra đến các cột mốc trên địa bàn đơn vị mình quản lý một lần, ngoài ra, mỗi quý, một lần tổ chức tuần tra song phương với đơn vị đối diện phía bạn Lào, chưa kể những chuyến tuần tra đột xuất khác.

Chính vì vậy, trước mỗi chuyến "đi biên", Đội tuần tra phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lương thực, thực phẩm cần thiết cho khoảng thời gian trung bình từ 8 - 10 ngày. Ngoài gạo, đồ ăn, thức uống thì vật dụng không thể thiếu là loại tất dày, dài, dùng đeo vào chân để chống sên, vắt và thuốc cảm cúm, thuốc chống viêm loét do cành cây, đá làm xây sát chân, tay…

Câu chuyện tuần tra của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Tri Lễ cũng là câu chuyện chung của 18 đồn BP trên tuyến biên giới của tỉnh Nghệ An tiếp giáp 3 tỉnh của nước bạn Lào, với chiều dài 419km, từ đó có thể hình dung khó khăn, vất vả sẽ là không thể kể hết, nhưng với cán bộ, chiến sĩ BĐBP, các anh chỉ mong sao "anh em đi về an toàn, mốc giới, đường biên không có sự cố gì là vui rồi".

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đinh Ngọc Văn, Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An, cho biết: Năm 2015, cán bộ, chiến sĩ thuộc 18 đồn BP trên tuyến biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào đã tổ chức tuần tra 198 đợt, tuần tra song phương với lực lượng bảo vệ biên giới Lào 20 đợt. Thông qua tuần tra, bảo vệ đường biên và hệ thống cột mốc, các vụ việc xảy ra trên biên giới, như xâm hại cột mốc, nổ mìn đánh cá trên sông, suối biên giới, vượt biên trái phép… được phát hiện, xử lý kịp thời. Cùng với đó, công tác phối hợp tuần tra song phương còn góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, phối hợp hiệp đồng trên các mặt công tác. Đặc biệt, các vụ việc xảy ra trên biên giới được hai bên thảo luận, trao đổi và xử lý trên tinh thần thẳng thắn, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau…

Có thể nói, cùng với các biện pháp công tác khác, công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ dấu hiệu đường biên, mốc quốc giới đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Tổ quốc của lực lượng ĐBBP. Bên cạnh đó, còn góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Và, cũng chính bởi ý nghĩa thiêng liêng đó, những bước chân tuần tra lặng thầm của cán bộ, chiến sĩ BĐBP vẫn tiếp tục băng rừng, lội suối…

Phương Linh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lang-tham-nhung-buoc-chan-tuan-tra-tren-bien-gioi-viet-lao/