Lao Chải, gần và xa…

Chẳng mấy khi tôi 'thấu' mọi sự ở một bản giáp biên mờ ảo sau màn sương nhẹ trắng lạnh như thế. Cũng là nhờ được nghe 'hồi ức' của Trưởng bản Lù Xí Khuôn, rằng, mấy chục mùa nương rẫy trước, trời hơi lạnh một tí là người Mông ở Lao Chải chỉ làm một việc ngồi bên bếp lửa ngó mặt xuống núi. Nhưng giờ thì khác rồi! Vài 'mảnh ghép cuộc sống' mà tôi được đối diện ở bản vùng cao này đã đủ hình dung về một vùng biên tuy gần thật đấy, nhưng cũng còn rất xa… 

Những đứa trẻ ở Lao Chải từ trường ngược dốc về nhà. Ảnh: Bình Anh

Từ cửa khẩu Mường Khương lên đến đầu con dốc - lối độc đạo dẫn lên bản Lao Chải (thuộc thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai), xe ô tô của đoàn công tác phải dừng lại tìm chỗ "ẩn" vì đường quá gập ghềnh, lại trơn trượt. Gửi xe tại một nhà dân ven đường, vượt dốc chừng nửa giờ, đến một khe núi, nơi có cụm dân cư giáp biên thuộc bản Lao Chải, chúng tôi bắt gặp một nhóm thợ đang xúc đá nghiền vào từng chiếc vỏ bao xi măng để chở đến các công trình bể nước sạch được thi công trong bản.

Thấy tôi tỏ sự ngạc nhiên về chuyện sương mù "có mặt" ở đây khi mùa đông còn lâu mới đến, Nguyễn Văn Hưng - một chàng thợ nề trẻ quê bên Phố Lu (Yên Bái), đã có 3 năm lăn lộn làm ăn ở vùng biên ải này cười: "Vùng cao mà anh! Nhưng cữ này chưa ăn thua! Mùa đông, có hôm sương mù còn tràn kín vào cả nhà, mọi thứ ướt sượt. Mà đến lạ, sương nhiều thế nhưng nước ở Lao Chải thì hiếm lắm…".

Vừa lúc, Lù Thế Sẩu - một thanh niên sống ở bản Lao Chải trên đường đi nương ghé qua, xác nhận lời "kêu khổ" của người miền xuôi: "Mùa khô, dân Lao Chải phải đi xa lấy nước mạch bên triền núi về dùng. Năm nay, Nhà nước đầu tư kinh phí làm bể nước dự trữ. Vừa xong mấy cái to rồi, còn làm thêm mấy cái nhỏ nữa. Sống trên cao, người Lao Chải quý giọt nước lắm...".

Tạm biệt Lù Thế Sẩu và nhóm thợ, chúng tôi theo Thiếu tá Hà Việt Phương, cán bộ vận động quần chúng của Đồn BPCK Mường Khương lên nhà ông Sùng Kháy Diu, đúng lúc ông cùng con trai Sùng Xí Củi, nhà ở kế bên vừa đi ăn cưới ở dưới trị trấn về. Say líu ríu, chân nam đá chân chiêu, nhưng ông Diu vẫn nài nỉ mời khách "uống một tí cho biết anh biết em!".

"Đường dốc thế này, rượu say thì về thế nào được?" - Tôi tìm cách từ chối. "Về được. Cái chân nó không biết say đâu mà!". Nói thế, nhưng Sùng Kháy Diu vẫn "thông cảm" bỏ qua "thủ tục" tiếp khách của người Mông và sai Sùng Xí Củi lấy gói thuốc lào cất kỹ trên mái nhà xuống mời cán bộ hút cho ấm cái bụng.

Bên cái lò bếp đắp đất to tướng chưa nhóm lửa, phía trên là chảo mèn mén chuẩn bị cho bữa tối của cả nhà, câu chuyện của Sùng Kháy Diu, Sùng Xí Củi cùng hướng vào chủ đề mấy năm nay, người Mông ở Lao Chải được mùa. Chỉ tay lên giàn bếp treo lúc lỉu những ngô là ngô, Củi bảo, nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước về phân bón và hạt giống, lại được cán bộ Biên phòng hướng dẫn kỹ thuật, các gia đình ở bản Lao Chải có điều kiện gieo trồng lúa, ngô hết diện tích ruộng nương.

