Làng văn hóa dân tộc Dao Thanh Y xã Hải Sơn: Bao giờ được triển khai?

Những năm qua, đời sống kinh tế - xã hội của xã Hải Sơn (TP Móng Cái) không ngừng phát triển, người dân trong xã tích cực đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa... Tuy nhiên, cùng với thời gian, các phong tục, tập quán, những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây cũng dần mai một. Chính quyền và người dân rất mong mỏi đề án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa một số làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển bền vững xã Hải Sơn (Làng văn hóa dân tộc Dao Thanh Y xã Hải Sơn) sớm được triển khai.

Xã Hải Sơn đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

Xã Hải Sơn đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

Xã Hải Sơn có 349 hộ dân với 1.533 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Dao, Sán Chỉ chiếm 86,7% dân số. Riêng thôn Pò Hèn có 172 hộ dân, với 646 nhân khẩu, gồm 3 thành phần dân tộc cùng sinh sống, với dân tộc Dao chiếm 42,8%. Nơi đây, đã từng ghi dấu về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, với Đài Tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn, Cột mốc biên giới 1347 - Địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Dân tộc Dao ở thôn Pò Hèn có những nét văn hóa truyền thống đặc trưng, như: Lễ cấp sắc cho người con trai trước khi trưởng thành; hát đối giao duyên, hát trong dịp lễ, tết, đám cưới; cúng lệ làng vào đầu năm, giữa năm và cuối năm - cầu cho sức khỏe, mùa màng bội thu; các trò chơi dân gian như đánh quay, đẩy gậy...

Tuy nhiên, những năm gần đây việc giáo dục truyền thống văn hóa, truyền dạy cho con cháu giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân tộc Dao chưa thật sự được quan tâm. Một số nghi lễ, các làn điệu, câu hát có nguy cơ mai một. Việc sử dụng trang phục trong các lễ cưới, lễ hỏi, lễ cấp sắc của người dân trong thôn chưa được quan tâm và duy trì theo đúng bản sắc dân tộc. Trong thôn chỉ còn vài người tuổi trung niên, người cao tuổi còn mặc trang phục và biết cắt, thêu trang phục truyền thống. Trang phục truyền thống chỉ được sử dụng trong đám cưới, một số ít mặc trong dịp Tết cổ truyền.

Thi gói bánh chưng tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc xã Hải Sơn lần thứ nhất, năm 2019.

Ông Mễ Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn, cho biết: Xuất phát từ thực trạng đời sống văn hóa, những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đang dần bị mai một, Đảng bộ xã Hải Sơn đã ban hành nghị quyết về việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư có hạn, xã Hải Sơn rất mong muốn tỉnh và các sở, ngành quan tâm triển khai xây dựng Làng văn hóa dân tộc Dao Thanh Y trên địa bàn xã để Hải Sơn trở thành một điểm mẫu trong việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Dao, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Nhân dân tham gia trò chơi dân gian đánh đu tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc xã Hải Sơn lần thứ nhất, năm 2019.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Móng Cái, cho biết: Triển khai Kế hoạch 495/KH-BDT ngày 13/9/2019 của Ban Dân tộc tỉnh về thẩm định dữ liệu xây dựng đề án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa một số làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, các thành viên tổ đề án của tỉnh đã làm việc với TP Móng Cái để rà soát, thẩm định một số thông tin, dữ liệu; thống nhất một số nội dung đề án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa một số làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển bền vững xã Hải Sơn giai đoạn 2020-2025, trong đó tập trung vào nhóm tạo lập không gian văn hóa: Xây dựng cổng làng; phục hồi nhà ở truyền thống người Dao Thanh Y; xây dựng công trình nhà văn hóa cộng đồng, cụm biểu tượng đặc trưng của người Dao Thanh Y, công trình đường giao thông, khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Ninh. Xây dựng làng nghề truyền thống thêu may trang phục truyền thống bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể: Phục dựng và hoạt động của CLB văn nghệ dân gian trong thôn; chép lại các cuốn sách hát, sách cúng... Hy vọng, đề án sớm được triển khai để mong mỏi của đồng bào các dân tộc xã Hải Sơn sớm trở thành hiện thực.

Hữu Việt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202002/lang-van-hoa-dan-toc-dao-thanh-y-xa-hai-son-bao-gio-duoc-trien-khai-2469712/