Lạnh gáy cuộc đấu tay đôi của hai du đãng cùng 'xanh cỏ'

Dân anh chị vẫn nhắc đến vụ thanh toán 'một mất một còn', giữa hai đại ca của hai băng nhóm trong ngõ chợ khâm Thiên những năm 1990. Hậu quả thảm khốc của nó khiến những du đãng máu lạnh nhất cũng không khỏi sởn da gà.

Gây án vì bị chèn ép

Những năm ấy ở khu vục ga Hà Nội, ai cũng biết chuyện của Kiên “hấp” (tức Nguyễn Văn Kiên, SN 1960, ngụ Kim Liên, Đống Đa). Vì hoàn cảnh đẩy đưa, Kiên đã bước sang làm ranh của cái ác, để rồi không còn đường quay lại. Kiên từng phục vụ trong quân ngũ, làm lính trinh sát, tham gia cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc.

Ga Hàng Cỏ những năm 1990.

Trong một trận đánh, Kiên bị thương nặng, mảnh đạn vẫn găm trong đầu. Khỏe mạnh, giỏi võ nhưng bình thường, Kiên rất hiền. Chỉ những lúc trái gió trở trời, vết thương hành hạ, Kiên mới dễ nổi nóng, thậm chí hành động thiếu kiểm soát.

Kiên có biệt hiệu “ hấp” là vì thế. Phục viên trở về, thân mang di chứng lại không nghề nghiệp, cuộc sống của Kiên rất khó khăn thương cảnh đồng đội, hội cựu binh sở tại đã gom nhau, mua cho Kiên chiếc xích lô, còn xếp cho chỗ làm ở ga Hà Nội.

Cần biết rằng những năm 1980, có chỗ đứng, dù chỉ chở khách ở đấy cũng không đơn giản. Bởi nơi nhà ga, bến xe, luôn xuất hiện “thế giới ngầm” với những luật lệ bất thành văn. Có điều thời điểm ấy, hội thương binh là một thế lực thực sự.

Từng hi sinh một phần xương máu vì đất nước, lại được huấn luyện chiến đấu bài bản, họ khiến đám chuyên nghề dao búa cũng phải ngán ngại đôi phần.

Có sự bảo trợ của hội thương binh, nhóm “hùm” ở ga lập tức cho Kiên đứng bến, làm tất cả, không phải nộp khoản phí nào. Có sức khỏe lại hiền lành, chăm chỉ, Kiên mau chóng “đắt hàng” hơn các đồng nghiệp khác.

Thói đời ghen ăn tức ở, Kiên kiếm tiền bằng chính sức mình, vẫn bị ganh ghét. Thù địch ra mặt là một đồng nghiệp đã có thâm niên vài năm. Cậy có nhiều người nhà làm bán nước, bốc vác quanh khu vực, đồng nghiệp nhiều lần chèn ép, gây sự với Kiên.

Không muốn rắc rối, Kiên thường nín nhịn cho xong. Nhưng đến một ngày tháng 8/1985, cục tức dồn nén đã bùng phát. Hôm đó, trời nắng như đổ lửa. Đau đầu, Kiên định về nghỉ thì một khách trong ga gọi chở hàng. Kiên đẩy xích lô ra, đồng nghiệp cũng đẩy xe chặn lại. Gã bảo: “Khách này của tao”.

Muốn cố nốt chuyến cuối, Kiên không chịu: “Đây là khách quen của tao. Mày đừng nhận bừa”. Nói xong, Kiên vẫn lách xe ra, vô tình quệt vào xe đồng nghiệp. Ngay lập tức, gã la làng ăn vạ, kêu gọi người nhà. Như đã có sự hẹn trước, 5, 6 người lao vào Kiên, có kẻ vác cả đòn gánh.

Trong lúc hỗn chiến, Kiên dính một đòn gánh phang trúng đầu. Đau đớn, cơn điên nổi lên, Kiên dùng võ thuật tước đòn gánh, đánh trả túi bụi. Chỉ đến khi có tiếng kêu la hoảng hốt, Kiên mới tỉnh trí, dừng tay. Mọi sự đã quá muộn.