"Lấy vợ, ra ở riêng được 3 năm, đến giờ, không biết vợ chồng mình có chính xác bao nhiêu mét vuông đất nương, đất ruộng. Chỉ biết, so với các vụ trước đây, trong nhà có nhiều lúa, ngô hơn. Gà lợn, trâu ngựa nhờ thế cũng béo hơn…" - Củi chốt lại câu chuyện sau một hơi thuốc đầy sảng khoái.

Sang thăm ngôi nhà gỗ khá khang trang của vợ chồng Sùng Xí Củi, tôi gặp Thào Thị Say - vợ Củi, vừa địu con, vừa nhóm bếp bằng mảnh nhựa cắt ra từ chiếc can cũ ở góc nhà. Say nói chuyện với chúng tôi bằng thứ tiếng phổ thông lơ lớ, rời rạc, rất khó nghe. Để có thông tin về cuộc sống của gia đình nhỏ này, tôi phải nhờ Thào Xừ Phử, là em trai út của Say vừa sang nhà anh chị xay ngô nhờ bằng chiếc máy xát nhỏ đặt trong góc bếp.

Theo Phử thì cả cụm dân cư gồm 18 hộ này, số phụ nữ nói được tiếng phổ thông chỉ đếm trên đầu ngón tay. "Vì đàn bà chúng nó ít đi đám cưới, đám ma như mình nên ít biết tiếng Kinh lắm…" - Sùng Xí Củi giải thích. Nghe vậy, tôi cố tình "chất vấn" Thào Thị Say bằng câu hỏi bâng quơ: "Thấy trẻ con đi học nhiều lắm mà?".

Thấy vợ im lặng, lại có phần thẹn thùng, Củi cả cười, nói đỡ đại ý: Bây giờ mới thế, chứ cách đây mười lăm năm, dân bản Lao Chải luôn phải đối mặt với cái thiếu đói dai dẳng. Sau mỗi mùa nương, trong bản lại đông thêm trẻ con. Nhiều đến mức không ít cặp vợ chồng không thèm làm khai sinh cho con. Thậm chí trong những đợt kê khai tập trung, họ còn quên sót con cái. Thào Thị Say và em trai Thào Xừ Phử thất học cũng do cái sự quên hồn nhiên như cây cỏ của mẹ cha như vậy.

Nhưng giờ khác rồi, 100% trẻ em ở Lao Chải được đi học chữ ở điểm trường tiểu học cơ sở và mầm non xây dựng dưới con dốc vượt núi nối khu dân cư này với thế giới bên ngoài. Ngoài niềm vui có cái chữ, đời sống kinh tế của người dân Lao Chải khá hẳn lên nhờ con đường nhựa đẹp như một dải lụa nối thị trấn Mường Khương tới cửa khẩu thông thương sang Trung Quốc.

"Nhớ lại thời xưa hãi lắm! Giờ, chẳng ai ở Lao Chải còn kêu khổ cả. Trước sống vất vả lâu thành quen, nhưng từ lúc khá hơn lại muốn sướng thêm nữa..." - Sùng Xí Củi lúc lắc cái đầu với những lọn tóc cứng như rễ tre, nói. Rồi chợt liên tưởng đến một điều gì đó, Củi cười: "Nói thế nhưng ở Lao Chải, tình hình cũng phức tạp một tí đấy!..."

Cái "phức tạp" mà Sùng Xí Củi muốn nói đến là những chuyện vẫn xảy ra ở một vùng đất mà nghèo khó, lạc hậu chưa được "đuổi" một cách dứt điểm như Lao Chải. Còn nhớ, khi "hành quân" lên khe núi nằm lọt thỏm giữa điệp trùng biên ải, nơi bà con người Mông của bản Lao Chải sống quần tụ, anh bạn đồng nghiệp của tôi buông một câu có "ba chấm" phía sau: "Nói dại, chỉ cần một cơn lũ quét…".

