Lãnh đạo dân cử châu Á khó hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc

Các nhà phân tích nói 3 nước đông tín đồ Hồi giáo ở châu Á đều có lãnh đạo dân cử hứa 'bật rễ' tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, nhưng sẽ không dễ thực hiện lời hứa vì Bắc Kinh đã chi hàng tỉ USD vào các dự án phát triển ở Malaysia, Pakistan và đảo quốc Maldives.

Thủ tướng Malaysia, Tổng thống Maldives và Thủ tướng Pakistan - Ảnh : AP

Theo AP ngày 26.9, vài tháng qua, những cuộc thắng cử bất ngờ của Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia, Thủ tướng Imran Khan của Pakistan và Tổng thống Mohamed Solih của Maldives đã phá đi một khuynh hướng tiến đến chủ nghĩa độc tài tại khu vực, và có thể là một chướng ngại vật cho chương trình Vành Đai và Con Đường (BRI) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với nhân công và nhân lực Trung Quốc đổ vào các công trình xây cảng, đường cao tốc cùng các cơ sở hạ tầng liên quan thương mại ở các nước châu Á, châu Phi và châu Âu.

Các nước như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản đều lo ngại BRI nhằm để Bắc Kinh xây dựng một trật tự thế giới mà Trung Quốc là trung tâm theo kiểu “mọi con đường đều dẫn về Bắc Kinh”, và khiến tầm ảnh hưởng của Mỹ, Nhật, Ấn bị bào mòn.

Ngưng dự án thì phải bồi thường xứng đáng cho Trung Quốc

Hồi cuối tháng 8, trong một phiên họp kín ở Bắc Kinh, ông Tập nói BRI chỉ liên quan chuyện làm ăn, không liên quan địa chính trị.

Ông Triệu Can Thành, một chuyên gia về Nam Á thuộc Học viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, nói: “Các dự án này không là sự giúp đỡ miễn phí từ Trung Quốc, mà là một cuộc hợp tác kinh tế, một thỏa thuận làm ăn”.

Ông nói các chính phủ mới ở Malaysia, Pakistan và Maldives có quyền quyết định không muốn Trung Quốc đầu tư vào các dự án ở nước họ nữa, nhưng họ cũng cần chuẩn bị bồi thường xứng đáng cho Trung Quốc.

Theo AP, còn phải chờ xem các chính phủ này có thể bứt khỏi Trung Quốc hay không:

Tại Malaysia, Tiến sĩ Mahathir dẫn dắt liên minh đối lập đến thắng lợi ở cuộc bầu cử Quốc hội ngày 9.5, tạo ra sự thay đổi quốc tế lần đầu tiên từ sau khi Malaysia độc lập khỏi Anh năm 1957.

Theo hãng tin Mỹ, đó là một cơn địa chấn chính trị, hất đổ chính phủ Thủ tướng Najib Razak, người bị mất uy tín vì vụ bê bối rút ruột Quỹ Phát triển Malaysia Berdah (Quỹ 1MDB) cùng một loại thuế doanh thu khiến tác động xấu đến nhiều cử tri nghèo vùng nông thôn ủng hộ đảng của ông Najib.

Tiến sĩ Mahathir, 93 tuổi, từng có công hiện đại hóa Malaysia trong 22 năm ông cầm quyền (kết thúc năm 2003). Ông phẫn nộ với vụ chính phủ Nanjib “rút ruột” Quỹ 1MDB, nên quyết kết thúc cuộc sống hưu trí và trở lại chính trường để loại bỏ ông Najib, người được ông đề cử làm lãnh đạo kế nhiệm.

Vị lãnh đạo già nhất thế giới cũng mở lại cuộc điều tra vụ bê bối Quỹ 1MDB. Ông Najib cũng bị cáo buộc 32 tội danh hình sự vi phạm tín nhiệm, tham nhũng, lạm quyền và “rửa tiền”, và sẽ bị xét xử từ đầu năm 2019.

Ông Najib đã phủ nhận mọi cáo buộc. Vợ ông Najib vừa bị Ủy ban tham nhũng Malaysia (MACC) thẩm vấn hôm 26.9.

Tiến sĩ Mahathir cũng quyết tạm ngưng 2 dự án xây tuyến ống dẫn dầu và dự án đường sắt do Trung Quốc chi tiền, trong nỗ lực giảm nợ vay ngày càng nặng dưới thời ông Najib. Các dự án này đều thuộc BRI do ông Najib ký với Trung Quốc, nhưng ông Mahathir nói quá tốn tiền và không có lợi cho Malaysia.

Tân Thủ tướng Pakistsan có dám chống Trung Quốc?

Tại Pakistan, khi còn là thủ lĩnh đối lập, cựu cầu thủ bóng gỗ Imran Khan từng thắc mắc: Làm đối tác với BRI của Trung Quốc có lợi gì cho nước ông.

Ông Khan hứa sẽ công khai các hợp đồng, nhưng chính phủ mới chưa thực hiện. Ông cũng hứa minh bạch hơn với dự án trị giá hàng tỉ USD Hành Lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) gồm một tuyến đường bộ nối cảng Gwadar của Pakistan với Trung Quốc.

