Lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm kiểm soát nguồn thực phẩm của bếp ăn

Theo Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo nguồn thực phẩm cho bếp ăn.

Các cơ sở giáo dục tại TPHCM luôn nỗ lực đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú.

Tại họp báo về kinh tế xã hội, công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM chiều 24/11, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP, cho biết trong công tác chỉ đạo và giám sát đối với thực hiện bếp ăn tập thể, Sở đã phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố ký kết liên tịch và thống nhất về kế hoạch hành động, trong đó có hoạt động kiểm tra, giám sát.

Cùng với đó, Sở cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại trường học trên địa bàn. Sở GD&ĐT TPHCM đã chỉ đạo nhà trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh để thực hiện giám sát công tác chế biến cũng như giá thành của bữa ăn hàng ngày trong nhà trường.

"Người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc kiểm soát nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn, đảm bảo theo đúng quy định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng", ông Minh nhấn mạnh.

Tháng 10 vừa qua, Sở GD&ĐT TPHCM đã tổ chức các lớp tập huấn với 24.000 chuyên viên phụ trách công tác y tế trong ngành. Trong đó nội dung là việc đảm bảo an toàn thực phẩm, cấp chứng nhận để đảm bảo đủ điều kiện thực hiện công việc này.

TPHCM đã phối hợp với với Ban An toàn thực phẩm TP thực hiện đầy đủ tất cả các đoạn video để hướng dẫn cho cán bộ y tế cũng như lãnh đạo nhà trường thực hiện nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.

TPHCM có hơn 5.000 cơ sở giáo dục, đây cũng là một khó khăn rất lớn đối với ngành. Tuy nhiên Sở GD&ĐT TPHCM cũng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị phòng giáo dục quận, huyện cũng như các địa phương về phối hợp trong công tác kiểm tra giám sát và giảm thiểu tất cả những chuyện không hay xảy ra đối với học sinh.

“Trong thời gian sắp tới, với sự chỉ đạo của UBND TPHCM, ngành giáo dục thành lập các đoàn đi giám sát các cơ sở giáo dục, đặc biệt là một số đơn vị tiểu học và mầm non. Hoạt động giám sát nhằm nắm lại tình hình thực hiện việc đảm bảo an toàn thực phẩm theo đúng quy định. Từ đó xác định các đơn vị có đảm bảo được hay không, phối hợp với ban an toàn thực phẩm để thực hiện công tác rà soát, kiểm tra”, ông Minh chia sẻ.

Cũng tại buổi họp báo, thông tin về việc lùi giờ học, ông Hồ Tấn Minh cho biết, theo thống nhất đối với học sinh tiểu học là từ 7 giờ 30 phút, học sinh THCS là 7 giờ 15 và THPT là 7 giờ. Tuy nhiên đến thời điểm này có một số cơ sở việc lùi giờ học ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch của nhà trường. Sở GD&ĐT TPHCM đã yêu cầu các trường phải điều chỉnh kế hoạch, nhưng việc điều chỉnh kế hoạch ảnh hưởng rất lớn đến các kế hoạch đã được xây dựng trong một học kỳ, từ lên lịch, nội dung, chương trình giảng dạy mà thầy cô giáo sắp xếp bố trí.

“Chậm nhất là tới học kỳ 2 các trường phải thực hiện đầy đủ. Đến thời điểm này đa số các trường cũng đã thực hiện giờ học theo chỉ đạo. Các trường còn lại còn phải phụ thuộc vào cơ sở vật chất, nguồn nhân lực trong nhà trường nên chưa thể thực hiện được. Sở cũng yêu cầu các trường phải có kế hoạch mở cửa đón học sinh từ 6 giờ 30 sáng.”, ông Minh cho hay.

Hồ Phúc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lanh-dao-nha-truong-phai-chiu-trach-nhiem-kiem-soat-nguon-thuc-pham-cua-bep-an-post616514.html