Lao động di cư sẽ không bị phân biệt đối xử

'Việc 10 nước ASEAN ký kết bản Đồng thuận về di cư và thúc đẩy quyền của người lao động di cư có vai trò quan trọng, ý nghĩa to lớn đối với người lao động ASEAN nói chung và người lao động Việt Nam nói riêng, nhất là trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển lao động trong cộng đồng ASEAN đang gia tăng' – Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thông tin với báo giới về kết quả của Bản Đồng thuận vừa được ký kết.

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các Hội nghị Cấp cao liên quan được tổ chức tại Manila, Philippines, lãnh đạo các nước ASEAN ngày 14-11 đã ký kết văn kiện “Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư”. Đây là văn kiện duy nhất trong số 56 văn kiện được lãnh đạo các nước ASEAN tổ chức ký chính thức tại Hội nghị Cấp cao ASEAN, diễn ra từ ngày 13 đến ngày 14-11-2017 tại Manila, Philippines.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Đồng thuận mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng và thiết thực đối người lao động của các nước thành viên ASEAN nói chung và của người lao động Việt Nam nói riêng, hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của lao động di cư. Lao động di cư sẽ không bị phân biệt đối xử đối với lao động chính thức, phi chính thức”.

Cụ thể, Bản Đồng thuận đã đề cập tới các quyền lợi cơ bản của người lao động di cư như: Được cung cấp thông tin, được tập huấn, được định hướng trước khi đi lao động; được biết công khai minh bạch chính sách về lương, bảo hiểm, nhà ở của nước họ đến làm việc; được thụ hưởng các chính sách liên quan như bảo hiểm, lương…; được cung cấp, tư vấn luật pháp, chính sách để giải quyết nếu xảy ra tranh chấp khiếu nại, tố cáo…

Điều này giúp người lao động các nước ASEAN nói chung, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiểu rõ về các quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước, trong và sau khi đi làm việc ở nước ngoài.

Bản Đồng thuận đã đề cập tới các quyền lợi cơ bản của người lao động di cư, giúp họ hiểu rõ về các quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước, trong và sau khi đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nội dung Bản Đồng thuận cũng đề cập tới các trách nhiệm cụ thể của nước phái cử cũng như nước tiếp nhận lao động trong ASEAN, như: Đảm bảo người lao động được tham gia các khóa đào tạo định hướng trước khi đi và sau khi tới quốc gia tiếp nhận; đảm bảo đưa ra các chi phí chuẩn và minh bạch; tạo điều kiện cho người lao động di cư tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tư pháp, các cơ chế khiếu nại khi có tranh chấp xảy ra...

Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý của Việt Nam tham khảo trong quá trình rà soát, sửa đổi luật pháp, chính sách liên quan tới lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng như người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Các nội dung của Đồng thuận cũng là căn cứ quan trọng để Việt Nam và các nước đối tác, trước hết là những đối tác là quốc gia thành viên ASEAN, các tổ chức quốc tăng cường hợp tác trong việc bảo vệ tốt hơn nữa quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng như thúc đẩy hiệu quả việc quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/lao-dong-di-cu-se-khong-bi-phan-biet-doi-xu-107264.html