Lao động giá rẻ hết lợi thế thời cách mạng công nghiệp 4.0

Trong những năm gần đây, làn sóng đầu tư nước ngoài cũng như trong nước gia tăng cao, mở ra nhiều cơ hội cho các DN tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, nhưng cũng là thách thức lớn về chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

Phòng thực hành Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM. Ảnh: Hutech.

Lao động giá rẻ xuống giá

Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi), nhu cầu nhân lực tại TP.HCM giai đoạn 2018-2025 bình quân mỗi năm cần khoảng 300.000 việc làm (150.000 việc làm mới). Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo bình quân chiếm 85%, nhu cầu nhân lực bình quân có trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất 28%, sơ cấp nghề 21%, cao đẳng 16%, đại học 18%, trên đại học 2%. Trong tổng nhu cầu nhân lực, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu chiếm tỷ trọng 21%, 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng 55%, các ngành nghề khác chiếm tỷ trọng 24%.

Xu hướng phát triển của thành phố như hiện nay đã thúc đẩy thị trường lao động phát triển nhanh và đi vào chiều sâu hơn. Nhiều cơ hội việc làm mở ra, đồng thời yêu cầu đội ngũ nhân lực chất lượng cao, trang bị nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như: Khả năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin...

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP.HCM, cứ 100 DN đăng ký phỏng vấn với hơn 10.000 đầu việc thì có 75 - 80% tuyển dụng lao động có tay nghề cao như thương mại, kỹ thuật, kế toán, công nghệ thông tin, môi trường, thu ngân... Điều này cho thấy, tăng năng suất lao động đang là thách thức lớn với cả nền kinh tế. Đến nay, lao động giá rẻ không còn là lợi thế của nền kinh tế, bởi thế giới đang ở trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lao động giản đơn có thể bị thay thế bằng robot. Vì vậy, muốn cải thiện được năng suất lao động, quan trọng nhất là phải nâng cao được hàm lượng công nghệ và thông qua đào tạo để nâng cao chất lượng lao động. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động qua đào tạo nghề góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Falmi, trong bối cảnh làn sóng đầu tư trong nước và nước ngoài đang ngày càng tăng lên, nhất là đối với các ngành dịch vụ và ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như marketing, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, quản trị doanh nghiệp, công nghệ, thông tin, điện, điện tử, cơ khí và hóa chất... đòi hỏi lao động phải có trình độ và kỹ năng cao nhưng nguồn nhân lực để đáp ứng vẫn là bài toán cần phải giải quyết. Thế nhưng trên thực tế, mặc dù trong các năm qua, số lượng đào tạo ở trình độ đại học trở lên gia tăng đáng kể, nhưng chất lượng phần lớn chưa đạt các tiêu chí về nguồn nhân lực chất lượng cao, không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Hiện nhiều trường đào tạo nghề trên toàn quốc hàng năm cho "ra lò” hàng chục ngàn công nhân kỹ thuật có tay nghề bậc 3/7. Song tỷ lệ thợ lành nghề chỉ chiếm vài phần trăm, còn lại khi DN tuyển dụng đều phải đào tạo lại, nhanh vài ba tháng, lâu có tới hàng năm.

Nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu

Đặc biệt, nguồn nhân lực đáp ứng nhiều tiêu chí trong thời kỳ của nền công nghiệp 4.0. Theo đại diện Công ty TNHH Công nghệ phần mềm Go-Ixe, nguồn nhân lực mà công ty ưu tiên tuyển dụng là kỹ sư lập trình có trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) tốt để lập trình các ứng dụng mới, để cung cấp sản phẩm cho đối tác và thị trường. Tuy nhiên, thị trường lao động chưa đáp ứng được nhu cầu vì nhiều nhân sự có trình độ về lập trình lại không bảo đảm khả năng ngoại ngữ hay thiếu những chuyên gia lập trình có kinh nghiệm.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Dịch vụ tuyển dụng và Tư vấn nhân sự thuộc Tập đoàn Manpower cho biết, các DN sẵn sàng trả lương cao (từ 20 triệu đến hơn 50 triệu đồng/tháng) cho các vị trí then chốt của công ty như bộ phận công nghệ và quản lý điều hành. Tuy nhiên, qua thống kê, Manpower mới đáp ứng được 20% nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao mà các DN có nhu cầu tuyển dụng.

Theo đó, để giải bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo. Các cơ sở đào tạo không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất mới để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao.

Hiện nhiều trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn TP.HCM cũng đã có nhiều chương trình liên kết với các DN trong đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, do yêu cầu bí mật công nghệ và yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm nên phần lớn các DN chế biến, công nghệ thực phẩm chỉ cho phép sinh viên đến tham quan quy trình chứ thực tập rất hạn chế. DN chưa chia sẻ hết các tiêu chuẩn nghề nghiệp mà doanh nghiệp đang cần để đưa vào chương trình đào tạo tại các ngành nghề, còn phía các trường vẫn thụ động trong việc kết nối và duy trì mối quan hệ với DN. Nhiều trường còn thiếu thông tin về DN nên không biết họ cần gì trong chương trình hợp tác đào tạo… Do đó, hiệu quả đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao còn khá hạn chế.

Lao động giá rẻ không còn là lợi thế của nền kinh tế, bởi thế giới đang ở trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lao động giản đơn sẽ bị thay thế bằng robot. Vì vậy, muốn cải thiện được năng suất lao động, quan trọng nhất là phải nâng cao được hàm lượng công nghệ và thông qua đào tạo để nâng cao chất lượng lao động.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lao-dong-gia-re-het-loi-the-thoi-cach-mang-cong-nghiep-4-0.aspx