Lao động hợp đồng 1 tháng: Có nên đóng bảo hiểm thất nghiệp?

Trong dự thảo hồ sơ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên đều tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Hiện chỉ 50% lao động có hợp đồng được đóng Bảo hiểm xã hội.

Hiện chỉ 50% lao động có hợp đồng được đóng Bảo hiểm xã hội.

Bảo vệ lao động yếu thế

Lý giải cho đề xuất trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho rằng, nhóm lao động có hợp đồng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng thường có nguy cơ thất nghiệp cao, nếu tham gia bảo hiểm thất nghiệp họ sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp nếu mất việc làm; tăng cơ hội chuyển đổi việc làm. Hơn nữa việc mở rộng đối tượng sẽ góp phần giảm chi phí chi chế độ trợ cấp thất nghiệp, do tăng cường thực hiện chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm nên người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, hạn chế nhận trợ cấp thất nghiệp.

Thống kê trong giai đoạn 2015-2021, bình quân mỗi năm có 750.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp (chiếm khoảng 6,1% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp), bình quân mỗi năm chi trợ cấp thất nghiệp khoảng 9.600 tỷ đồng.

Khi sửa đổi Luật Việc làm, dự kiến số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp giảm còn khoảng 5% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm (tương ứng mỗi năm giảm khoảng 150.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp), nếu mức hưởng bình quân là 3,2 triệu đồng/người/tháng, số tháng hưởng bình quân khoảng 4 tháng, dự kiến giảm chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 1.920 tỷ đồng (tương ứng khoảng 10-11% tổng thu bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm).

Bên cạnh đó mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được đề xuất thay đổi. Thay vì lao động đóng 1% tiền lương tháng, chủ sử dụng đóng 1% tổng quỹ lương tháng và ngân sách nhà nước hỗ trợ 1% như hiện nay, Luật sửa đổi sẽ chỉ quy định mức tối đa là 1%. Chính phủ quyết định mức đóng cụ thể, có thể dưới 1%.

Thực tế, có thời điểm Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn và cơ quan quản lý muốn giảm mức đóng cho người lao động từ 1% xuống 0,5% tiền lương tháng, nhưng vì trái Luật Việc làm nên phải xin ý kiến Quốc hội.

Ngoài ra, Bộ Lao động đề xuất bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động, chủ doanh nghiệp (DN) trước các biến động lớn; quy định về sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp cấp bách.

Cần sớm được triển khai

Đây là chia sẻ của nhiều chuyên gia liên quan đến đề xuất bổ sung lao động hợp đồng 1 tháng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Mặc dù theo tính toán của Bộ LĐTB&XH, chính sách có thể làm phát sinh tăng chi phí cho cả DN và người lao động thông qua chi cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Hiện nay chưa có giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, theo dự kiến, với đơn giá khoảng 70.000 đồng/người, nếu hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 2 triệu người/năm, chi phí phát sinh khoảng 140 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài ra, có thể phát sinh tăng chi phí cho hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Giả định mức hỗ trợ học phí là 1,5 triệu đồng/người/tháng, tối đa 6 tháng, mức hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí 1 triệu đồng/người/tháng, tiền ở 500.000 đồng/người/tháng, tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học. Nếu hỗ trợ 100.000 lao động/năm (gấp 3,3 lần bình quân giai đoạn 2015-2021), chi phí phát sinh mỗi năm là 1.830 tỷ đồng… Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐTB&XH), đây là chính sách nhân văn và nên làm ngay.

Theo bà Hương, việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp có ý nghĩa là phòng ngừa khi người lao động mất việc, do đó yếu tố này không nên phụ thuộc vào tình trạng của hợp đồng lao động, mà cần đồng bộ với quy định của bảo hiểm xã hội.

“Hiện nay mới chỉ có khoảng 50% lực lượng lao động có hợp đồng lao động, nên nếu những trường hợp không được kí hợp đồng lao động đồng nghĩa với việc họ sẽ không được hưởng các quyền lợi an sinh, như trợ cấp khi mất việc, ốm đau, thai sản…” - bà Hương dẫn chứng.

Cũng theo bà Hương, về lâu dài cần tính toán chỉ cần xuất hiện quan hệ lao động thì đều phải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Nghĩa là dựa trên quan hệ thu nhập chứ không chỉ dựa trên quan hệ lao động, bởi lẽ nếu dùng hợp đồng lao động, rất có thể DN sẽ tìm cách “né” đóng bảo hiểm bằng cách không kí kết hợp đồng lao động.

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng luật quy định, Bảo hiểm xã hội là bảo hiểm bắt buộc. Trước đây luật quy định chỉ lao động ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên mới phải đóng BHXH. Tuy nhiên, Luật Lao động năm 2014 đã điều chỉnh theo hướng đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho tất cả lao động có ký hợp đồng từ 1 tháng trở lên.

Như vậy, việc đề xuất sửa đổi nội dung, áp dụng đóng bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc cho lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên là hợp lý, điều này cũng nhằm mục đích đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tháng 10/2024; thông qua tại kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025 và có hiệu lực ngày 1/1/2026.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực hiện từ năm 2009, gồm các chế độ: Trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Đây được coi là công cụ chống sốc cho kinh tế do tình trạng thất nghiệp gây ra. Nguồn quỹ đến từ các khoản đóng góp của giới chủ và người lao động, Nhà nước hỗ trợ, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và nguồn thu hợp pháp khác. Hiện, nhóm tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng, chi trả theo nguyên tắc "có đóng - có hưởng".

Lê Minh Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lao-dong-hop-dong-1-thang-co-nen-dong-bao-hiem-that-nghiep-5710600.html