Lãnh đạo nghỉ hưu quản lý doanh nghiệp: Tốt nhưng lo...

Lãnh đạo, quan chức nghỉ hưu làm lãnh đạo doanh nghiệp có rất nhiều lợi thế nhưng cũng có nhiều điểm phải bàn...

Mới đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Việt Nam thương tín (Vietbank) đã có quyết định về việc thay đổi nhân sự giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Vietbank. Theo đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương là người giữ Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietbank. Nguyên Thứ trưởng đã nghỉ hưu theo quyết định từ tháng 3/2010.

Doanh nghiệp muốn tận dụng năng lực, trí thức, kinh nghiệm của cán bộ lãnh đạo nghỉ hưu nhưng cũng muốn tranh thủ uy tín, mối quan hệ để được việc cho mình. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp muốn tận dụng năng lực, trí thức, kinh nghiệm của cán bộ lãnh đạo nghỉ hưu nhưng cũng muốn tranh thủ uy tín, mối quan hệ để được việc cho mình. Ảnh minh họa

Bàn thêm việc này, PGS.TS. Mạc Văn Tiến, Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho biết, việc một số lãnh đạo sau khi nghỉ hưu đã về làm quản lý doanh nghiệp đang trở thành xu hướng. Đặc biệt với những quan chức lãnh đạo trong các bộ, ngành trung ương khi nghỉ hưu đều muốn được làm những việc mình muốn. Ở các nước cũng vậy, những cán bộ lãnh đạo sau khi nghỉ hưu có thể tham gia làm cố vấn, chuyên gia hoặc có thể tham gia quản lý trực tiếp tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chuyên môn mình quản lý nhưng không tranh thủ lợi dụng các lợi thế cũng như các mối quan hệ cũ trong công việc. Nước ngoài rất minh bạch như vậy.

Còn tại Việt Nam cũng đang có xu hướng như vậy. Theo ông Tiến, việc các lãnh đạo, quan chức sau khi nghỉ hưu làm lãnh đạo doanh nghiệp có rất nhiều lợi thế.

Lợi thế trước hết là về kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm quản lý thực tế, nếu doanh nghiệp khai thác được lợi thế này để đưa vào quản lý là rất tốt.

Ngoài ra, với các quan chức, lãnh đạo dù đã nghỉ hưu vẫn có mối quan hệ tốt với các cán bộ quản lý trong bộ máy quản lý hành chính nhà nước, nhất là tại đơn vị, lĩnh vực từng công tác sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết công việc thuận lợi, dễ dàng hơn.

Vì điều này, rất nhiều doanh nghiệp có mong muốn mời những cán bộ, quan chức, lãnh đạo có ảnh hưởng tốt về làm quản lý tại doanh nghiệp. Bên cạnh việc muốn khai thác tài năng, trí tuệ, kinh nghiệm của các cán bộ, lãnh đạo đã nghỉ hưu thì điều doanh nghiệp muốn hơn chính là tranh thủ uy tín, mối quan hệ cũ của chính các cán bộ, quan chức này làm bàn đạp trong xử lý, giải giải quyết công việc của doanh nghiệp theo chiều hướng có lợi.

Vì điều này, PGS.TS Mạc Văn Tiến cảnh báo, những ưu điểm trong chuyên môn, quản lý cũng có thể trở thành nhược điểm, tạo kẽ hở cho những kẻ cơ hội lợi dụng khi các chế tài, công cụ kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý nhà nước chưa thật sự hiệu quả.

"Với chuyên môn, kinh nghiệm của người quản lý lâu năm có thể giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả, tiết kiệm hơn nhưng cũng có thể bằng chính kiến thức, kinh nghiệm đó lại giúp doanh nghiệp lách qua pháp luật, lợi dụng các kẽ hở pháp lý để trục lợi.

Ví dụ như cán bộ thuế lại đi tư vấn thuế các chiêu trò lách thuế cho doanh nghiệp", vị chuyên gia nói.

Tiếp đến là việc lợi dụng các mối quan hệ cũ để tác động theo hướng có lợi hơn cho doanh nghiệp. Ví dụ như có thể tác động để cho doanh nghiệp trúng thầu dự án, hoặc được hưởng ưu đãi đặc biệt....

"Ở đây chưa bàn chuyện có tiêu cực, tham nhũng hay không nhưng rõ ràng khi mượn các mối quan hệ để tác động, can thiệp vào công việc làm ăn, kinh doanh của doanh nghiệp là đã mang lại những cơ hội có lợi cho doanh nghiệp. Khi sử dụng các cơ chế không theo nguyên tắc thị trường để tác động theo hướng có lợi cho doanh nghiệp này cũng đồng nghĩa với việc sẽ lấy đi cơ hội của doanh nghiệp khác, làm cho môi trường kinh doanh thiếu công bằng, sòng phẳng", ông Tiến chỉ rõ.

Chính từ những mặt được và những hạn chế nêu trên, vị chuyên gia cho biết Chính phủ đã có quy định với những cán bộ, lãnh đạo cấp cao sau khi nghỉ hưu trong thời gian từ 3-5 năm không được tham gia quản lý tại các doanh nghiệp, lĩnh vực mình từng đảm nhận. Đây là một trong những quy định nhằm giảm bớt những mối quan hệ "nhạy cảm", tạo môi trường cạnh tranh, phát triển công bằng giữa các doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong khi các cơ chế kiểm soát tham nhũng vẫn chưa thật sự hiệu quả, vẫn còn tình trạng tham nhũng vặt, tham nhũng lớn xảy ra thì khả năng lợi dụng các mối quan hệ để thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực càng có nguy cơ cao hơn.

Vì điều này, PGS.TS Mạc Văn Tiến cho rằng các cán bộ quản lý sau khi nghỉ hưu vẫn được làm những việc mà pháp luật không cấm, tuy nhiên, các thông tin, cơ chế phải rất minh bạch, rõ ràng nhằm hạn chế những tác động tiêu cực, tham nhũng có thể xảy ra.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lanh-dao-nghi-huu-quan-ly-doanh-nghiep-tot-nhung-lo-3428236/