Gã đồng nghiệp dính đòn chí mạng, chết tại chỗ. Gây án trong lúc kích động, bị hại cũng có lỗi, Kiên trả giá 10 năm tù. Năm 1991, trở về xã hội, Kiên đã thành người khác, được đàn anh chị giang tay chào đón.

“Cõng” tiền án giết người, giỏi võ, lì lợm, Kiên mau chóng có số má trong khu vực quận Đống Đa. Nhiều thói hư tật xấu, Kiên không quay đầu được nữa.

Du đãng từ trứng nước

Kém Kiên 10 tuổi, Dũng “cụt” (tức Dương Sĩ Dũng, ngụ ngõ chợ Khâm Thiên) lại thuộc dạng giang hồ từ trong trứng. Gã có mấy người anh trai, đều là du đãng, ra tù vào tội như cơm bữa. Được các anh “chống lưng”, Dũng ra đường chẳng sợ ai, động chút trái ý là đánh lộn.

Đây là “món” Dũng giỏi nhất. Cũng dễ hiểu vì trời phú cho Dũng thể hình to cao và rất khỏe. Học lớp cuối cấp 2, gã đã cao gần 1,8m, hơn bạn cùng trang lứa cả cái đầu. Đây cũng là nguồn gốc biệt hiệu nghe khá “ rùng mình” của gã.

Theo cách giải thích rất học trò, vì Dũng quá cao nên gọi là “ cụt” để cho... thấp bớt đi. Học hành lớt phớt, chỉ ham gây rối, lên cấp 3, cố lắm Dũng mới vào được một trường bổ túc.

Thời ấy, những trường bổ túc thường tiếp nhận những học sinh mà không trường cấp 3 chính thống nào dám nhận. Nghĩa là, học cùng Dũng cũng toàn học sinh cá biệt, đầu gấu không kém gã. Hoàn cảnh ấy, những xung đột tuổi mới lớn sớm muộn sẽ xảy ra.

Với Dũng, cái giá phải trả khá đắt. Từ va chạm nhỏ, một học sinh thách Dũng ra bãi giữa sông Hồng đánh tay đôi. Chẳng coi đối thủ ra gì, hết giờ học, Dũng một mình đến điểm hẹn. Đối thủ đang hoa tay múa chân giữa một nhóm học sinh khác.

Nghĩ đó là những người chứng kiến, Dũng vẫn tò tò xuất hiện, chui thẳng đầu vào bẫy. Không phải một chọi một mà cả nhóm lao vào Dũng. Bị đánh túi bụi nhưng Dũng không mấy sợ, chỉ càng thêm điên tiết vì kẻ lật lọng.

Vừa đánh vừa lui đến mép sông, Dũng vớ được chiếc cọc tre của dân trồng ngô bãi giữa. Có hung khí, gã như diều hâu giữa bầy gà con. Nhóm kia chạy tán loạn. Dũng dồn đuổi đối thủ gây chiến đến cùng, vung gậy cho tới lúc nạn nhân ngất lịm.

Giám định cho thấy, nạn nhân bị thương tích đến hơn 80%, di chứng chấn thương sọ não. Gây án ở tuổi vị thành niên, Dũng phải đi trường giáo dưỡng 2 năm. Sau đó, gã cứ trượt dài trong tội lỗi. Cho đến năm 1996, va chạm với Kiên “ hấp”, cái tên Dũng “ cụt” cũng đã khét tiếng trong giang hồ quận Đống Đa.

Theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, nguyên Cục trưởng Cục C45, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, tình hình các băng nhóm tội phạm hoạt động rất phức tạp, manh động.

Đặc biệt là những băng nhóm bảo kê các bến bãi, các cơ sở kinh doanh có điều kiện, bảo kê khai thác tài nguyên như gỗ, than, cát... Các đối tượng hoạt động đòi nợ thuê, "đâm thuê, chém mướn" để giải quyết các mâu thuẫn.

Có những băng nhóm tham gia với hàng chục đối tượng để giải quyết các mâu thuẫn xã hội, hoặc các mâu thuẫn trong tranh chấp làm ăn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Các băng nhóm này hình thành ở cả các thành phố, cả vùng nông thôn, làm ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cả nước.

Đa số các băng nhóm hoạt động theo kiểu cấu kết lại với nhau để phạm tội. Phần lớn các đối tượng cầm đầu có tiền án, tiền sự, đã lôi kéo một số đàn em của mình và một số thanh niên "vô công rồi nghề" ăn chơi đua đòi cùng tham gia vào các băng nhóm...

