Lao động Thủ đô và lăng kính bạn đọc

Bạn đọc chính là thước đo chuẩn xác nhất trong hoạt động của mỗi cơ quan thông tấn, báo chí. Kể từ ngày thành lập đến nay, chúng tôi luôn trân quý sự đồng hành của bạn đọc và những đóng góp chân thành của quý độc giả.

Nhân kỷ niệm 27 năm ngày lập, chúng tôi xin trân trọng ghi lại những đánh giá, góp ý của một số bạn đọc trẻ đại diện cho hàng nghìn độc giả của Lao động Thủ đô khắp mọi miền đất nước như một lời tri ân để báo không ngừng phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của bạn đọc.

Phùng Hoàng Anh - Nhà nghiên cứu văn hóa:

Hãy luôn giữ bản sắc riêng

Lao động Thủ đô là một tờ báo quen thuộc của độc giả Hà Nội và cả nước. Báo giấy Lao động Thủ đô từ lâu đã trở thành ấn bản thân quen của người lao động Thủ đô. Tuy nhiên, báo điện tử dù mới xuất hiện vài năm trước nhưng cũng có sức lan tỏa mạnh mẽ, gây ấn tượng tốt với bạn đọc.

Tôi nói như vậy bởi vì tôi may mắn được cộng tác với Lao động Thủ đô cả ở mảng báo giấy lẫn báo điện tử. Xét về báo giấy, Lao động Thủ đô cập nhật rất đầy đủ các mảng chính trị, dân sinh, y tế, văn hóa, cộng đồng… với nhiều bài viết có chiều sâu. Riêng mảng văn hóa, là người từng được Lao động Thủ đô phỏng vấn, cũng từng được đặt bài viết, tôi cho rằng đây là một trang báo tạo nên sự cân bằng và độ mềm mại của một tờ báo chính trị. Ngoài ra, các mục khác như thể thao, đi và gặp, những trang viết về văn hóa ứng xử người Hà Nội… đều phản ánh tích cực cuộc sống của người dân Thủ đô với cách nhìn sâu sắc của người viết.

Về báo điện tử laodongthudo.vn, khối lượng tin bài trong một ngày không thua gì các báo lớn ở trung ương và Hà Nội. Đặc biệt, thông tin nhanh, chính xác, không có lỗi ở tít báo, sapo, lỗi chính tả ở phần nội dung chứng tỏ đội ngũ biên tập của tòa soạn có chuyên môn cao. Với tư cách độc giả, cũng là người hay “soi” tiểu tiết khi đọc báo, tôi cảm thấy “ngạc nhiên”.

Về nội dung trên báo điện tử, Lao động Thủ đô có rất nhiều chuyên mục, ở góc nhìn một người nghiên cứu về văn hóa, tôi khá tâm đắc với mục Văn hóa, Thể thao, Cộng đồng của Báo. Ban Biên tập đã rất chuyên nghiệp khi bên cạnh những thông tin nóng về chính trị, dân sinh, lao động, pháp luật… còn đưa những câu chuyện sâu sắc về văn hóa, những câu chuyện mềm mại rất gần gũi với cảm xúc của con người, những bài thơ, truyện ngắn, tâm sự… đến với độc giả. Thật nặng nề biết bao nếu mở một trang báo mà toàn những tin khô cứng, tiêu cực. Lao động thủ đô rất khác, khi mở ra, tôi thấy cuộc sống đầy hy vọng qua những bài viết.

Tôi được biết, ở nhiều tờ báo, mảng văn hóa không được coi trọng, có lẽ bởi tính “dễ dãi” của nó và hiện giờ những thông tin PR luôn được làm sẵn để gửi cho báo chí, khiến cho văn hóa biến thành những tin “đại trà”. Tuy nhiên, với Lao động Thủ đô, tôi còn được đọc những bài báo dài kỳ về văn hóa, về những đề tài mà nhiều báo khác đã “bỏ quên”. Điều đó cho thấy, dù là một tờ báo của ngành công đoàn, nhưng Lao động Thủ đô luôn làm tốt và làm rất chuyên nghiệp các mảng nội dung khác. Điều đó khiến cho bạn đọc hay những người cộng tác như tôi cảm thấy trân trọng và dành tâm huyết của mình vào mỗi bài viết khi đăng trên báo.

