Lao động nữ Việt Nam tại Nhật Bản: 'Đồng tiền kiếm được đôi khi phải đánh đổi bằng nước mắt'

Thế chấp ngôi nhà nhỏ và vay người thân gần 100 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Tuyết (quê Ý Yên, Nam Định) quyết định để lại đứa con 9 tháng tuổi ở nhà để sang Nhật Bản làm việc. Song, sau nhiều giờ háo hức trên máy bay tới miền đất hứa, chị Tuyết vô cùng hụt hẫng khi lê những bước chân mệt mỏi về phòng trọ...

Việc Chính phủ Nhật Bản mới đây sửa luật, nới lỏng một số điều kiện về nhập cư và làm việc tại nước này được xem là mở ra cơ hội cho lao động Việt Nam khi xuất khẩu lao động sang Nhật. Song, điều kiện làm việc khắc nghiệt, mức lương thấp, chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại Nhật đã khiến nhiều chị em “vỡ mộng” khi đặt chân sang xứ người…

“BÁNH VẼ” TỪ CÔNG TY MÔI GIỚI

Đã 2 năm trôi qua, chị Nguyễn Thị Hồng (quê Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) chưa một lần về thăm nhà. Đó cũng là 2 năm mà theo lời chị là thời gian khắc nghiệt nhất “để kiếm đủ tiền về quê trả nợ” và “mong sớm về với 2 đứa nhỏ”.

Chị Hồng đi xuất khẩu lao động tại Nhật với nghề thợ may. Chi phí đi Nhật, theo chị hết hơn 160 triệu đồng, bao gồm cả tiền học tiếng Nhật 6 tháng trước khi đi xuất khẩu, tiền đi lại và cả tiền môi giới trung gian (mà theo chị là công ty môi giới đã thu đến quá nửa chi phí).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Công ty môi giới họ bảo cứ sang đó làm rồi sẽ ổn. Bên Nhật lương cơ bản thấp nhưng làm thêm nhiều nên thu nhập rất cao, tháng có thể trên 50 - 60 triệu đồng. Vợ chồng tôi nghe thế thì mới bàn nhau vay mượn 2 bên gia đình nội ngoại để cho tôi đi xuất khẩu lao đông. Tôi tính sau 3 năm, mình về nhà có ít vốn liếng để có cái mà đầu tư làm ăn, khi đó con cái học hành cũng đỡ vất vả”, chị Hồng chia sẻ.

Bàn đi tính lại, cuối cùng chồng chị cũng đồng ý để vợ đi học tiếng và xuất khẩu lao động, làm trong xưởng may mặc. Tháng 2/2018, để lại 2 đứa con nhỏ (đứa đầu 5 tuổi, đứa thứ hai 3 tuổi) cho chồng và ông bà nội trông nom, chị Hồng lên đường sang Nhật làm việc.

Nơi chị làm là một xưởng may mặc ở tỉnh Miyazaki (phía Đông Bắc đảo Kyushu). Sau 3 tháng làm việc vất vả, tính cả tăng thêm giờ (mỗi ngày làm việc từ 10 đến 12 tiếng), khi nghe nhiều chị em lao động đã làm việc tại xưởng từ trước đó kể chuyện, chị mới biết mức lương 60 triệu đồng/tháng chỉ là “bánh vẽ” mà công ty môi giới đưa ra.

Chị Hồng tâm sự: “Khi sang bên này, tôi mới biết tỉnh Miyazaki có mức lương tối thiểu giờ gần như thấp nhất của Nhật, bình quân chỉ có hơn 700 yên/giờ. Một tháng chỉ làm việc trung bình được 21 ngày, mỗi ngày làm 8 giờ. Vậy lương cơ bản mỗi tháng cũng chỉ gần 120.000 yên, tức là khoảng 24 triệu đồng. Tháng nào xưởng có nhiều việc, làm thêm giờ thì được tính thêm nhưng không đáng kể, số tiền làm thêm giờ cũng chỉ được khoảng 35.000 yên, tức khoảng 7 triệu đồng. Cũng có tháng tôi làm thêm nhiều hơn thì được 35 triệu đồng nhưng trừ tiền ăn ở, đi lại, sinh hoạt thì chẳng còn bao nhiêu”.

Theo chị Hồng, với số tiền lương thực tế gửi về nhà sau khi trừ chi phí thì có khi không bằng làm việc ở quê. “Ở nhà, ngoài may mặc, nếu tôi làm thêm buôn bán, chợ búa hay chăn nuôi lợn thì có khi thu nhập còn hơn”, chị Hồng nói.

Công việc bận bịu nên chỉ buổi tối chị mới có dịp để liên lạc về với gia đình thông qua ứng dụng mạng xã hội Facebook trên điện thoại. “Nhớ và thương 2 đứa nhỏ lắm nhưng cũng cố làm để hết thời gian mới về được. Giờ mà về thì mang cả đống nợ nần khi trước vay mượn chưa trả được. Có hôm đi làm về muộn, gọi về Việt Nam thì 2 con đã ngủ rồi, vì 2 bên lệch nhau đến 2 tiếng. Cũng may là chồng tôi vẫn động viên nên tôi đỡ tủi thân”, chị Hồng bộc bạch.

LUÔN BỊ CĂNG THẲNG

Những trường hợp “vỡ mộng” khi sang Nhật như chị Hồng không phải là hiếm. Một phần do lao động đi xuất khẩu chủ yếu là ở các vùng nông thôn, ít được tiếp cận thông tin về lao động ở Nhật Bản một cách đầy đủ, mặt khác, do nhiều công ty môi giới lao động khi tuyển người đi xuất khẩu đã cố “thổi phồng” để hưởng tiền hoa hồng.

