Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga nhất trí kêu gọi ngừng bắn tại Libya

Hai nhà lãnh đạo ra tuyên bố chung kêu gọi hướng tới một lệnh ngừng bắn tại Libya, đồng thời ủng hộ những biện pháp cần thiết nhằm ổn định tình hình thực địa ở quốc gia Bắc Phi này.

Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) trong cuộc giao tranh với lực lượng Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) tại khu vực phía nam Tripoli, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) trong cuộc giao tranh với lực lượng Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) tại khu vực phía nam Tripoli, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin nhất trí lập trường kêu gọi ngừng bắn tại Libya.

Sau cuộc hội đàm tại thành phố Istanbul trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ, hai nhà lãnh đạo ra tuyên bố chung kêu gọi hướng tới một lệnh ngừng bắn tại Libya, đồng thời ủng hộ những biện pháp cần thiết nhằm ổn định tình hình thực địa ở quốc gia Bắc Phi này.

Hai nhà lãnh đạo đi đến nhất trí trên trong bối cảnh Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi.

Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA được quốc tế công nhận, hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.

Trong khi đó, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông.

GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.

Từ đầu tháng 4/2019, LNA đã phát động chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA.

Giao tranh ác liệt giữa các bên đã khiến hàng nghìn người thương vong, buộc hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 800.000 người phải trông chờ vào viện trợ nhân đạo.

Dư luận đang lo ngại về một cuộc nội chiến mới và thảm họa nhân đạo tại quốc gia Bắc Phi này.

Thổ Nhĩ Kỳ mới đây thông báo đã điều 35 binh sĩ nước này thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện và phối hợp hỗ trợ GNA. Ankara khẳng định binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tham gia trực tiếp bất cứ hành động chiến đấu nào ở Libya.

Cùng ngày 8/1, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã gặp Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) của Libya Fayez al-Sarraj trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng đang leo thang tại quốc gia Bắc Phi này.

Thủ tướng GNA Fayez al-Sarraj thực hiện chuyến thăm ngắn tới Brussels để gặp các quan chức EU và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, sau khi kế hoạch nhóm họp tại thủ đô Tripoli dự kiến trước đó được đánh giá là rất nguy hiểm.

Tại các cuộc gặp, các lãnh đạo EU hối thúc Thủ tướng Sarraj nỗ lực đạt được một lệnh ngừng bắn với phe đối địch ở miền Đông.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ông Sarraj đã gặp Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell.

Tại cuộc gặp, ông Borrel cảnh báo Libya đang đối mặt với "một ngã rẽ." Ông Sarraj cũng gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, trong đó ông Michel nhấn mạnh kêu gọi "không sử dụng giải pháp quân sự.”

Tại cuộc gặp ông Sarraj, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas kêu gọi các bên cần phải nỗ lực để ngăn cuộc xung đột tại Libya trở thành cuộc nội chiến giống Syria.

EU nỗ lực ngăn chặn cuộc xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát vì lo ngại các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể lợi dụng bất ổn để tiến hành tấn công khủng bố và tình trạng hỗn loạn có thể dẫn đến nhiều người di cư tìm cách vượt Địa Trung Hải vào châu Âu.

Liên quan tình hình Libya, cùng ngày 8/1, các nước Ai Cập, Pháp, Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus khẳng định các thỏa thuận giữa Libya và Thổ Nhĩ Kỳ trao quyền cho Ankara tại nhiều khu vực ở Đông Địa Trung Hải là “không có hiệu lực.”

Ngoại trưởng 4 nước đưa ra tuyên bố trên sau khi nhóm họp tại thủ đô Cairo, Ai Cập cùng ngày để thảo luận về tình hình Libya.

Ngoại trưởng Italy Luigi di Maio cũng tham dự cuộc họp, song không ký vào tuyên bố chung.

Tuyên bố đề cập một thỏa thuận hợp tác quân sự và một thỏa thuận phân định biên giới trên biển ở Đông Địa Trung Hải được ký kết tháng 11 vừa qua giữa Thổ Nhĩ Kỳ và GNA. Trong đó, thỏa thuận hàng hải mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ thăm dò và khai thác tại khu vực giàu khí đốt ở Đông Địa Trung Hải, nơi 3 nước Ai Cập, Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus cũng có những lợi ích đáng kể. Tuyên bố nhấn mạnh các thỏa thuận gây tranh cãi này "làm xói mòn ổn định khu vực."

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry khẳng định các cuộc xung đột hiện nay ở khu vực Trung Đông cần những giải pháp chính trị chứ không phải sử dụng vũ lực hay cực đoan.

Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò quan trọng ở Đông Địa Trung Hải nếu Ankara tôn trọng luật hàng hải quốc tế./.

Kim Chung-Việt Khoa-Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/lanh-dao-tho-nhi-ky-nga-nhat-tri-keu-goi-ngung-ban-tai-libya/617576.vnp