Tôi tin rằng trong thời gian tới, Lao động Thủ đô sẽ tiếp tục khẳng định mình trên con đường phát triển trước thời đại công nghệ số và luôn giữ vững nét mềm mại song song với công việc phục vụ chính trị.

Nguyễn Thị Thúy Nhi - sinh viên năm thứ 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền:

Cần nâng hơn nữa chất lượng và hình thức

Nói về nghề báo, tôi chỉ có thể gói gọn trong hai từ “vất vả”. Ngành học của tôi có liên quan ít nhiều đến lĩnh vực báo chí, tôi cũng có thể coi là một “nhà báo không chuyên” khi có làm cộng tác viên viết bài cho một số đơn vị báo, đài. Nhớ những ngày đầu, tôi rất lúng túng, ngần ngại vì lẽ mình không quen với công việc ấy, làm sao mà viết?, làm sao để tìm đề tài?, làm thế nào để câu chữ không bị trùng lặp?... Rất nhiều câu hỏi cứ lặp đi lặp lại. Thế nên với tôi, đây thực sự là một nghề rất vất vả.

Vì bản chất ngành học và công việc, tôi rất hay đọc báo. Riêng với Lao động Thủ đô, tôi bắt đầu đọc từ học kỳ II của năm nhất đại học khi chị ở cùng phòng ký túc xá của tôi có dịp đi thực tập tại báo. So với những năm trước, tôi thấy, hiện naybáo đã có sự cải tiến, đổi mới theo hướng hiện đại hơn về hình thức, phong phú hơn về nội dung, trong đó có nhiều bài viết được đầu tư, hấp dẫn bạn đọc. Chất lượng nội dung tờ báo ngày càng tốt, thông tin đa dạng, phong phú, nhiều chiều nhưng vẫn giữ vững định hướng về chính trị, tư tưởng, giữ vững tôn chỉ, mục đích, là diễn đàn dân chủ của công nhân viên chức lao động.

Đặc biệt, báo đã phản ánh sâu đậm hoạt động của công đoàn và các phong trào thi đua của công nhân viên chức lao động; phản ánh phong phú đời sống, việc làm, thu nhập và tâm tư tình cảm của người lao động; phản ánh kiến nghị của người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của công nhân lao động; phê phán những biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động…Nhờ vậy góp phần giúp lãnh đạo các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình đối với đời sống, việc làm của công nhân lao động.

Ngoài ra, báo còn kịp thời thông tin về những tấm gương điển hình tiên tiến, lao động giỏi, lao động sáng tạo, phản ánh những nhân tố mới trong hoạt động công đoàn, qua đó giúp nhân rộng những nhân tố tích cực trong thực tiễn cuộc sống.

Mong rằng trong thời gian tới, dẫu Chính phủ đã tiến hành quy hoạch báo chí, song sự cạnh tranh của các cơ quan truyền thông trên không gian mạng vẫn hết sức gay gắt, bởi thế muốn tồn tại và phát triển, tôi mong báo Lao động Thủ đô sẽ không ngừng cải tiến, nâng cao hơn nữa hình thức lẫn nội dung, luôn là tờ báo được bạn đọc đón nhận như món ăn tinh thần không thể thiếu hằng ngày, tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước… Tôi cũng mong rằng, Báo Lao động Thủ đô luôn là “kênh” tiếp nhận các thông tin, phản hồi, ý kiến từ công nhân viên chức lao động nói riêng và bạn đọc nói chung để tờ báo luôn gần gũi, thân thuộc với người đọc.

B.Thoa- P.Thảo (Thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lao-dong-thu-do-va-lang-kinh-ban-doc-105403.html