Lào Cai: Nhiều uẩn khúc cần giải đáp trước cái chết của ông Hà Văn Nam

Ngày 16/10/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bát Xát ra Thông báo kết thúc giải quyết nguồn tin báo và ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 24 đối với vụ Hà Văn Nam (sinh năm 1968) xảy ra ngày 16/6/2019 tại thôn Bản Qua, xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai dẫn đến tử vong. Đồng thời kết thúc các hoạt động điều tra vụ án này.

Theo như kết luật của thông báo, sau khi ông Nam cãi nhau với ông Hoàng A Cường (SN 1963, trú thôn Bản Qua), do “bước lùi về phía sau, gót chân trái vấp vào viên gạch ba vanh ( gạch chèn cửa nhà) ở trên hè, chân phải bước lùi hụt từ hè xuống sân nền xi măng (hiên cao hơn sân 18cm) và ngã ngửa về phía sau, đầu đập xuống nền xi măng” nên “đến 00 giờ ngày 26/06/2019 ông Nam tử vong tại bệnh viện”.

Thông báo của cơ quan CSĐT công an huyện Bát Xát

Trước nội dung thông báo trên, anh Hà Văn Cảnh (SN 1994) con trai nạn nhân - cho rằng cha mình chết oan và cơ quan CSĐT đã bỏ qua rất nhiều tình tiết quan trọng của vụ việc dẫn đến kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Chở nạn nhân đi cấp cứu, đi qua của nhà nạn nhân mà không hề thông báo?

Theo anh Hà Văn Cảnh, khoảng tầm 11h 45p ngày 16/06/2019, sau bữa cơm trưa, ông Nam có lấy xe máy đi ra lán cách nhà khoảng 1km để nghỉ trưa. Khoảng 13h cùng ngày ông Hoàng Văn Bình (SN 1975, em rể ông Nam) trú tại thôn Bản Vai, xã Bản Qua, nhận được cuộc gọi của ông Nam với nội dung “Chú xuống chở anh đi viện đi, ông May (Cường) đánh anh chảy máu tai rồi”.

Nạn nhân nhập viện với nhiều vết thương trên người

Ông Bình tức tốc xuống lán, tại đây không thấy ông Nam mà chỉ thấy có vết máu ở sân, sau đó ông Bình đi xe về nhà thông báo việc Cường đánh ông Nam cho vợ con ông Nam biết. Anh Cảnh đã nhờ ông Bình đi ra viện trước xem bố mình có làm sao không. Do chiều hôm đó Cảnh phải có mặt ở Ban chỉ huy quân sự huyện Bát Xát theo giấy triệu tập.

Tại bệnh viện, vợ của Cảnh là chị Lù Thị Cúc đã gặp bà Hoàng Thị Lứn (vợ ông Cường). Tại đây, bà Lứn có vay Cúc 200 nghìn (đã trả lại cho Cúc), để “đóng tiền chụp phim cho bố chồng Cúc”. Cúc thấy bố chồng mình đang ở hành lang, lấy bông lau máu từ tai. Cúc hỏi bà Lứn sao lại như vậy, bà Lứn cho biết: “Ông Cường và ông Nam đánh nhau”.

Lúc này, bác sỹ thông báo “ông Nam bị chấn thương sọ não”, Bà Lứn liền vay tiếp Cúc 200 nghìn (chưa trả lại cho Cúc) để mua thuốc cho ông Nam. Trong khi đó, ông Nam bỏ ra ngoài.

Khi được đưa về nhà, ông Nam ngày càng yếu đi. Khoảng 15h chiều, ông Cường, bà Lứn và Tưởng qua nhà ông Nam. Ông Cường phân bua với bà Hoàng Thị Hùng (vợ ông Nam) là “tôi không có đánh chồng bà đâu”. Bà Lứn thì cho rằng do ông Nam bị ma nhập nên người mới bị đơ như thế, bà Lứn đã tự tay “đánh gió” cho ông Nam khiến ngực ông Nam xuất hiện rât nhiều vết thâm.

Đến 21h cùng ngày, tình trạng sức khỏe ông Nam xấu đi, được người nhà đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Bát Xát. Vào thời gian này, bà Lứn có tự thú với Oanh (con gái ông Nam) là có tận mắt nhìn thấy ông Cường chồng mình đẩy ngã ông Nam. (có video ghi lại lời bà Lứn về việc này). Do tình trạng nguy kịch, ông Nam được chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai. Ông Nam chết vào 00h ngày 26/06/2019.

Nhiều bất thường cần lời giải đáp từ phía cơ quan điều tra?

Sự việc diễn ra khiến nhiều người trong gia đình nạn nhân Hà Văn Nam thắc mắc, đoạn đường từ lán muốn tới được bệnh viện đa khoa huyện Bát Xát, bắt buộc phải đi qua cửa nhà nạn nhân liền kề ngay đường quốc lộ nhưng tất cả người nhà ông Cường không hề thông báo cho gia đình ông Nam về việc đưa ông Nam đi cấp cứu? Phải chăng người nhà ông Cường biết rõ mức độ ông Nam bị đánh là rất nguy hiểm nên đã tức tốc đưa đi mà bỏ qua việc kêu gọi giúp đỡ từ người khác? Xét về diễn biến tâm lý, hành động này có lẽ nhằm che dấu một hành vi tội phạm nào đó?

