Lãnh án vì làm lơ nhà xây trái phép ở Bình Chánh

Hai cựu cán bộ liên quan đến vụ sai phạm về xây dựng ở huyện Bình Chánh, TP.HCM thừa nhận hành vi phạm tội.

Ngày 25-3, TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM đã xử sơ thẩm hai bị cáo trong vụ tiêu cực liên quan đến đất đai ở huyện này, xuất phát từ loạt bài phản ánh việc xây dựng trái phép trên Pháp Luật TP.HCM vào đầu năm 2019.

HĐXX tuyên phạt Lê Hoài Bảo (cựu cán bộ kinh tế phụ trách địa chính xã Vĩnh Lộc A) hai năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và cấm đảm nhiệm chức vụ trong cơ quan nhà nước ba năm kể từ ngày chấp hành án xong. Cùng về tội này, HĐXX phạt Nguyễn Công Thịnh (cựu trưởng Ban nhân dân ấp 5, xã Vĩnh Lộc A) một năm tù và cấm hoạt động trong cơ quan nhà nước hai năm kể từ ngày chấp hành án xong.

Hạn chế người dự tòa vì COVID-19

Ngay từ sáng sớm, người dân đến phiên tòa khá đông nhưng tránh việc tụ tập đông người để phòng ngừa dịch COVID-19 nên TAND huyện hạn chế người vào tham dự phiên tòa. Theo đó, chỉ những người có giấy triệu tập tham dự mới được vào phòng xử án.

Ngay từ cổng tòa án, lực lượng bảo vệ thực hiện nghiêm việc đo thân nhiệt và yêu cầu người dân phải khử trùng tay bằng dung dịch sát khuẩn. Bảo vệ cũng yêu cầu tất cả người tham dự trong phiên tòa phải đeo khẩu trang, nếu không có sẽ được phát miễn phí.

Theo cáo trạng, từ ngày 17-1 đến 18-2-2019, Bảo và Thịnh vì động cơ cá nhân đã làm trái công vụ, không thực hiện đúng quy định về công tác kiểm tra địa bàn trong lĩnh vực xây dựng. Hai bị cáo không kịp thời lập hồ sơ xử lý đối với 10 căn nhà, chín móng nền nhà xây dựng không phép tại ấp 5A, xã Vĩnh Lộc A.

Tháng 1-2019, ông Nguyễn Đức Huệ đến chỗ xây dựng căn nhà của mình thì thấy Bảo đứng xem và hối thúc thợ xây yên tâm để cho Nguyễn Văn Tàu (thầu xây dựng, chưa rõ lai lịch) tiếp tục xây dựng. Hai tháng sau, nhà của ông Huệ bị cưỡng chế tháo dỡ, Tàu liên lạc với ông Huệ dặn đừng khai báo với cơ quan CSĐT để Tàu sắp xếp trả lại 200 triệu đồng tiền lo lót xây nhà không phép.

Tuy nhiên, Tàu không liên lạc với ông Huệ và không trả 200 triệu đồng nên ông Huệ báo công an. Trong khi bị cáo Bảo khai không quen, không trao đổi, không nhận tiền từ ông Huệ và Tàu. Do đó, chưa có căn cứ xử lý hành vi đưa, nhận hối lộ.

Ngoài ra, kết quả điều tra cho thấy một người tên Hòa khai có thỏa thuận việc chung chi 150 triệu đồng với Bảo để bảo kê xây dựng nhà không phép. Tuy nhiên, Bảo không thừa nhận, Hòa cũng chưa đưa tiền cho Bảo nên chưa có căn cứ xử lý...

Bị cáo Bảo và Thịnh (phải) tại phiên tòa. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Bị cáo Bảo và Thịnh (phải) tại phiên tòa. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Thừa nhận hành vi

Tại tòa, Bảo khai ngày 17-1-2019, trên đường cùng bị cáo Thịnh đi tuần tra tại ấp 5A, xã Vĩnh Lộc A thì có đi qua ấp 5A, tổ 11 (Bảo được phân công phụ trách địa bàn).

Nhiệm vụ của Bảo là hỗ trợ kiểm tra địa bàn, tham mưu, giải quyết hồ sơ, báo cáo lập biên bản ghi nhận sự việc và biên bản vi phạm hành chính. Ngoài ra, Bảo có trách nhiệm cùng ông Nguyễn Hồng (phụ trách công chức, quản lý xã Vĩnh Lộc A) để tham mưu UBND xã xử lý những công trình sai phạm trên địa bàn.

Đến ấp 5, bị cáo phát hiện ra bốn công trình móng gạch có thợ đang xây dựng trên đất nông nghiệp và chưa xác định được chủ đầu tư. Ngoài ra, Bảo còn phát hiện có hai căn nhà đã xây dựng và hoàn thiện. Thấy vậy, bị cáo nhắc nhở thợ ngừng thi công, liên hệ với chủ đầu tư cung cấp hồ sơ pháp lý.

Bảo thừa nhận việc làm của mình là sai chức năng. Vì theo quy trình, khi phát hiện công trình không phép, bị cáo phải lập biên bản và giao hồ sơ cho bộ phận phụ trách, xử lý vi phạm. Vì cho rằng những công trình móng gạch xây dựng chỉ để giữ đất và không biết rõ đã đăng ký giấy tờ hay chưa nên Bảo không lập biên bản khi phát hiện sai phạm. Bị cáo nói muốn xác định chủ đầu tư, sau đó vận động người dân ngưng thi công và tháo dỡ nếu có sai phạm.

