Làng Việt du lịch về nơi tín ngưỡng tâm linh

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam dấu ấn di sản văn hóa cư trú của cộng đồng 54 dân tộc anh em qua việc tái tạo phục dựng những tập quán tín ngưỡng lễ hội và tâm linh. Ở đó trong sâu thẳm văn hóa cội nguồn luôn ẩn hiện một cõi tâm linh tĩnh tại là nơi chốn đi về của miền di sản.

Lễ dâng y tại chùa Khơme . Ảnh: Phạm Lự.

Lễ dâng y tại chùa Khơme . Ảnh: Phạm Lự.

Đến với nơi đất có thổ công

Về Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, bạn có thể đã trạm tới một cõi linh thiêng từ những nóc nhà, những mái nhà mang hồn thiêng của văn hóa cư trú rất đặc trưng bản địa.

Để xây lên một ngôi nhà bất kể nhà sàn, nhà đất, nhà gạch, nhà đá, nhà gỗ, nhà tre... đều mang dấu ấn tín ngưỡng tâm linh của người làm ra nó, sử dụng nó theo những ứng dụng phong thủy đảm bảo cho sự hài hòa hanh thông trời đất.

“Đất có thổ công sông có hà bá” là quan niệm sống động về tín ngưỡng tâm linh một khi đã cất lên nhà, dựng lên làng. 54 ngôi làng với mấy trăm ngôi nhà ở nơi đây đã hiển diện đầy đủ xúc tích cõi tâm linh chọn đất dựng nhà hòa hợp với thần linh thổ địa. Phù hợp với âm dương ngũ hành hanh thông với đất trời vũ trụ.

Cõi tâm linh trong các ngôi làng, ngôi nhà ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là tín ngưỡng những nghi thức thờ cúng kiêng kị của từng dân tộc cư trú trong đó. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam gần như thống nhất cùng có chung câu thành ngữ “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

Đến nơi đây du khách đã hành hương đến cõi thiêng, trải nghiệm nơi cõi thiện. Bởi nhà nhà đều có bàn thờ, góc thờ, có cửa kiêng, có nơi cấm kị. Ngay cả bếp lửa ở mỗi ngôi nhà cũng trú ngụ trong đó nhiều yếu tố thần bí thiêng liêng để cho du khách trải nghiệm khám phá.

Thiếu nữ người Chăm làm lễ trưởng thành . Ảnh: Ngọc Thành.

Đến Khu các Làng dân tộc Việt Nam đi hết các ngôi nhà du khách sẽ cảm nhận được dường như làng đang hiện về từ trong quá khứ xa xăm. Làng đang đến từ nơi hư vô bất tận cùng với nhiều bí ẩn lạ kì. Ở trong mỗi ngôi nhà, mỗi ngôi làng trú ngụ những linh hồn thuần việt từ gốc gác cội nguồn đến ngày nay lại hiện về sinh động. Nơi đó luôn mở lòng phù hộ, cầu chúc, ban phước cho du khách những điều lành, những giá trị tốt đẹp để tin vào cuộc sống hôm nay.

Về với chốn sông có “hà bá”

Nếu như những quả đồi, cánh rừng ở Khu các Làng dân tộc là hiện thân của vùng đất văn hóa ruộng và rừng thì con sông Cò và hồ Đồng Mô là cụ thể hóa của miền quê văn hóa sông hồ.

Con sông Cò chỉ là nhánh nhỏ sông Tích nhưng nguồn sinh thủy của nó lại từ đỉnh núi Ba Vì mang sắc màu những huyền thoại truyền thuyết và cổ tích. Sông và hồ Đồng Mô đều bắt nguồn từ trốn linh thiêng nơi trú ngụ của vị thánh núi Tản Viên cùng với sự hội tụ các dòng chảy văn hóa xứ Đoài - quê Lụa.

Rất tiếc là cho đến bây giờ chúng ta chưa xây dựng được khu du lịch mặt nước bến thuyền chợ nổi xứng tầm để khai thác những giá trị văn hóa văn minh và tâm linh của miền sông nước xứ Đoài non Tản. Trong tương lai gần điều này chắc rằng sẽ sớm được thực hiện.

