Lãnh đạo bằng thấu cảm

Tổ chức lãnh đạo quốc tế Development Dimensions International (DDI) nhận định rằng, thấu cảm là một trong những kỹ năng lãnh đạo quan trọng nhất hiện nay. Các nhà lãnh đạo ngày nay, bắt đầu quan tâm và đề cập nhiều hơn đến vai trò của sự thấu cảm trong phát triển nhân lực.

Chuỗi bài viết về chủ đề “Lãnh đạo tỉnh thức” do chuyên gia khai vấn Quách Hương kết hợp cùng Doanh Nhân Online, sẽ cung cấp các công cụ, phương pháp, và trải nghiệm của các cá nhân đã có cơ hội cùng làm việc trên hành trình chuyển hóa trở thành lãnh đạo tỉnh thức, với mục tiêu làm cho khái niệm trừu tượng trở nên gần gũi và thực tế hơn với mọi người.

—————————–

Thấu cảm là khả năng hiểu được cảm xúc, tâm trạng, câu chuyện của người khác bằng việc chủ động đặt mình vào vị thế của họ, và cảm nhận được những điều mà người kia đang phải trải qua. Có hai dạng thấu cảm:

Thấu cảm về nhận thức (cognitive empathy) – khả năng hiểu được quan điểm, góc nhìn của người khác
Thấu cảm về cảm xúc (emotional empathy) – khả năng cảm nhận được điều người khác đang cảm nhận

Tại sao lãnh đạo nên có sự thấu cảm?

Một thách thức đang trở nên lớn hơn bao giờ hết đối với hầu hết các doanh nghiệp đó là làm sao để thu hút và giữ chân nhân tài, làm sao để nhân viên gắn kết với tổ chức và nhiệt tình với công việc hơn. Một cách mà rất nhiều các tổ chức, tập đoàn quốc tế lớn đang làm đó là phát triển một đội ngũ quản lý, lãnh đạo thực sự thấu hiểu nhân viên, tạo dựng được lòng tin vững chắc đối với nhân viên, hay nói một cách khác là có khả năng thấu cảm.

Tạp chí kinh doanh Forbes, đã từng chỉ ra 5 lý do khiến thấu cảm được đánh giá là một trong những kỹ năng lãnh đạo quan trọng nhất:

Nhân sự trung thành hơn
Nhân sự cống hiến nhiều hơn
Nhân sự vui vẻ hơn
Nhân sự sáng tạo hơn
Nhân sự phối hợp với nhau hiệu quả hơn

Lãnh đạo bằng sự thấu cảm cũng là một phần cốt lõi trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp “people first” (con người là hàng đầu), nơi mọi mối quan hệ đều được trân trọng, nơi đội ngũ nhân sự gắn bó, thấu hiểu, yêu thương nhau. Khi đã đạt được điều này, tôi tin rằng mọi mục tiêu của doanh nghiệp đều có cách giải quyết. Thế nhưng, làm sao để thấu cảm, mà không bị cuốn theo cảm xúc tiêu cực của người khác? Lúc nào cũng thấu cảm, liệu có trở thành dễ dãi với nhân viên? Tôi cố hiểu vấn đề của nhân viên, vậy ai sẽ hiểu cho hàng ngàn vấn đề mà tôi đang phải đối mặt? Những băn khoăn và cả hoài nghi này cần phải được tháo gỡ, và chắc chắn là có cách vượt qua nhưng nó đòi hỏi sự kiên nhẫn.

Phát triển kỹ năng thấu cảm như thế nào?

Để phát triển năng lực thấu cảm, theo tôi, quan trọng nhất là vượt qua rào cản về nhận thức, sự thấu cảm cần bắt nguồn từ sự tử tế, bằng sự thực tâm mong muốn san sẻ, giúp đỡ; bằng sự ấm áp chân thành giữa con người với con người. Dưới đây là một số gợi ý giúp các lãnh đạo doanh nghiệp tham khảo:

Tự soi chiếu để gạt bỏ những định kiến

Tất cả chúng ta đều dễ bị ảnh hưởng bởi những định kiến có sẵn trong đầu mình. Vì vậy, đứng trước một tình huống hãy cho bản thân một khoảng dừng để tự soi chiếu, cố gắng đánh giá lại sự việc một cách khách quan hơn.

Tự đặt câu hỏi, liệu đâu là lý do khiến bạn không thể thông cảm cho vấn đề này. Liệu có thể vấn đề không nằm ở nhân sự, mà là ở chính bản thân mình không? Mình có đang bị ảnh hưởng bởi cảm xúc hoặc ấn tượng nào về nhân sự này từ quá khứ không?

Thực hành thiền định và chánh niệm thương xuyên là một phương pháp để tạo khoảng dừng. Thiền hay chánh niệm không phải là cách thức duy nhất để phát triển năng lực thấu cảm. Bạn hoàn toàn có thể bắt đầu bằng việc hàng ngày rèn luyện kỹ năng lắng nghe không phán xét – đặt câu hỏi – phản hồi tích cực (ba kỹ năng cốt lõi trong khai vấn).

Giữ bình tĩnh và lắng nghe nhiều hơn

Người thiếu bình tĩnh, nóng nảy khó có thể thấu cảm. Khi nhân sự đi làm muộn, trễ deadline, đánh mất khách hàng tiềm năng,… nếu ngay lập tức bạn cáu giận, trách mắng, thì lãnh đạo sẽ bỏ qua rất nhiều câu chuyện phía sau. Rất có thể, nhân sự của bạn không hề cố ý, rất có thể, họ đã cố gắng rất nhiều để thay đổi tình hình nhưng vẫn thất bại.

Sự cáu giận của người quản lý không giúp giải quyết vấn đề, mà ngày càng đẩy nhân viên ra xa. Trước những tình huống này, nếu biết cách đặt mình vào vị trí của nhân viên để hiểu được những khó khăn và cảm xúc của họ, sẽ không chỉ tạo động lực cho nhân viên mà còn tránh được những tình huống tương tự trong tương lai.

Tìm ra điểm tương đồng

Sự tương đồng có thể đến từ những điều rất nhỏ bé như có con cùng một độ tuổi, cùng sống ở một khu dân cư, cùng học chung một trường đại học; hoặc những điều lớn lao hơn như định hướng nghề nghiệp, mục tiêu phát triển, đam mê cá nhân…; hoặc cũng có thể đến từ những bài học kinh nghiệm bạn từng trải qua. Những điểm chung này thường tạo nên sự gần gũi, an toàn, nhờ đó sự thấu cảm sẽ diễn ra tự nhiên và dễ dàng hơn rất nhiều.

Thấu cảm đòi hỏi sự thiện chí trong mong muốn giúp đỡ, sự kiên nhẫn, kỹ năng lắng nghe chủ động. Thế nhưng, để vận dụng được tất cả những kỹ năng đó, trước tiên cần thấu hiểu chính mình, biết kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ để có được sự vững vàng nội tại.

—————————–

Chuỗi bài viết về chủ đề “Lãnh đạo tỉnh thức”

Xem lại bài 1: https://doanhnhanonline.com.vn/hay-la-mot-lanh-dao-tinh-thuc-de-vung-vang-trong-the-gioi-day-bien-dong/

Xem lại bài 2: https://doanhnhanonline.com.vn/truoc-khi-tao-dong-luc-cho-thuoc-cap-sep-hay-tu-thau-hieu-cam-xuc-ca-nhan/

Quách Hương

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/lanh-dao-bang-thau-cam/