Chiều cùng ngày, ông Hòa, chủ đầu tư những công trình trên, gọi điện thoại cho Bảo, hai người gặp nhau ở văn phòng ấp 5A với mục đích ông Hòa xin bị cáo cho phép xây dựng để kinh doanh. Khi Bảo không đồng ý, ông Hòa nói sẽ bỏ ra 150 triệu đồng để Bảo lo lót việc xây dựng giúp. Bị cáo khai không thỏa thuận việc chung chi với ông Hòa.

Ngày 18-2-2019, bị cáo phối hợp với một số cán bộ ban ngành có liên quan đến tổ 11, ấp 5A ghi nhận việc sai phạm (nơi có bốn nền móng và hai căn nhà đã hoàn thiện). Lần này Bảo cũng khai mình đã thực hiện không đúng quy trình. Ngày 26-2-2019, bị cáo khai tiếp tục đến những công trình sai phạm này để phối hợp phát hiện và xử lý cùng đoàn thanh tra của Sở Xây dựng và PV báo Pháp Luật TP.HCM.

Bảo khai: “Lúc này, tổ 11 có 10 công trình và chín nền móng gạch sai phạm. Bị cáo gọi điện thoại cho ông Hòa thông báo chấp hành tháo dỡ, nếu không sẽ cưỡng chế. Ông Hòa đe dọa sẽ gọi giang hồ đến đánh bị cáo…”.

Bảo nhiều lần thừa nhận trước HĐXX về việc không thực hiện đúng quy định với chức năng, nhiệm vụ của mình. Nhưng bị cáo cho rằng lý do là vì sợ mất thành tích và bị kỷ luật chứ không vì nhận tiền hay ăn chia với các chủ công trình sai phạm.

Bị cáo Thịnh tham gia vụ án với vai trò đồng phạm. Với tư cách là trưởng ấp, đi kiểm tra cùng Bảo dù phát hiện sai phạm nhưng bị cáo Thịnh không báo cáo theo quy định…

VKS nhận định vì vụ lợi, vì động cơ cá nhân, các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, làm mất uy tín, mất lòng tin của người dân. Các bị cáo làm trái công vụ, không thực hiện đúng quy định khi kiểm tra địa bàn, không kịp thời lập hồ sơ xử lý đối với 10 căn nhà xây dựng không phép.

Đây là vụ án có đồng phạm, hai bị cáo không lên kế hoạch phạm tội từ trước nên chỉ là đồng phạm giản đơn, trong đó bị cáo Bảo và Thịnh đều trực tiếp cố ý thực hiện tội phạm. Hành vi của hai bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.

Đồng tình với đại diện VKS, HĐXX nhận định thêm hành vi phạm tội của bị cáo Bảo trội hơn bị cáo Thịnh nên Bảo phải chịu mức án cao hơn. Đây là vụ án dư luận rất quan tâm, hơn nữa sai phạm của bị cáo Thịnh cũng nghiêm trọng nên không thể áp dụng án treo với bị cáo này.

Tòa phát thanh trực tiếp phiên xử

Phiên xử này TAND huyện Bình Chánh đã áp dụng hình thức phát trực tiếp diễn biến phiên xử trên đài phát thanh huyện để phục vụ những người có nhu cầu theo dõi nhưng không thể đến tòa.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Quốc Đạt, Chánh án TAND huyện Bình Chánh, cho biết do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên tòa hạn chế người tham dự. Vì vậy, việc phát trực tiếp trên đài phát thanh sẽ là kênh thông tin giúp những người có nguyện vọng đến tham dự phiên tòa nhưng không đến được.

Ngoài ra, việc phát thanh diễn biến phiên tòa nhằm tuyên truyền sâu rộng đến 16 xã, thị trấn trên địa bàn để người dân hiểu rõ nội dung phiên tòa, những vi phạm pháp luật đất đai để tránh. Theo đó, nếu người dân có nhu cầu chuyển nhượng đất, nhà thì phải đến cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn làm thủ tục theo đúng quy định.

Chủ tịch và phó chủ tịch xã Vĩnh Lộc A nói gì?

Theo hồ sơ, một số cán bộ liên quan đến vụ án này bị xử lý kỷ luật, trong đó ông Phan Thanh Nhã và bà Phan Thị Bích Liễu (chủ tịch và phó chủ tịch xã Vĩnh Lộc A) bị kỷ luật khiển trách. Lý do là hai người không kịp thời chỉ đạo xử lý do không nhận được báo cáo của bị cáo Bảo về trường hợp xây dựng không phép tại ấp 5A.

Ông Nhã và bà Liễu được tòa xác định tham gia phiên xử với tư cách là người liên quan. Tại tòa, bà Liễu cho biết không nhận được báo cáo nào của bị cáo Bảo về những sai phạm xây dựng ở tổ 11, ấp 5. Theo bà Liễu, trước đây bà phụ trách mảng kinh tế, từ ngày 21-1-2019 mới phụ trách xây dựng...

Ông Nhã trình bày ông làm chủ tịch xã từ năm 2018 nhưng không biết việc nhiều công trình xây dựng trái phép trên địa bàn. Theo đó, những công trình sai phạm trên địa bàn bị phát hiện thời gian qua vẫn đang trong quá trình xử lý. Ông Nhã nói: “Bà con nếu có nhu cầu mua bán hay chuyển nhượng đất, hãy liên hệ với chính quyền để được hướng dẫn và tìm hiểu về nguồn gốc đất cho cụ thể để tránh bị rơi vào những trường hợp đáng tiếc như trên…”.

CÙ HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/lanh-an-vi-lam-lo-nha-xay-trai-phep-o-binh-chanh-899853.html