Nạn nhân nhập viện với nhiều vết thương trên người

Sau khi biết ông Nam có nguy cơ tử vong, nhằm bày tỏ thiện chí hợp tác, Hoàng A Trưởng (con trai ông Cường) và vợ tên là Đào đã có thỏa thuận là sẽ đưa cho Cảnh 200 triệu, đồng nghĩa với việc Cảnh phải rút đơn kiện và xin được giải quyết tình cảm. Sự việc này được gia đình Cường, thực hiện tới 3 lần, có sự chứng kiến của ông Hoàng Văn Chiến Trưởng thôn và ông Phang Văn Năm Bí thư chi bộ thôn Bản Qua. Tất cả những lần đề nghị bồi hoàn 200 triệu này của Gia đình ông Cường đều không được anh Cảnh chấp nhận với lý do “không đổi tính mạng của cha mình để lấy 200 triệu”.

Được biết, ngay sau khi được đưa vào viện Đa khoa huyện Bát Xát, phía bệnh viện tiến hành lập hồ sơ bệnh án có chụp phim X-quang. Chị Cúc là người chứng kiến và nhận hồ sơ kèm theo lời kết luận của bác sĩ “ông Nam bị chấn thương sọ não”,. Bà Lứn thanh toán tiền chụp X –quang bằng tiền vay Cúc 200 nghìn. Nhưng theo thông tin từ cơ quan điều tra nói với gia đình ông Nam là “máy chụp phim bị hỏng nên không nhìn rõ hình ảnh”? Việc này có nhiều điều mẫu thuẫn với những gì mà phía bệnh viện đã cung cấp cho người nhà bệnh nạn nhân trước đó?

Trường hợp trong lúc chụp phim, kỹ thuật viên X-Quang đã quan sát trên màn hình khi nào nhìn rõ mới ấn nút chụp. Sau khi chụp, điền tên bệnh nhân đảm bảo chất lượng hình ảnh mới cho in phim (Lệnh Print). Sau khi tráng rửa phim, chất lượng bản chụp tốt mới đóng vào bao phim và trả cho bệnh nhân (hoặc người nhà bệnh nhân) và thu tiền phí chụp phim. Chị Cúc là người nhận phim, bà Lứn là người đã nộp tiền, đương nhiên phim đã đảm bảo chất lượng. Vậy tại sao sau này mới có thông tin về việc bản chụp đầu tiện tại Bệnh viện huyện đã bị hỏng? Tình tiết này làm thay đổi căn bản tính chất của vụ án. Nó trả lời câu hỏi: Liệu ông Nam có bị xảy ra điều gì để có thêm thương tích trong khoảng 2 giờ rời khỏi viện?

Theo như biên bản khám nghiệm tử thi lập ra ngày 26/6/2019 “tay trái mặt ngoài 1/3 giữa cánh tay có đám xây xước da”, “vùng trán trái có vết xước da đã chuyển thành màu đen”, “vùng thái dương chỏm bên phải thấy tụ máu dưới màng cứng..”. Vậy nếu như theo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm của cơ quan CSĐT công an huyện Bát Xát là “chân phải bước lùi hụt từ hè xuống sân nền xi măng” thì chỉ có thể giải thích được vết thương chính ở chỏm đầu bên phải là nguyên nhân gây ra cái chết chính của nạn nhân, chứ không giải thích được hai vết xước trên? Và liệu rằng, đó có phải là do đã có một người khác dùng một vật hung khí giống gậy vụt thuận tay phải xuống và nạn nhân đã đưa tay ra đỡ, trán trái bị dính chấn thương và ngã xuống không?

Câu hỏi đặt ra rằng: Khi ngã ở tư thế thấp như vậy liệu có thể vỡ xương sọ (như kết quả khám nghiệm)? Bởi thông thường phản xạ tự nhiên khi ngã thường ngồi xuống để giảm độ cao theo phản xạ tự nhiên, đồng thời chống tay để giảm bớt sức va đập. Với những trường hợp vỡ xương sọ thường do ngã từ trên cao như mái nhà, giàn giáo xuống đất. Nhưng đây, ông Nam đã vỡ xương hộp sọ và chảy máu trong tai (thường là dịch não và máu não) ra ngoài thì phải có va chạm mạnh hoặc bị vật cứng đập vào đầu. Vậy một cú ngã bình thường đập đầu xuống nền bê tông có thể để lại hậu quả như vậy hay không?.

Ngoài ra, gia đình nạn nhân cho biết, có một tấm rèm dính nhiều máu nhưng không được cơ quan điều tra thu thập cũng như việc bà Hùng cung cấp thanh gỗ lạ có dính vết máu cho cơ quan Công an nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được kết quả xác minh.

Mặt khác, gia đình nạn nhân chưa từng nhận thông báo kết luận giám định nguyên nhân chết mà chỉ nhận được thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm và trích lục khai tử ( của UBND Xã Bản Qua). Việc này được cho là không đúng quy định của pháp luật.

Vậy nên, trước những nghi vấn cần được làm sáng tỏ, hi vọng phía cơ quan CSĐT Công an huyện Bát Xát, các cơ quan chức năng có liên quan, xem xét kỹ lưỡng lại các tình tiết có thể dẫn tới bỏ lọt tội phạm để người dân có niềm tin thật sự vào sự công bằng của luật pháp.

Duy Đại

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/lao-cai-nhieu-uan-khuc-can-giai-dap-truoc-cai-chet-cua-ong-ha-van-nam-d110258.html