Chính phủ tiền nhiệm Pakistan ký dự án này, không cung cấp nhiều chi tiết về hợp đồng ký với Trung Quốc và chưa thể rõ Pakistan vướng nợ tới mức nào.

Thủ tướng Khan hứa công bố tất cả với người dân Pakistan vốn vừa phấn khởi vừa cẩn trọng với những siêu cao tốc 4 làn xe nối miền bắc với các vùng khác của đất nước.

Ngoài việc ký thỏa thuận xây CPEC, chính phủ cũ cũng đàm phán các hợp đồng với các công ty điện lực Trung Quốc, để đáp ứng cơn khát điện của Pakistan. Nhưng đã có sự chỉ trích về nội dung đàm phán và món nợ mà Pakistan phải gánh.

Các quan điểm chống ảnh hưởng của Trung Quốc đã được ông Khan giảm nhẹ đi từ sau khi cuộc bầu cử tháng 6 đưa ông lên làm Thủ tướng Pakistan.

Trong bài diễn văn nhậm chức, ông Khan nói Pakistan phải học hỏi nhiều ở Trung Quốc, ca ngợi sự phát triển kinh tế và cuộc bài trừ tham nhũng của Trung Quốc. Chống tham nhũng cũng là trọng tâm trong chương trình hành động của đảng Công lý Pakistan (INSAF) của ông Khan.

Nhà nghiên cứu Triệu Can Thành ngờ vực chuyện ông Khan sẽ phản đối nguồn đầu tư của Trung Quốc vốn đã đổ rất nhiều tiền vào Pakistan. Ông Triệu nói: “Không lãnh đạo nào của Pakistsan dám liều gây hại đến quan hệ của nước này với Trung Quốc”.

Dân thiên đường du lịch Maldives è cổ gánh nợ Trung Quốc

Tại Maldives có 400.000 dân, ông Solih tuyên bố trúng cử Tổng thống hôm 23.9, và đây là một kết quả bất ngờ của việc chống chính phủ mãn nhiệm bị cáo buộc đàn áp và bỏ tù các đối thủ chính trị.

Sau đó, Tổng thống mãn nhiệm Abdul Yameen Gayoom chấp nhận thất bại. Năm 2017, ông đã đến Bắc Kinh để ký một thỏa thuận thương mại tự do, qua đó xóa hầu hết các mức thuế mà Trung Quốc từng áp lên hàng hóa xuất khẩu (nhất là cá) của Maldives, và đảo quốc này cũng mở cửa đón hàng hóa và dịch vụ (gồm tài chính, chăm sóc y tế và du lịch) của Trung Quốc.

Du khách Trung Quốc là nguồn thu ngoại tệ chính để Maldives chi mạnh cho nền kinh tế đảo quốc này, và Bắc Kinh cũng đầu tư hàng trăm triệu USD để mở rộng các sân bay, xây nhà ở và các dự án khác ở Maldives, nơi mà Bắc Kinh đã xem là mũi chủ đạo của BRI để Trung Quốc mở tuyến thương mại đến Ấn Độ Dương và Trung Á.

Trung tâm Phát triển toàn cầu (một tổ chức nghiên cứu ở Mỹ) ước tính Trung Quốc đã cho Maldives vay ít nhất 1,3 tỉ USD, tức 1/3 GDP của đảo quốc này. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều nhận định Maldives có nguy cơ vướng nợ rất cao.

Ashok Behuria, một chuyên gia về chính sách Nam Á ở Viện Phân tích - Nghiên cứu quốc phòng ở New Delhi (Ấn Độ) nói: “Dân Maldives chắc chắn è cổ gánh nợ Trung Quốc, Chúng tôi đã ghi nhận điều đó ở Sri Lanka. Ngay cả nếu như bạn có một sự thay đổi chính phủ, sự lệ thuộc Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục”.

Cựu Tổng thống Mohamed Nasheed và là thủ lĩnh đảng Dân chủ của ông Solih đã mô tả tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, cùng việc nước này “vơ vét” đất đai của Maldives dưới vỏ bọc đầu tư phát triển đảo quốc này.

Trung Quốc đã chúc mừng ông Solih trúng cử tổng thống, nói rất mong chính phủ mới sẽ duy trì chính sách trước đây đối với Trung Quốc, gồm duy trì thỏa thuận thương mại tự do.

Khi tranh cử, nghị sĩ Solih đã chỉ trích thỏa thuận này, phàn nàn Quốc hội Maldives chỉ có được 5 phút xem xét một tài liệu hàng trăm trang.

Hamid Abdul Gafoor, cựu phát ngôn viên của phe đối lập và nay sống ở Sri Lanka, nói với AP: “Solih từng rất phẫn nộ về tiền vay bị chiếm đoạt, tham nhũng. Đất nước chúng tôi đang bị eo hẹp tài chính vì nợ quá cao, và đó là một mối lo lớn”.

Vĩnh Thụy (theo AP)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/lanh-dao-dan-cu-chau-a-kho-han-che-tam-anh-huong-cua-trung-quoc-97484.html