Lào Cai: Đẩy mạnh phát triển thương mại trong thời kỳ hội nhập

Lào Cai hiện đang vươn mình lên như một điểm sáng trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế về thương mại trên hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng để góp phần tích cực phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

(ĐCSVN) -

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng, quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khu vực đang ngày càng phát triển, vị trí của Lào Cai trở nên quan trọng hơn khi Chính phủ hai nước Việt Nam – Trung Quốc thống nhất thực hiện chiến lược phát triển “Hai hành lang một vành đai” trong đó hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được ưu tiên tập trung phát triển. Kể từ khi tái lập tỉnh (tháng 10/1991), nhất là từ năm 2000 trở lại đây, hoạt động thương mại của Lào Cai đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, kinh tế cửa khẩu được khai thác ngày càng có hiệu quả, tạo nên sự sôi động, sầm uất của thành phố vùng biên cương.

K ý kết hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp Lào Cai
với doanh nghiệp Vân Nam (Trung Quốc) tại Hội chợ thương mại quốc tế 2011

Trước thời điểm năm 2000, với những ai từng đặt chân đến với Lào Cai đều nhận thấy hoạt động thương mại còn trầm lắng, thiếu vắng những hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn hiện đại; hạ tầng khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai lạc hậu; hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) qua cửa khẩu khiêm tốn cả về chủng loại, số lượng hàng hóa và giá trị kim ngạch... Tuy nhiên, khi trở lại Lào Cai vào thời điểm này, nhiều người ngạc nhiên vì sự phát triển nhanh chóng, thay đổi diện mạo của một thành phố trẻ vùng biên tự tin trên con đường hội nhập và phát triển.

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai là cửa khẩu duy nhất ở phía Bắc Việt Nam nằm trong lòng một thành phố trực thuộc tỉnh, nên có cả hệ thống dịch vụ của một thành phố phục vụ cho nhu cầu giao lưu kinh tế - thương mại, XNK, du lịch và dịch vụ giữa hai nước Việt - Trung; cùng với hệ thống giao thông thuận lợi gồm cả đường bộ, đường sắt, đường sông và tương lai là đường hàng không đã đưa Lào Cai trở thành “cửa ngõ” quan trọng với hành trình ngắn nhất nối Việt Nam, các nước trong khu vực qua cảng biển tới các tỉnh miền Tây Nam-Trung Quốc, đã tạo cơ hội và môi trường lành mạnh cho sự phát triển thương mại trên địa bàn.

Hoạt động thương mại ngày càng mở rộng và phát triển, hàng hóa phong phú, đa dạng, đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân, góp phần ổn định giá cả thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển. Nếu như tốc độ tăng bình quân về tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2001 - 2005 bình quân đạt 23,88 %/năm, gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng của giai đoạn 1996 - 2000; đến giai đoạn 2005-2010 đạt 28,4%/năm. Bên cạnh đó, hoạt động XNK đã có những bước bứt phá ngoạn mục; Năm 1992, kim ngạch XNK qua các cửa khẩu Lào Cai chỉ đứng ở con số khiêm tốn 6,5 triệu USD, đến năm 2000 đạt trên 132 triệu USD và năm 2010 đạt 857 triệu USD, gấp 131 lần so với năm 1992.

Hoạt động thương mại trên địa bàn đã và đang thích ứng với sự phát triển của kinh tế thị trường. Rõ nét nhất là hệ thống chợ trên địa bàn ngày càng phát triển; đặc biệt là ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, chợ vừa là nơi thể hiện những giá trị tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng cao vừa đảm nhiệm tốt vai trò lưu thông hàng hóa, kích thích sản xuất phát triển và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích đã làm tốt vai trò giao thương và định hướng tiêu dùng cho người dân.

Nhận thức rõ tầm quan trọng và lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, đồng hành cùng với sự phát triển thương mại của cả nước khi Việt Nam ra nhập Tổ chức thương mại thế giới; Lào Cai đã thành lập Ban Chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế, bồi dưỡng kiến thức hội nhập cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tích cực cải cách các thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng và tiện lợi; tích cực nâng cấp hạ tầng cơ sở để thu hút đầu tư; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại mà “điểm nhấn” là hàng năm tổ chức luân phiên Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung giữa hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) đã đem lại những kết quả tốt đẹp. Năm 2005, Hội chợ thương mại biên giới Việt – Trung được tổ chức tại thành phố Lào Cai thu hút 570 gian hàng của 354 tổ chức, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Trung Quốc tham gia, 10 hợp đồng được ký kết với tổng giá trị đạt 67 triệu USD thì đến năm 2009 cũng tại thành phố Lào Cai, hội chợ đã thu hút 648 gian hàng của doanh nghiệp hai nước với 14 hợp đồng kinh tế được ký kết, đạt tổng giá trị đạt 114 triệu USD, tăng 70% so năm 2005. Riêng năm 2011, hội chợ được tổ chức tại thành phố Lào Cai đã thu hút gần 700 gian hàng của doanh nghiệp hai nước, đã có 19 cặp hợp đồng kinh tế được ký kết với tổng giá trị đạt 201 triệu USD, tăng hơn 46% so năm 2010.

Để tích cực góp phần cho hoạt động thương mại Lào Cai ngày càng tự tin hội nhập sâu với các nước trong khu vực; ngành Hải quan Lào Cai đã thực hiện thủ tục khai báo hải quan điện tử cho các doanh nghiệp; Phòng XNK khu vực Lào Cai ra đời đã đáp ứng nhu cầu cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) tại chỗ cho hàng nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai; các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã chủ động hợp tác với các ngân hàng Hà Khẩu (Trung quốc) để tiện lợi hóa công tác thanh toán qua ngân hàng cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK qua cặp cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu. Tính đến cuối năm 2010, có trên 430 tổ chức, doanh nghiệp thường xuyên thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa XNK qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai; tổng doanh số thanh toán chung XNK hàng hóa qua ngân hàng ước đạt 5.302 tỷ đồng tăng hơn 300% so với năm 2009.

Nhìn lại chặng đường 20 năm (kể từ khi tái lập tỉnh năm 1991), thương mại Lào Cai đã nỗ lực vươn mình, tự tin vững bước đi lên và góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, với tiềm năng lợi thế của mình, thương mại Lào Cai vẫn chưa có sự phát triển tương xứng; nhất là trong giai đoạn hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp thương mại Lào Cai phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi vậy chưa đủ năng lực tài chính cũng như nguồn nhân lực; thiếu sức cạnh tranh trong “sân chơi” của nền kinh tế thị trường... Do đó, để thương mại Lào Cai ngày càng phát triển và tiếp tục hội nhập thành công, cần có quy hoạch phát triển thương mại lâu dài và được công khai rộng rãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại đại phương. Đặc biệt, cần hết sức quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Lào Cai cần phát huy những bài học thành công trên thương trường, tích cực cập nhật thông tin để hiểu và nắm vững các quy tắc, cam kết, thông lệ quốc tế về thương mại để có thể tự tin bước ra “sân chơi” lớn, gặt hái nhiều thành công trước vận hội mới.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=492255&co_id=30066