Lãnh đạo 'siêu ủy ban' nói gì khi đường sắt xin trở lại Bộ GTVT?

Trước việc nhiều 'ông lớn' gặp khó khi về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện 'siêu ủy ban' cho rằng 'Phải bảo toàn vốn Nhà nước'.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 3/3, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) đã trả lời câu hỏi về thực trạng một số tập đoàn, tổng công ty sau khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong việc triển khai các dự án, dẫn đến một số đơn vị như

Bảo trì đường sắt gặp khó từ khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.

Theo bà Hà, thực hiện Nghị định 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 29/9/2018, 19 tập đoàn, tổng công ty được bàn giao nguyên trạng từ 5 bộ về UBQLVNN.

Trong quá trình triển khai thực hiện, UBQLVNN nhận được biên bản bàn giao từ các bộ về có 259 nhiệm vụ dở dang, trong đó còn rất nhiều nhiệm vụ theo nguyên tắc phải triển khai thực hiện từ các cơ quan chủ sở hữu đã thông qua, phê duyệt trước năm 2017, tức là trước khi được chuyển về Ủy ban.

Trong năm 2019, có rất nhiều nhiệm vụ là triển khai thực hiện trước năm 2017 nhưng chưa được các cơ quan đại diện chủ sở hữu triển khai, trong đó có một số dự án lớn. Trong quá trình triển khai thực hiện đến thời điểm triển khai có dự án triển khai cách đây 10 năm, 20 năm, đến nay có vấn đề nảy sinh.

"Theo nguyên tắc khi chuyển giao cần chuyển giao nguyên trạng. Qua quá trình triển khai thực hiện, thấy rằng trước kia trong trình tự, thủ tục phê duyệt các dự án của các doanh nghiệp, do vướng các dự án đầu tư công nên một số quy trình, trình tự, thủ tục chưa rõ", bà Hà nói.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.

Liên quan đến một số dự án sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, bà Hà cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, thẩm quyền phê duyệt dự án thì có dự án thẩm quyền thuộc Thủ tướng, có dự án thuộc thẩm quyền của địa phương, có dự án thẩm quyền liên quan đến cơ quan đại diện chủ sở hữu. Trong quá trình triển khai thực hiện có những dự án trong khối doanh nghiệp, đôi khi thực hiện theo một số quy định của luật chuyên ngành.

Khi về Ủy ban QLVNN, thì Ủy ban cũng chiếu theo những quy định, trình tự, nếu thấy không phù hợp, đánh giá xác định dự án không hiệu quả thì Ủy ban sẽ yêu cầu làm rõ những nội dung này. Khi nào đưa ra phương án phù hợp thì mới có căn cứ trình các cấp thẩm quyền cũng như thực hiện trình tự thủ tục theo đúng pháp luật.

Bà Hà phân tích, đang có 5 tập đoàn, tổng công ty sử dụng vốn ngân sách nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, quản lý liên quan đến việc chuyển tải điện cũng là kết cấu hạ tầng công, tài sản chung của quốc gia thì hiện nay vốn ngân sách nhà nước vẫn đang giao về Tập đoàn để triển khai các dự án đầu tư cũng như các dự án liên quan về công tác chuyển tải, nối điện về nông thôn. Đồng thời Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng vẫn bố trí vốn cho các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số dự án thuộc Tổng công ty Thuốc lá…

Nhưng có 2 đơn vị là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam, từ trước đến nay được giao vốn qua Bộ GTVT, với các dự án có liên quan đến công tác bảo trì, bảo dưỡng. Về vận tải đường sắt mặc dù Tổng công ty đã về Ủy ban từ tháng 10/2018, nhưng kế hoạch năm 2019 vẫn là do Bộ GTVT giao vốn bình thường.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị muốn doanh nghiệp trở về Bộ GTVT.

"Tuy nhiên, liên quan đến bảo trì kết cấu hạ tầng, yêu cầu đặt ra là theo cơ chế đặt hàng. Ở đây có 2 luồng ý kiến là vẫn triển khai như những năm trước và luồng thứ hai là theo cơ chế đặt hàng. Nhưng nếu thực hiện theo cơ chế đặt hàng thì dù ở Ủy ban Quản lý vốn hay Bộ GTVT, vẫn phải thực hiện theo cơ chế chung", bà Hà nói.

Theo bà Hà, thời gian qua đường sắt Việt Nam gặp nhiều vướng mắc dẫn đến tình trạng khó khăn trong quản lý, bảo trì kết cấu hệ thống đường sắt Quốc gia, ảnh hưởng tới đời sống cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt. Trước nhiều khó khăn của ngành đường sắt, một số chuyên gia và đại biểu Quốc hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ UBQLVNN về trực thuộc Bộ GTVT quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của Tổng công ty.

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng, đại diện nhiều doanh nghiệp thuộc Ủy ban nêu ra các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc thực hiện các dự án.

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, do cơ chế chính sách bất cập nên đơn vị chưa được giao ngân sách, khiến 1,1 vạn nhân viên tuần đường, gác chắn không có tiền lương.

“Toàn bộ hoạt động không có ai chỉ đạo nhưng chúng tôi vẫn phải làm. Nếu chạy tàu là trái luật, và nếu bất cứ nhân viên tuần đường, gác chắn nào bị tai nạn thì lãnh đạo đơn vị đường sắt có thể bị khởi tố, bởi có ai giao nhiệm vụ đâu mà làm. Nhưng chẳng lẽ lại dừng hoạt động chạy tàu? Để đỡ trách nhiệm cho cấp dưới, tôi đã ra văn bản chỉ đạo làm, nếu sai tôi chịu.

Tôi ra văn bản cũng sai, vì có ai giao cho tôi đâu, chạy tàu cũng sai, không chạy tàu cũng sai...Nếu đến tháng 3 tới mà không giải quyết được thì có thể phải dừng hoạt động chạy tàu trên toàn quốc”, ông Minh nói.

Ông Vũ Anh Minh kiến nghị và cho rằng, muốn doanh nghiệp trở về Bộ GTVT bởi không được giao vốn dự toán ngân sách năm 2020 cho việc bảo trì, đảm bảo an toàn chạy tàu do vướng điều 49 Luật ngân sách nhà nước. Vì không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT nên doanh nghiệp này không được Bộ này giao vốn.

Do đó, từ ngày 1/1/2020, 20 doanh nghiệp công ích thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không được ký kết hợp đồng, khiến cho trên 10.000 người không có tiền lương, nhiều hoạt động đảm bảo an toàn chạy tàu bị ảnh hưởng.

Sáng 3/3, Thủ tướng cũng đã có văn bản chỉ đạo, nêu các phương án gỡ vướng cho ngành đường sắt./.

Phi Long-Trần Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/lanh-dao-sieu-uy-ban-noi-gi-khi-duong-sat-xin-tro-lai-bo-gtvt-1017412.vov