Tuy lũ quét chưa hề đến đây, nhưng theo Thiếu tá Hà Việt Phương, mỗi khi mưa lớn, sạt lở đường thì coi như Lao Chải đã bị cô lập hoàn toàn. Nói như thế để thông cảm thật sự với những con người vốn có thói quen sống trên núi cao. Mà đâu có xa, đầu tháng Tám vừa rồi, chỉ vài cơn mưa lớn đã làm nước tại các khe suối dâng nhanh, đất đá sạt lở, vùi lấp nhiều nương lúa, vườn ngô bên con đường độc đạo từ chân núi lên Lao Chải, khiến cho giao thông ách tắc mấy ngày...

Thào Thị Say đang nhóm bếp chuẩn bị cho bữa tối của gia đình.
Ảnh: Bình Anh

Lửa trong bếp càng đượm, dường như Thào Thị Say càng đẹp hơn - cái đẹp đặc trưng của phụ nữ người Mông nổi tiếng cần cù, chịu thương, chịu khó và cả nhẫn nhục, mỗi ngày bắt đầu từ khi con chim rừng chưa hót sáng cho đến lúc nó đã tìm chốn ngủ từ lâu. Nhờ Sùng Xí Củi nhiệt tình làm "thông ngôn" mà tôi biết thêm, khi chưa say cái việc, chưa ham chuyện kiếm tiền làm kinh tế, thì đàn ông ở Lao Chải thường mặc vợ làm đủ mọi việc từ nặng đến nhẹ.

Mỗi ngày, họ thường tụ tập bên bếp lửa, cùng nhau uống rượu, ngó lên ngọn núi chập chờn khi gần khi xa trong mưa lạnh. Giờ thì ở Lao Chải không còn chuyện buồn ấy. Chưa tin lắm về cái sự tạm gọi là "giải phóng phụ nữ" này, tôi cố gắng tìm hiểu Sùng Xí Củi thì nhận được câu trả lời thật thà có phần "hối lỗi": "Trước đây, mình uống rượu nhiều, vợ mình nó tức lắm! Khóc suốt! Hai vợ chồng ngủ ấm thế mà bỏ đi uống rượu nhà bạn rồi ngủ lại, chả tức phát khóc à? Bây giờ, phải lo lắng làm ăn, rượu ít rồi. Chỉ vui say vào ngày lễ, ngày Tết thôi...". Có lẽ, hiểu ý chồng tâm sự với khách, bên bếp lửa, Thào Thị Say bất giác mỉm cười.

Nhờ nụ cười của Say, tôi đã hiểu lý do cái nghèo cùng cuộc sống lạc hậu dường như đã là "thuộc tính" của người Mông ở bản Lao Chải đang nhường chỗ cho một cuộc sống mới ở phía trước không xa. Nhưng cũng từ hình ảnh Say cặm cụi bên lửa bếp, trên lưng địu đứa con trai chưa đầy một tuổi ngặt nghẽo, tôi lại thấy những cái khó của người Lao Chải còn gần lắm.

Cũng phải thôi, vì theo cách tính của Sùng Xí Củi, đoạn đường từ thị trấn Mường Khương lên đến cụm dân cư giáp biên này chỉ dài 6 cây số, nhưng vào khi trời mưa, đi bằng cả xe máy lẫn phương tiện "hai cẳng" cũng phải mất non một giờ. Chả trách người ta gọi Lao Chải là vùng đất heo hút. Mà đúng như vậy thật!

Đêm về, từ trên núi nhìn xuống, ngoảnh sang trái, thấy thị trấn Mường Khương tấp nập, rực rỡ trong ánh đèn màu. Liếc sang phải, lại thấy khu cửa khẩu sáng rực suốt đêm. Còn trên bản Lao Chải chỉ có tiếng gió núi, tiếng rả rích của côn trùng là đầy ắp...

Bình Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lao-chai-gan-va-xa/