Lào Cai ngăn chặn vấn nạn tảo hôn

Tỷ lệ tảo hôn luôn có liên quan mật thiết với tỷ lệ phụ nữ sinh con dưới 18 tuổi. Trong năm 2022, toàn tỉnh Lào Cai có 602 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu.

Cán bộ xã tiếp cận với người dân để tuyên truyền về hệ lụy của nạn tảo hôn. Ảnh: TTXVN

Cán bộ xã tiếp cận với người dân để tuyên truyền về hệ lụy của nạn tảo hôn. Ảnh: TTXVN

Năm 2022, dù tỷ lệ tảo hôn và phụ nữ sinh con dưới 18 tuổi tại Lào Cai có giảm so với năm trước nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Theo Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, còn nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, xử lý và nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn về vấn nạn này, đặc biệt ở vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong năm 2022, các địa phương đã tuyên truyền, vận động, ngăn chặn 177 người dưới 18 tuổi từ bỏ ý định về chung sống với nhau như vợ chồng. Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh vẫn có 165 người chưa đủ tuổi kết hôn sống chung với nhau hoặc sống chung với người khác như vợ chồng (vi phạm tảo hôn); trong đó, có 31 học sinh, chiếm chủ yếu là dân tộc Mông với 140 người (chiếm 84%).

Theo Kế hoạch công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2022, Lào Cai phấn đấu giảm 30% số người dân tộc thiểu số tảo hôn so với năm 2021 (năm 2021 toàn tỉnh có 201 người tảo hôn). Như vậy, năm 2022, số người tảo hôn tại địa phương bằng 82% so với năm 2021, không đạt chỉ tiêu đề ra.

Tỷ lệ tảo hôn luôn có liên quan mật thiết với tỷ lệ phụ nữ sinh con dưới 18 tuổi. Trong năm 2022, toàn tỉnh có 602 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu. Huyện Bắc Hà chiếm nhiều nhất với 116 người, Mường Khương 84 người, Bát Xát 80 người... Trong đó, phụ nữ dân tộc Mông là chủ yếu.

Theo chỉ tiêu giao tại Kế hoạch trên, Lào Cai phải giảm 20% số phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu so với năm 2021 (năm 2021 tỉnh có 676 người thuộc diện này). Như vậy, năm 2022, số phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu bằng 89,1% so với năm 2021, cũng không đạt chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, việc ngăn chặn vấn nạn tảo hôn tại địa phương còn gặp khó khăn dẫn đến các chỉ tiêu trên không thể đạt theo Kế hoạch. Trong quá trình vận động, cơ quan chức năng cho biết, một số cặp đôi tuổi còn trẻ, suy nghĩ nông nổi, bồng bột lấy cái chết ra đe dọa, gây khó khăn cho công tác tuyên truyền. Ngoài ra, một số địa phương chưa kịp thời phát hiện sớm trường hợp có ý định tảo hôn; chưa kiên quyết trong xử lý hành chính về vi phạm, chưa thống kê chính xác số liệu, chưa có giải pháp can thiệp toàn diện, bền vững để phòng ngừa và xóa bỏ tảo hôn tại địa phương.

Trên thực tế, tình hình tảo hôn trong học sinh vùng cao Lào Cai thường tỷ lệ nghịch với số học sinh đi học trở lại thời điểm sau Tết Nguyên đán. Học sinh nghỉ học sau Tết để lấy chồng luôn là vấn đề khiến các trường học ở địa bàn vùng cao, vùng sâu lo lắng.

Để từng bước giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong học sinh, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai Nguyễn Thế Dũng, ngành Giáo dục đang tích cực phối hợp các ngành, các địa phương rà soát, kiểm tra, nắm bắt tình hình học sinh, đặc biệt trong thời điểm trước, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán để có biện pháp tuyên truyền thực hiện phòng, chống tảo hôn. Trước khi trở lại trường sau Tết 1 ngày, các trường cử giáo viên đến từng gia đình thông báo lịch học cho phụ huynh học sinh. Đến ngày đi học, nhà trường sẽ rà soát lại sỹ số các lớp. Đối với học sinh không ra lớp, giáo viên chủ nhiệm tiếp tục đến nhà vận động.

Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai Trần Phùng cho biết, năm 2023, cơ quan chức năng Lào Cai sẽ biên soạn "Sổ tay hướng dẫn hỏi - đáp" về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gắn với bình đẳng giới, bạo lực giới... với 3 thứ tiếng Mông, Dao, Kinh nhằm nâng cao nhận thức về các hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân.

Năm 2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường đưa quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, thực hiện đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh theo đúng quy định và bảo đảm thực hiện nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em… vào hương ước, quy ước thôn bản, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa./.

Hương Thu/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lao-cai-ngan-chan-van-nan-tao-hon/277702.html