Lào Cai, Sơn La và Bắc Cạn khắc phục hậu quả lốc xoáy, mưa đá

Ðêm 17-3, ở một số tỉnh phía bắc xảy ra mưa đá, kèm dông lốc gây thiệt hại nhiều tài sản và diện tích sản xuất của người dân. Tại khu vực nông trường Mộc Châu (Sơn La), mưa lớn kéo dài khoảng 20 phút lúc 22 giờ. Cùng thời điểm này, xuất hiện mưa đá kéo dài khoảng bảy phút với những viên đá có kích thước khoảng 2 cm làm thiệt hại tài sản và hoa màu của người dân.

Trên địa bàn TP Bắc Cạn, các huyện Chợ Ðồn và Pác Nặm (Bắc Cạn) xảy ra mưa đá, lốc xoáy với cường độ mạnh làm hai người ở huyện Pác Nặm bị thương do sét đánh, 43 căn nhà bị tốc mái, một số diện tích rau, màu, cây ăn quả bị thiệt hại. Do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao cho nên tại Lào Cai có mưa, mưa rào. Ðáng chú ý, tại huyện Sa Pa đã xảy ra mưa đá, đường kính trung bình bằng hạt ngô.

Tuy nhiên, mưa đá chỉ kéo dài khoảng một phút, không gây thiệt hại về tài sản và nông nghiệp. Tại huyện Si Ma Cai, lốc xoáy làm 178 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó các xã chịu ảnh hưởng nặng nhất là: Nàn Sán, Cán Hồ, Bản Mế, Sán Chải... Ước tính thiệt hại hơn hai tỷ đồng. Hiện nay, các tỉnh Lào Cai, Sơn La và Bắc Cạn đang chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ các gia đình bị tốc mái sớm ổn định cuộc sống. Còn tại Hà Nội, mưa rào kèm theo dông lốc cũng đã diễn ra đêm 17-3. Ðây là trận mưa lớn nhất kể từ đầu năm 2018 đến nay. Theo dự báo, những trận mưa rào kèm theo dông lốc mạnh sẽ còn diễn ra trong thời gian tới khi thời tiết đang chuyển mùa.

* Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, ở phía bắc, một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Dự báo từ chiều tối và đêm nay 19-3, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ. Do đó, từ chiều 19-3, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông; từ ngày 20-3 ở Trung Trung Bộ có mưa rào và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Từ chiều tối mai, gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4. Từ đêm 19-3, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16 đến 19oC, vùng núi 13 đến 15oC, vùng núi cao dưới 12oC.

* Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, mùa lũ năm 2018 trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng xuất hiện sớm, đỉnh lũ năm 2018 trên các sông ở mức tương đương và cao hơn trung bình nhiều năm. Trên lưu vực sông Mê Công, mùa lũ có khả năng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Ðỉnh lũ năm 2018, ở đầu nguồn sông Cửu Long khả năng ở mức báo động 2, báo động 3.

* Dự báo năm 2018, tại khu vực ven biển Nam Bộ triều cường cao sẽ xuất hiện vào những ngày đầu của tháng 10, tháng 11 và trung tuần tháng 12. Trong khi đó, tại ven biển Trung Bộ, một số khu vực như Phú Yên, TP Phan Thiết nguy cơ triều cường cao tập trung vào giữa tháng 11 và 12, nhất là khi có không khí lạnh lấn sâu xuống phía nam. Nguy cơ nước dâng do bão và sóng lớn vẫn sẽ tập trung ở ven biển Trung Bộ.

* Cảnh báo cháy rừng khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ

Tỉnh Gia Lai đang tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy rừng trong mùa khô. Theo đó, tỉnh quản lý, hướng dẫn người dân việc đốt thực bì trong sản xuất nương rẫy; tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí lực lượng ứng trực ở các trọng điểm dễ cháy để phát hiện và dập tắt kịp thời ngay khi nguồn lửa mới phát sinh.

* Ðể chủ động phòng, chống cháy rừng, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng bảo vệ rừng; theo dõi thông tin cảnh báo cháy để kiểm tra, phát hiện và kịp thời ứng phó, ngăn chặn ngay từ thời điểm xuất hiện các điểm cháy rừng. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy.

* Ðến nay, diện tích rừng ở An Giang đang ở nguy cơ cháy rừng cấp 4 (cấp nguy hiểm) và thời gian tới khả năng sẽ nâng lên cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Tỉnh triển khai 34 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại các xã, huyện có rừng; trang bị 133 máy chữa cháy cải tiến, 34 máy chữa cháy đeo vai; năm máy bơm chuyên dụng chữa cháy rừng và hơn 10.500 dụng cụ chứa nước được bố trí ở 132 trong số 195 điểm theo phương châm bốn tại chỗ.

* Tỉnh Tây Ninh hiện có hơn 71.600 ha rừng các loại. Hiện bắt đầu mùa khô, ít mưa, nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng được xác định đang ở cấp 4 (cấp nguy hiểm). Ðể chủ động phòng, chống cháy rừng, các ban quản lý rừng đã xây dựng hơn 100 km đường băng cản lửa; chủ động lắp đặt bổ sung các biển báo, bảng tuyên truyền, nội quy vào rừng, cấm lửa...

* Theo Cục Thú y, nguy cơ phát sinh các ổ dịch trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch cũ rất cao. Do đó, các địa phương trong khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để làm giảm nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.

Ðến nay, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đã cơ bản khống chế được hai ổ dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc tại hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng.

Ổ dịch lở mồm long móng tại huyện Mang Yang (Gia Lai) đang được các ngành chức năng xử lý. Bằng biện pháp tiêu độc khử trùng, rắc vôi chuồng trại tại các ổ dịch. Trước đó, ổ dịch lở mồm long móng xuất hiện tại thị trấn Kon Dơng và xã Ðăk Djrăng làm 164 con bò bị mắc bệnh.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/35829302-lao-cai-son-la-va-bac-can-khac-phuc-hau-qua-loc-xoay-mua-da.html