Chốn tâm linh này có một cụ “hà bá” thuộc vào diện quý hóa nhất hành tinh. Đó là cụ rùa hồ Đồng Mô. Một cá thể rùa mai mềm khổng lồ họ hàng với cụ rùa Hồ Hoàn Kiếm thiêng liểng vừa mới băng hà vào tháng 1/2016.

Cách đây gần nửa thế kỷ người dân xứ Đoài đã phát hiện hồ Đồng Mô có cụ rùa nhỏ hơn rùa Hoàn Kiếm chút ít. Thời đó chưa quan sát được rõ nét, chưa xem tận mặt để bắt được hình dong của cụ rùa.

Cho đến mãi năm 2006 giới quan sát, bảo vệ động vật quí hiếm mới mục sở thị cụ rùa Đồng Mô nổi lên trên mặt nước hồ.

Không may 2 năm sau 11/2008 đập Đồng Mô bị vỡ. Người dân Sơn Tây đã bắt được cụ rùa này. Cũng may công an và kiểm lâm có mặt kịp thời giải cứu cụ rùa thoát khỏi nguy cơ bị lột mai xả thịt.

Cũng từ đó cụ rùa được bảo vệ nghiêm cẩn cho đến ngày nay. Ngày 9/3/2018 các nhà bảo vệ động vật quí hiếm đã chụp được bức ảnh cụ rùa hồ Đồng Mô lên bãi cát phơi nắng.

Theo giới rùa học thì trên thế giới chỉ còn 4 cá thể loài rùa này. Hồ Đồng Mô thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành trốn linh thiêng nơi cụ rùa ngự trị. Nơi này thực sự là một cõi tâm linh rùa thiêng miền non tản.

Một cõi linh thiêng nối đất với trời

Đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là đến với một cõi tâm linh trong tâm thức cộng đồng người Việt. Dấu ấn linh thiêng có cây nêu, tượng nhà mồ, chùa Khmer, đền Tháp Chăm, đình Làng Việt và các miếu nhỏ ở các ngôi nhà, ngôi làng dân tộc nơi chốn tâm linh này vừa mang dấu ấn nghi lễ tôn giáo vừa mang dấu ấn tín ngưỡng dân gian.

Thiếu nữ Thái bên bếp lửa hồng . Ảnh: Lý Khang.

Du khách tới đây qua các hình thức dâng hương, hội lễ, chiêm bái... đều có thể tiếp cận với những giá trị tín ngưỡng tâm linh cội nguồn bản địa. Các công trình văn hóa tâm linh ở đây không xây dựng, phục dựng đồ sộ, phóng đại, hoành tráng mà gần gũi với nguyên gốc nguyên mẫu, nguyên bản. Các công trình có sự chế tác phục dựng nhưng không phóng tác thiên lệch chệch hướng. Tất cả đều như thể nó vẫn tồn tại ở địa chỉ gốc, ở trong cộng đồng, ở những vị trí tôn nghiêm thành kính để ngưỡng vọng.

Hành hương về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam bất cứ dịp nào mùa nào cũng đều gặp được các sinh hoạt lễ hội, các phong tục tập quán tín ngưỡng tâm linh của đồng bào thay nhau về đây tổ chức hoạt động. Bà con và các nghệ nhân đã thổi hồn vào trong các ngôi nhà ngôi làng những giá trị văn hóa truyền thống những đặc trưng di sản trong đó có các yếu tố tâm linh tín ngưỡng.

Một bếp lửa thiêng, một góc riêng thờ cúng, một cây nêu trước nhà, một vườn tượng trầm mặc, một mái chùa ngọn tháp ở đây đều trở nên thiêng liêng. Điều đó chứng tỏ đã nối được trời đất với lòng người bằng niềm tin mãnh liệt vào cõi sống cõi thiện và những giá trị văn hóa di sản của muôn đời.

Nhà văn Ngô Quang Hưng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lang-viet-du-lich-ve-noi-tin-nguong-tam-linh-66499