Ảnh minh họa

Thế chấp ngôi nhà nhỏ ở quê và vay người thân gần 100 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Tuyết (Ý Yên, Nam Định) quyết định để lại đứa con 9 tháng tuổi ở nhà để sang Nhật Bản làm việc. Thông qua một công ty môi giới ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, sau 1 năm miệt mài học tiếng, chị là 1 trong số 26 người may mắn được sang Hokkaido, miền Bắc nước Nhật, làm việc. Thế nhưng, sau nhiều giờ háo hức trên máy bay tới miền đất hứa, chị Tuyết vô cùng hụt hẫng khi lê những bước chân mệt mỏi tới phòng trọ được công ty tại đây tìm giúp. Phòng trọ rộng 16m2 cho 4 người ở, song cơ sở vật chất cũng chỉ hơn một chút so với căn nhà cấp 4 ở quê nhà.

Mặc dù chị trú tại Hokkaido, một khu miền quê Nhật Bản nhưng giá thuê phòng tại đây quy ra tiền Việt cũng lên tới 12 triệu đồng/phòng/4 người ở. Khi làm hợp đồng thuê phòng, chị phải nộp thêm 20 triệu đồng. Theo chủ nhà, đây là số tiền đặt cọc, sẽ trừ dần nếu người thuê làm hỏng hóc hoặc mất đồ. Dù tiết kiệm tối đa, song tiền điện, gas mỗi tháng cũng hết khoảng 1,5 triệu đồng. “Tiền mất nhưng không để tật mang, 4 chị em trong phòng bảo nhau cố gắng làm việc chăm chỉ để có tiền gửi về nhà trả nợ và gom góp một khoản kha khá sau 3 năm xa gia đình”, chị Tuyết tâm sự.

Chị Tuyết cho biết, quy định của công ty bắt đầu làm việc từ 8 giờ sáng nhưng đúng 8 giờ kém 10 phút, tất cả các công nhân phải có mặt để chấm công. Những người đi sau giờ này sẽ không được chấp nhận. Sau đó, tất cả công nhân cùng tập thể dục trong 5 phút. 8 giờ, người quản lý sẽ đọc công việc phải làm cho từng người trong ngày. 8 giờ 5 phút, cả công ty ai vào việc nấy. Trong quá trình làm việc, tất cả các công nhân đều phải nghiêm túc, không được tùy tiện ngồi nghỉ như khi làm việc ở Việt Nam.

Đặc biệt, tại công ty, bên cạnh hệ thống camera, người quản lý công nhân luôn cầm trên tay cuốn sổ và chiếc máy ảnh loại tốt. Từ xa, người này có thể chụp cận mặt những công nhân đang vi phạm quy định nơi làm việc. Sau đó, anh ta chuyển ảnh và thông tin lên phòng quản lý. Hôm sau, phòng quản lý sẽ mời những người vi phạm đó đến giải quyết. “2 năm qua, tôi luôn sống trong tâm trạng căng thẳng và mệt mỏi. Còn hơn 1 năm nữa, tôi cũng cố gắng cho hết hợp đồng lao động để về quê”, chị Tuyết chia sẻ.

Thực tế, trong những năm gần đây, thị trường Nhật Bản đang trở thành thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam. Thiếu hụt lao động khiến đất nước mặt trời mọc cần nhiều nhân công nước ngoài là nguyên nhân chính khiến Nhật trở thành thị trường xuất khẩu lao động mà nhiều lao động Việt Nam mong muốn được sang làm việc tại đây. Tuy nhiên, kiếm đồng tiền ở xứ người cũng không dễ dàng. Đồng tiền đó đôi khi còn phải đánh đổi cả bằng máu, nước mắt và càng mặn chát hơn khi mà hiện nay, xuất khẩu lao động sang Nhật vẫn chủ yếu là những người dân nghèo ở các vùng nông thôn, cố gắng thế chấp nhà cửa hay vay mượn để “xuất ngoại”, mơ sớm có cơ hội đổi đời khi làm việc ở xứ người.

Tuy nhiên, để có được thu nhập cao, lao động Việt Nam cũng cần trang bị kỹ năng, tính khoa học, tính kỷ luật và tâm thế đương đầu khó khăn khi làm việc tại Nhật Bản.

Theo số liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản, cuối năm 2018, số người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục với 1,46 triệu người, tăng gấp đôi trong 5 năm qua khi đất nước trải qua tình trạng thiếu lao động.

Trung Quốc đứng đầu danh sách với gần 390.000 công nhân tại Nhật Bản tính đến tháng 10, chiếm 27% nhân viên nước ngoài của Nhật Bản.

Việt Nam đứng thứ hai, với hơn 310.000 người, chiếm 22%. Philippines theo sau với khoảng 160.000 công nhân, tương đương 11%. Lao động Việt Nam tăng nhiều nhất về tỷ lệ phần trăm, với mức tăng 32% trong năm qua.

Khoảng 430.000 công nhân nước ngoài làm việc tại Nhật Bản, tương đương 30%, làm việc trong các ngành sản xuất. Các lĩnh vực khác, như bán lẻ cũng như dịch vụ thực phẩm và đồ uống, đóng góp khoảng 14%-17% tổng số lao động.

Vĩnh Sưởng

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/lao-dong-nu-viet-nam-tai-nhat-ban-dong-tien-kiem-duoc-doi-khi-phai-danh-doi-bang-nuoc-mat-post58701.html