Lao động có việc làm tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững

Lao động có việc làm dù trong xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn.

Tình trạng thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp “giảm nhiệt”

Theo Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, lực lượng lao động, số người có việc làm quý III/2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lao động có việc làm quý III/2023 đạt 51,3 triệu người, tăng 87,4 nghìn người, tương ứng tăng 0,17% so với quý trước và tăng 523,6 nghìn người.

Điểm đáng lưu ý, quý III ghi nhận sự phục hồi nhẹ về lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng sau khi bị sụt giảm do ảnh hưởng của việc thiếu đơn hàng trong các ngành công nghiệp dệt, may, da giày, chế biến gỗ và điện tử. Tuy nhiên, lao động phi chính thức hiện chiếm tỉ trọng lớn, khoảng 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước.

Lao động có việc làm dù có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, trong quý III, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực vì đơn hàng trong quý này giảm so với quý II, tập trung tại hai ngành da giày, dệt may. Số người mất việc còn 118.000, giảm gần một nửa, chủ yếu ở T.P Hồ Chí Minh và Bình Dương. Lao động nghỉ giãn việc còn 54.000, giảm 187.000 người, phần lớn trong doanh nghiệp FDI. Trong đó da giày chiếm gần 32% và dệt may chiếm 31%.

Đánh giá chung từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tình trạng hàng trăm nghìn lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV/2022 đã giảm nhiệt. Ngoài ra, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong các tháng đầu năm 2023 vẫn cao hơn so với số lao động bị mất việc, thôi việc; cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, qua đó góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Nhu cầu tuyển dụng đang chuyển động

Tại Hà Nội, thị trường lao động đang tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào địa bàn góp phần giải quyết việc làm nhờ tình hình kinh tế - xã hội thành phố thời gian qua tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Vì vậy, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp mới thành lập phản ánh triển vọng tốt về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng tích cực.

"Số liệu thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại – dịch vụ, thường chiếm 90% tổng nhu cầu tuyển dụng, ngoài ra là khu vực công nghiệp – xây dựng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản"- ông Thành cho hay.

Còn tại Bắc Giang, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bắc Giang cho biết, thời điểm này, tại Bắc Giang các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đang tập trung tuyển dụng lao động. Hiện có khoảng hơn 20 doanh nghiệp đã đăng ký tuyển lao động, bên cạnh công ty về các sản phẩm bán dẫn là Hana Micron Vina cần tuyển trên 1.000 lao động, thì một số đối tác của Apple là Luxshare ICT, New Wing Interconnect Technology đang có nhu cầu tuyển hàng chục nghìn lao động.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang tích cực triển khai các giải pháp để hỗ trợ người lao động có việc làm như tổ chức phiên giao dịch việc làm, đào tạo. Nhờ đó, đến hết năm 2022 lao động qua đào tạo trên địa bàn đạt tỷ lệ 74%, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%; dự kiến hết năm 2023, 2 chỉ tiêu này đạt tỷ lệ lần lượt là 76% và 33%.

Tuy nhiên, bên cạnh chuyển biến tích cực về phục hồi kinh tế của một số địa phương thì vẫn có nhiều địa phương khác kinh tế phục hồi chậm, còn nhiều khó khăn gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường lao động. Như với Bình Dương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội địa phương này cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức do tiếp tục ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới... Vì vậy, dự báo sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tuyển dụng và người lao động trên địa bàn sẽ gặp khó khăn hơn trong tìm việc làm.

Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra đánh giá, lao động có việc làm dù có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Tính chung 9 tháng qua, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm gần 65%, và chỉ giảm 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Do đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động.

Đặc biệt, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị tập trung vào các chính sách đối với người lao động thôi việc, mất việc làm như trợ cấp thất nghiệp cho người lao động mất việc; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp… Đồng thời, Bộ này đề nghị các địa phương cần tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đặc biệt các phiên giao dịch việc làm chuyên đề theo từng loại lao động, cụm doanh nghiệp để nhanh chóng kết nối việc làm cho người lao động.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lao-dong-co-viec-lam-tang-nhung-thi-truong-lao-dong-phat-trien-chua-ben-vung-277659.html