Lao động sáng tạo và tái tạo con người!

Xin phép được chép lại bài ca dao quen thuộc: 'Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/ Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần'.

Đã là người làm ra hạt gạo củ khoai, đã từng “dầm mưa dãi nắng”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” trên cánh đồng quê đều thấm thía ý nghĩa bài ca dao này. Hai câu đầu tả cảnh lao động vất vả, cày đồng là công việc nặng nhọc, lại làm vào lúc cần được nghỉ ngơi là ban trưa nên nặng nhọc bội phần. Hai câu sau là lời nhắn ai đó khi bưng bát cơm hãy nghĩ tới công lao người làm ra hạt gạo. Ý nghĩa của nó rộng hơn, khi hưởng thụ thành quả lao động (bát cơm đầy) hãy nghĩ tới quá trình lao động vất vả mà đầy ý nghĩa để làm ra thành quả ấy. Lời thơ, ý thơ ân tình và chân tình, vừa là chân lý vừa là đạo lý, chân thành, nồng nàn như bát cơm đầy chứa những hạt dẻo thơm. Nhưng ý nghĩa phổ quát của bài ca dao còn cao rộng hơn nhiều: Chỉ có nhờ lao động, qua lao động con người ta mới ý thức được giá trị của lao động, trân trọng thành quả lao động, nhận ra con người mình cũng như giá trị cuộc sống!

Ca dao, tục ngữ là những viên ngọc quý, là tâm hồn, tính cách, là sự kết tinh những quan hệ xã hội được cô đọngvào từng con chữ, hàm súc, lắng đọng nên lấp lánh ý nghĩa. Ca dao, tục ngữ dạy ta không chỉ là chân lý về hưởng thụ mà còn là đạo lý về cách sống, lẽ sống, lẽ công bằng: “Có làm thì mới có ăn/ Không dưng ai dễ mang phần đến cho”, “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”... Nhưng nói về sức mạnh kỳ diệu của lao động thì phải đợi đến ngôn ngữ bác học trí tuệ, tài hoa: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” (Hoàng Trung Thông). “Bàn tay ta”, “sức người” tượng trưng cho lao động; “sỏi đá” tượng trưng cho những gì không giá trị, là những khó khăn, thách thức; “cơm” là thành quả lao động. Đó là chân lý: Chỉ có nhờ lao động mới có thể biến cái vô giá trị thành cái có giá trị, biến cái tưởng là bỏ đi trở thành hữu dụng...

Chủ nghĩa Mác đã khẳng định chân lý lao động sáng tạo ra con người. Chỉ có qua lao động, con người ta mới trưởng thành, phát triển về thể lực, về tinh thần, ý chí, về tâm hồn... Ca dao, tục ngữ và thơ ca Việt Nam cũng nói tuyệt hay về vai trò của lao động, chỉ có lao động mới tạo ra của cải vật chất. Nhờ có lao động con người mới không sa vào thói xấu, vì “nhàn cư vi bất thiện”. Nhờ có lao động con người ta mới mở rộng quan hệ xã hội, vì lao động là cầu nối người với người, người với các phương tiện lao động... Qua lao động con người ta mới nhận ra chân giá trị của chính mình, mới thấy mình đáng tự hào hay phải thay đổi, thấy mình tự tin hay còn nhỏ bé... Như vậy, lao động sẽ giúp con người cân bằng tâm sinh lý chính cá nhân mình.

Lao động làm nên cuộc sống, sáng tạo ra cuộc sống!

Vì thế, quan điểm cần đưa phạm nhân ra khỏi trại giam để lao động là hợp lý. Lao động đã sáng tạo ra con người thì cũng tái tạo con người. Đó là điều không thể hoài nghi. Phạm nhân có thể mất quyền công dân nhưng không thể và không nên để họ mất quyền lao động. Qua lao động họ sẽ nhận thức được giá trị lao động cũng như giá trị cuộc sống, từ đó biết trân trọng cuộc đời. Qua lao động họ sẽ thấm thía về lao động vất vả và hưởng thụ thành quả, từ đó biết trân trọng người lao động và biết trân trọng chính mình. Chỉ có trong quá trình lao động làm ra sản phẩm phải trả giá bằng mồ hôi nước mắt, họ mới thấu hiểu để thấu cảm về tình đời, tình người, lẽ người... Hầu hết phạm nhân phạm tội do mù quáng, qua lao động họ sẽ tìm thấy ánh sáng cuộc đời.

NGUYÊN THANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/lao-dong-sang-tao-va-tai-tao-con-nguoi-555155