Lao động nước ngoài chỉ được làm việc tối đa 4 năm tại Việt Nam?

Ngày 18-6, LĐLĐ TP HCM đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi.

Hội nghị có sự tham gia của nhiều cán bộ công đoàn, cán bộ tư vấn chính sách và Hội viên Hội luật gia LĐLĐ TP HCM.

Các đại biểu tham gia đóng gop ý kiến tại hội nghị

Các đại biểu tham gia đóng gop ý kiến tại hội nghị

Đóng góp vào dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi, theo ông Dương Văn Thuận, chuyên viên Trung tâm Tư vấn Pháp Luật LĐLĐ TP HCM, quy định dự thảo luật ở điều 153 về điều kiện sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam có điều khoản không cần thiết là việc doanh nghiệp phải "giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài và được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền".

"Không rõ điều khoản này hướng tới điều gì. Về cấp phép chúng ta chỉ cần quy định các điều kiện cụ thể các lao động nước ngoài phải đáp ứng là đủ, ví dụ trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong thực tế quy định này tạo cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý lao động thêm một áp lực, một công việc mà thiếu tính hiệu quả. Làm sao có thể đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp là hợp lý hay không? Trong khi đó, nhu cầu là thay đổi thường xuyên, rồi khi đăng ký nhu cầu này ví dụ DN đăng ký nhu cầu 10 lao động nước ngoài nhưng lại không sử dụng hết thì có ai đi kiểm tra, quản lý hay không?"

Cũng liên quan đến lao động nước ngoài, tại điều 156 dự luật quy định thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 2 năm và chỉ cho phép gia hạn 1 lần giấy phép với thời hạn tối đa cũng là 2 năm. Theo ông Thuận, quy định hiện hành cũng giới hạn thời hạn tối đa của giấy phép lao động nước ngoài là 2 năm, nhưng không có quy định về việc hạn chế số lần được gia hạn là chỉ một lần như trong dự thảo.

"Nếu quy định việc gia hạn theo dự thảo là chỉ được một lần là đi ngược với xu thế chung khi các lao động càng ngày càng di chuyển tự do giữa các nước trong một cộng đồng kinh tế. Bên cạnh đó việc thỏa thuận làm việc bao lâu là việc tự do của cả DN lẫn người lao động, nên việc can thiệp sâu và giới hạn như vậy thì vô tình làm người ta phạm luật. Ví dụ chuyên gia làm việc hết hạn được gia hạn giấy phép là (4 năm) rồi nhưng thời gian dự án, ví dụ có thời hạn 5 năm vẫn chưa hoàn tất thì sao? " – ông Thuận đặt vấn đề.

B. Đằng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/lao-dong-nuoc-ngoai-chi-duoc-lam-viec-toi-da-4-nam-tai-viet-nam-2019061814455376.htm