Để ngăn ngừa việc hình thành các băng nhóm tội phạm, lực lượng các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ an ninh trật tự, kiên quyết đấu tranh với tội phạm có tổ chức, theo băng nhóm, đặc biệt là hoạt động trong lĩnh vực đòi nợ thuê, bảo kê các bến bãi, các cơ sở hoạt động kinh doanh có điều kiện, các tụ điểm vui chơi giải trí.., phải tập trung lực lượng điều tra xử lý triệt để, dứt điểm, góp phần răn đe, giáo dục tội phạm.

Vấn đề quan trọng nhất là phải quản lý cho được các đối tượng hình sự, đối tượng cầm đầu các băng nhóm.

Cuộc đấu sinh tử

Thời điểm kể trên, khu vực đường đê đất La Thành đang là điểm nóng tệ nạn xã hội. Ngày ấy, nơi này tối lắm, lầy lội, chưa mở đường thông thoáng, đẹp đẽ như bây giờ. Hầu hết các ngõ trên phố Khâm Thiên đều thông lên đê đất, rối như ô bàn cờ, địa hình phức tạp nên hoạt động buôn bán ma túy, mại dâm tràn ngập.

Đặc biệt, vì bảo kê đàn “bướm đêm”, các băng nhóm va nhau chan chát, tranh giành lãnh địa. Đó là lý do khiến Kiên “hấp” và Dũng “cụt”, hai đàn anh của hai băng nhóm.

Buộc phải thanh toán nhau. Sau vài xích mích nhỏ, hai gã hẹn quyết chiến trong ngõ chợ Khâm Thiên (nay là phố chợ Khâm Thiên).

Một đêm tháng 10/1996, hai băng nhóm mang theo đủ thứ dao kiếm, đối đầu ở khu vực giữa ngõ. Lực lượng hai bên lên tới cả trăm người, hằm hè chuẩn bị lao vào nhau.

Bất ngờ, Kiên “hấp” lên tiếng: Dũng “cụt”, anh em hai bên đều đông, đánh nhau loạn xạ sẽ chết nhiều lắm. Tao với mày là đàn anh, nên tự giải quyết chuyện này”.

Đó là lời thách đấu tay đôi. Biết Kiên giỏi võ nhưng ỷ vào sức khỏe, Dũng đâu có sợ. Gã cười nhạt: “Được, chỉ tao với mày, mỗi thằng một lưỡi lê, chết thì chết”. Kiên đứng ra, nói to: “ Tao với thằng Dũng đánh sinh tử, ai thắng bên đó có địa bàn. Và dù kết quả thế nào, sau vụ này là xong, đàn em hai bên đều không được tìm cách trả thù”.

Bấy giờ, đám du đãng quây thành vòng, lập võ đài cho hai đàn anh. Kiên và Dũng, mỗi gã cầm một lưỡi lê sáng AK, lao vào nhau. Kiên vẫn rất nhanh. Dũng thể hình vượt trội nhưng khá chậm. Dính vài vết nhưng cậy sức, Dũng vẫn cố lao vào, ôm đối thủ, quật xuống đất.

Kẻ trên, người dưới cứ thế vung tay, say máu đến lúc đàn em hai bên thấy không ổn, vào gỡ hai đàn anh ra. Đã quá muộn, Kiên mất mạng tại chỗ, Dũng chết trong bệnh viện. Kết cục thảm khốc khiến du đãng Hà thành sởn da gà.

Phần nào đó, họ cho rằng hai gã đàn anh khá nghĩa khí, chấp nhận đánh tay đôi để đám đàn em bớt thương vong. Nhưng giang hồ hiểm ác, nghĩa khí cũng chẳng để làm gì. Những kẻ lên cầm đầu sau đó vẫn tiếp tục “loạn đả”, tranh giành quyền lực “đen”.

Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, trấn áp quyết liệt, mọi sự mới dừng lại. Những kẻ gây rối nhập kho “bóc lịch”, người chết chìm vào quên lãng.

Việt Văn

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/lanh-gay-cuoc-dau-tay-doi-cua-hai-du-dang-cung-xanh-co-d79387.html