Lao động nữ gặp nhiều rủi ro

Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc làm đối với lao động nữ trở nên khó khăn hơn, bởi định kiến phụ nữ 'chân yếu tay mềm', chỉ làm những việc giản đơn, thiên về lao động chân tay... đã ăn sâu vào tư duy không ít người sử dụng lao động.

Đối tượng yếu thế, thiệt thòi

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, hiện nay số lượng nữ giới trong độ tuổi lao động có 22,3 triệu người, chiếm 45,6% lực lượng lao động, làm việc ở nhiều lĩnh vực nhưng thiên về lao động giản đơn, không sử dụng nhiều công nghệ, máy móc hay kỹ thuật cao. Các chuyên gia lao động, chuyên gia về giới nhận định: Lao động nữ được xem là đối tượng yếu thế, dễ tổn thương do không nhận được sự đối xử công bằng, nhất là trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp.

Phần lớn lao động nữ chỉ làm việc đơn giản tại các doanh nghiệp

Phần lớn lao động nữ chỉ làm việc đơn giản tại các doanh nghiệp

Bà Vũ Thị Thu Hằng, một chuyên gia nghiên cứu độc lập về giới, cho hay: Một số cuộc khảo sát đã chứng minh, lao động nữ tham gia tích cực vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Song, vị trí việc làm của phụ nữ dễ bị thay thế bởi thường là lao động đơn giản. Họ ít được tuyển dụng vào những ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao…

Chính vì vậy, trước xu thế CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ, việc làm và cơ hội thăng tiến đối với lao động nữ là một thách thức lớn. Bà Hằng đơn cử, trong ngành da giày hay dệt may hiện nay, lao động nữ chủ yếu làm những công việc chân tay, không đòi hỏi cao về kỹ thuật. Trong khi đó, để đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, các doanh nghiệp đang đầu tư ngày càng nhiều dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa, đưa robot vào quy trình sản xuất. Do đó, lao động nữ là nhóm dễ bị mất việc làm nhất.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra một kết quả nghiên cứu về thị trường lao động Việt Nam trong 10 năm tới để từ đó thấy rằng, những công việc có thể bị thay thế bằng hệ thống máy móc tự động hóa là những việc có nhiều rủi ro. Những việc có nhiều rủi ro đó lại chính là những việc mà lao động nữ Việt Nam đang tham gia nhiều trong các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, bán lẻ... Theo ILO, ở Việt Nam, số việc làm mà phụ nữ hiện đang đảm nhiệm có khả năng sẽ bị chuyển sang tự động hóa cao gần 2,4 lần so với nam giới, đồng nghĩa với việc một lực lượng không nhỏ lao động trẻ là nữ đứng trước nguy cơ mất việc làm trong tương lai không xa.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, là một người rất lạc quan trước những thay đổi tích cực về lao động, việc làm đối với nữ giới ở nhiều lĩnh vực, nhưng cũng phải thừa nhận: Nữ giới thiệt thòi hơn nam giới bởi định kiến của người tuyển dụng và những “khoảng tối” vẫn tồn tại trong cơ chế tuyển dụng.

Cũng chính từ đó, thu nhập của lao động nữ hiện nay nhìn chung thấp hơn nam giới và cơ hội thăng tiến cũng ít hơn. Một nghiên cứu của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, thu nhập giữa lao động nữ và lao động nam còn chênh lệch nhiều, ví dụ: Giai đoạn 2009-2016, tiền lương bình quân của nữ luôn thấp hơn của nam, mức chênh lệch khoảng 30 USD trên tổng mức lương chưa tới 200 USD/người/tháng.

Khó bình đẳng giới nếu…

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã ban hành các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện và nâng cao điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần, bình đẳng giới, vị thế của lao động nữ tại nơi làm việc với mục đích bảo đảm sự phát triển toàn diện, bền vững, phát huy đầy đủ giá trị cốt lõi, tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam. Mặc dù vậy, trong bối cảnh tác động đa chiều của cuộc CMCN 4.0, có không ít khó khăn cho lao động nữ. Chính vì vậy, Công đoàn Việt Nam và tất cả các bên liên quan cần suy nghĩ, tìm tòi, đề xuất các giải pháp để trao và nâng cao quyền năng cho phụ nữ và lao động nữ.

Để giải quyết vấn đề này, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, với kinh nghiệm của một người đang điều hành một nhà máy với khoảng 140.000 công nhân Việt Nam, trong đó chiếm 70% là lao động nữ, đề xuất: Trước những tác động sâu sắc và thách thức lớn của cuộc CMCN 4.0 mà lao động nữ Việt Nam phải đối mặt, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cùng doanh nghiệp và người lao động cần nhìn nhận thấu đáo, chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ để không mất đi những thời cơ tốt cho lao động nữ.

Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Hiểu cho rằng, mặc dù trong Bộ luật Lao động sửa đổi, người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng, đã được tôn trọng, được giải phóng khả năng, trí tuệ, được tiếp cận cuộc CMCN 4.0, nhưng vẫn cần quan tâm sửa đổi hệ thống pháp luật về giáo dục, đào tạo nghề. Bởi lẽ, khó thực hiện bình đẳng giới nếu phụ nữ không được tiếp cận với giáo dục, được đào tạo nghề đầy đủ. Trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật cần có hướng tiếp cận với quyền phụ nữ. Phải có hệ thống chính sách để hạn chế những tiêu cực của cuộc CMCN 4.0 đối với lao động nữ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc chiến lược Công ty TNHH Công nghệ Nexus Frontier, cũng cho rằng, trong cuộc CMCN 4.0, lao động nữ có phần thua thiệt, vì ở những giai đoạn trước, phụ nữ tiếp cận giáo dục, khoa công nghệ ít hơn nam giới, đây là vấn đề của lịch sử. Lao động nữ có lợi thế là tỉ mỉ, cần cù, giao tiếp tốt, làm chủ tình hình với sự mềm dẻo..., do đó, cần tạo điều kiện cho lao động nữ có những vị trí phù hợp trong các công ty, dù đó là công ty công nghệ, đòi hỏi kỹ thuật cao, để họ phát huy thế mạnh và nâng cao hiệu quả công việc chung.

Theo ILO, ở Việt Nam, số việc làm mà phụ nữ hiện đang đảm nhiệm có khả năng sẽ bị chuyển sang tự động hóa cao gần 2,4 lần so với nam giới, đồng nghĩa với việc một lực lượng không nhỏ lao động trẻ là nữ đứng trước nguy cơ mất việc làm trong tương lai không xa.

Nguyễn Bách

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/lao-dong-nu-gap-nhieu-rui-ro-554719.html