Lãnh đạo Mỹ - Trung sắp gặp nhau giải quyết căng thẳng thương mại?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất có thể sẽ gặp nhau tại Nhật Bản vào cuối tháng này...

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề G20 tại Argentina hồi tháng 12 năm ngoái.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất có thể sẽ gặp nhau tại Nhật Bản vào cuối tháng này, giữa bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đối đầu khốc liệt với những tuyên bố, hành động “ăn miếng trả miếng” về thuế quan, chính trị, ngoại giao...

Cuộc gặp quyết định

Bắc Kinh chưa chính thức xác nhận bất cứ kế hoạch nào hay cung cấp chi tiết liên quan đến cuộc gặp cấp cao nhưng nhiều khả năng nó sẽ diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo các nước hàng đầu thế giới G20 tại Osaka, Nhật Bản vào ngày 28-29/6.

Mỹ cũng chưa đưa ra thông báo về hình thức tổ chức cuộc gặp dù trước đó Tổng thống Trump hé lộ ông “mong đợi” một sự kiện mặt đối mặt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Không phải ngẫu nhiên cả thế giới quan tâm tới cuộc gặp này bởi kết quả của nó sẽ quyết định những căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu có đủ hạ nhiệt để nối lại các cuộc đàm phán thương mại, hay Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế đối với số hàng hóa trị giá 300 tỉ USD của Trung Quốc như ông Trump từng đe dọa.

Ông John Quelch, Trưởng khoa Kinh doanh tại Đại học Miami cho rằng, cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập là cần thiết, kể cả sau đó, không nút thắt nào được tháo gỡ.

Lý do vì “các thị trường chứng khoán thế giới cần được đảm bảo chắc chắn rằng, mọi đường dây liên lạc giữa hai nền kinh tế mạnh nhất thế giới vẫn tiếp tục mở ở cấp cao nhất”, ông Quelch nhận định thêm.

Trao đổi với kênh thông tin về doanh nghiệp Mỹ CNBC, ông chủ Nhà Trắng tin, Bắc Kinh sẽ đạt thỏa thuận với Mỹ vì “họ buộc phải làm vậy”. Theo ông Trump, Trung Quốc chắc chắn đang bị tổn thương vì rất nhiều công ty chuyển sang các quốc gia khác nhằm tránh rào cản thuế từ Washington.

Trong cuộc họp báo đầu tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc từ chối xác nhận thông tin cuộc hội đàm cấp cao nhưng trên CNBC, lãnh đạo Mỹ thẳng thừng tuyên bố, nếu Bắc Kinh hủy hội đàm trực diện, ông sẽ đánh thuế nốt cả 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc còn chưa bị áp thuế.

“Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Chủ tịch Tập không tham gia. Tôi nghĩ ông Tập sẽ tới. Cả hai bên đều dự kiến gặp nhau. Nếu cuộc gặp diễn ra cũng tốt mà không thành hiện thực cũng chẳng sao. Hãy nhìn từ vị trí của chúng tôi, thỏa thuận tốt nhất chúng tôi có thể có là 25% thuế đối với số hàng hóa trị giá 600 tỉ USD”.

Tổng thống Mỹ trước đó cũng tuyên bố sẵn sàng áp thuế bổ sung nếu không đạt được thỏa thuận thương mại nào với Trung Quốc. Tuần vừa rồi, ông Trump hé lộ sẽ ra quyết định có áp thuế mới hay không sau cuộc họp G20.

Sự kiện sẽ diễn ra thế nào?

Theo một số nguồn tin, cuộc gặp lần này không chỉ dừng ở bắt tay và thăm hỏi xã giao mà có thể hai bên sẽ cùng dùng bữa tối và đàm phán trực tiếp. Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn nguồn tin được thông báo về lịch trình sự kiện hé lộ: “Sự kiện này sẽ gần giống như hội đàm thượng đỉnh tại Argentina hồi tháng 12 vừa qua”.

Bối cảnh lúc này cũng tương tự như bối cảnh hồi tháng 12 năm ngoái, lúc đó Mỹ cũng đe dọa tăng thuế 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/1/2019, cuối cùng hai lãnh đạo đã ngồi lại với nhau bên ly rượu vang và món bò bít-tết trong 2,5 giờ tại Argentina bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 và đồng ý ngừng áp thuế để đàm phán trong 90 ngày.

Song cuối cùng, các cuộc đối thoại cấp thấp sau đó lại rơi vào bế tắc. Các cuộc gặp song phương do Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer kết thúc vào hôm 10/5 vừa qua mà không đạt được thỏa thuận nào. Căng thẳng giữa Bắc Kinh - Washington tiếp tục nóng lên, từ đó hai bên không ngừng dùng những lời lẽ thù địch đả kích nhau.

Ông George Magnus, Hội viên tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford đánh giá, quan hệ Mỹ - Trung hiện thiếu cấu trúc ràng buộc về thể chế hiệu quả và đó là lý do vì sao nguyên thủ hai nước phải đích thân ra mặt để nối lại quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Dù sự căng thẳng đối đầu giữa hai nước lan sang nhiều mặt trận như địa chính trị và kỹ thuật, truyền thông Trung Quốc cũng có nhiều bài viết tấn công Mỹ kịch liệt nhưng hiếm có lời lẽ đả kích ông Trump hoặc các trợ tá của ông.

Thậm chí, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg hồi cuối tuần trước, ông Tập khẳng định, không muốn chứng kiến kinh tế Mỹ-Trung đấu đá lẫn nhau và lần đầu tiên trong lịch sử, ông gọi Tổng thống Trump là “ông bạn tôi”. Mặt khác, tuy lãnh đạo Mỹ không ngừng đe dọa áp thuế với các sản phẩm của Trung Quốc nhưng ông cũng thể hiện sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lanh-dao-my-trung-sap-gap-nhau-giai-quyet-cang-thang-thuong-mai-d423971.html