Lao động tự do và nỗi lo thiếu nhân sự sau giãn cách

Sau làn sóng 'đi bộ' về quê của các lao động ngoại tỉnh mắc kẹt ở Hà Nội trong thời gian giãn cách, đến nay, khi mà các công trình xây dựng bắt đầu lục tục quay lại hoạt động thì lại đối mặt với một vấn đề vô cùng khó giải quyết. Đó là chuyện thiếu nhân công!

Những chuyến xe đầy ắp người lao động tự do bỏ Hà Nội về quê Ảnh. Đ.N.Q

Ồ ạt làn sóng lao động tự do dời Hà Nội khi giãn cách

Hà Thị Quyên, một trong những công nhân người Yên Bái bị kẹt lại ở Hà Nội thời điểm Thủ đô giãn cách chắc sẽ mãi không quên được 4 ngày trời cô cùng chồng đi bộ về quê. Cô cho biết, sau hơn 1 tháng chống chọi với đủ sự thiếu thốn ở Hà Nội, ngày 15 - 9, cô đã quyết định cùng một số công nhân các tỉnh tìm đường về quê. “Khi còn ở Hà Nội, chủ cai chỉ cho bọn em 18 nghìn đồng/ngày ăn. Không có lương, không có thu nhập, cũng chẳng thể đi làm, 18 nghìn cho 1 ngày cho dù em có vun vén thế nào cũng không thể đủ. Nếu để ăn thì nhịn tắm, nhịn giặt. Còn nếu muốn giặt giũ, gội đầu… thì đành chịu bụng rỗng” - Quyên cho biết.

Trong những ngày ấy, cũng đôi ba lần có những nhóm thiện nguyện đến trợ giúp nhóm công nhân chỗ Quyên lương thực, thực phẩm. Nhưng thời gian giãn cách dài, số lượng công nhân mắc kẹt ở tại Tân Tây Đô, công trình nơi Quyên làm, lại đông, nên số lương thực ấy cũng chỉ đủ cho họ no một vài bữa. Thiếu thốn đủ thứ lại đối diện với chuyện đói ăn, Quyên đã cùng những người trong nhóm ấy quyết định đi bộ về. “Bọn em đi bộ từ Hà Nội về đến địa bàn Yên Bái mất 4 ngày. Lén lút ra khỏi công trình, dắt díu nhau đi trên đường, gặp ai cũng ngửa tay xin tiền để đủ tiền xét nghiệm. Xin từ chỗ em ở đến cầu Trung Hòa thì đủ tiền xét nghiệm PCR. Và thế là rời Hà Nội” - Quyên kể.

Ròng rã 4 ngày lóc cóc đi bộ qua các tỉnh. Đói thì kiếm chỗ xin ăn, khát xin uống. Và lúc mệt thì mái hiên nào chìa ra đủ che nắng che mưa thì nghỉ tạm. Quyên bảo, có những khi quá mệt cũng muốn dừng lại, cũng muốn bỏ cuộc, nhưng cứ nghĩ quê nhà ở phía trước, cố lên chút nữa sẽ về được với con, thế là lại bước đi. Đi đến đèo Khế (ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái), chốt kiểm dịch Yên Bái đã đón được nhóm của Quyên và đưa họ đi cách ly. “Bọn em phải cách ly 7 ngày, với phí là 120 nghìn/ngày. Sau đó về tự cách ly tại nhà” - Quyên kể. Cô cũng tâm sự, ở quê nhà thì cũng khó khăn lắm, nhưng nói đến chuyện lại quay lại Hà Nội làm thì lại đắn đo. Hơn 1 tháng trời ở Hà Nội, cái đói, cái khổ đã khiến ước muốn sinh cơ của cô gái dân tộc này không còn bức thiết nữa.

Thiếu nguồn lao động sau giãn cách và vấn đề đặt ra

Gần 2 tháng Hà Nội xiết chặt mọi hoạt động để chống dịch, số lượng lao động tự do ở Hà Nội giảm đi rất nhiều. Và khi bắt đầu rục rịch hoạt động trở lại, các Cty, xí nghiệp, đặc biệt là các công trường xây dựng lại thiếu vắng công nhân một cách nghiêm trọng. Chị Nguyễn Thị Tuyết, công nhân tại một bếp ăn công nghiệp tại Long Biên cho biết, trong thời điểm Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 và đến hiện nay, khi đã nới lỏng, chị liên tục phải tăng ca. Nếu như bình thường chị chỉ phải làm từ 8g sáng cho đến 16g thì trong hơn 2 tháng nay, chị liên tục phải làm thêm, tăng ca, thậm chí làm cả thứ 7, chủ nhật. “Mặc dù tiền lương chính, lương thưởng và lương tăng ca khiến thu nhập trong các tháng này tăng mạnh, nhưng gần như chúng tôi phải làm việc cật lực vì thiếu nhân sự. Một phần lớn các công nhân ở các tỉnh không về được Hà Nội” - chị cho biết.

Cũng câu chuyện trên, anh Nguyễn Bá Hồng, kỹ sư xây dựng của một Cty xây dựng cho biết, các công trình đã chuẩn bị tiếp tục triển khai, nhưng chỗ nào cũng đối diện với chuyện thiếu nhân công. Bởi theo anh, đa phần trong thời gian giãn cách, các công nhân ngoại tỉnh đã tìm cách về quê, và bây giờ khi Hà Nội đã nới lỏng nhưng việc quay lại làm cũng không dễ dàng. Anh Hồng cho biết, đa phần các Cty hay tập đoàn liên quan đến xây dựng đều không nuôi “thợ xây”. “Cán bộ kỹ thuật hoặc một số công nhân tay nghề cao hoặc làm những công việc chuyên môn cao có thể Cty nào cũng phải có. Nhưng những công nhân trực tiếp làm việc dưới công trường, xây lắp, cốt pha, sắt thép… lại là những lao động được các cai xây dựng gom từ nhóm lao động tự do ở các tỉnh” - anh Hồng nói.

Nhiều những người lao động này đều không được đào tạo chuyên nghiệp. Chuyện một người chưa hề biết xây dựng nhưng sẵn sàng xắn áo đi làm công nhân xây dựng là chuyện thường ngày của huyện. Họ ra công trường, những người biết sẽ chỉ cho người không biết. Khéo léo thì làm giỏi, còn chẳng khéo thì cũng có đủ mọi việc để họ có thể vận sức để làm. Chính vì như thế nên việc an toàn lao động hay những quyền lợi cho mình họ đều không nắm được, hoặc thậm chí không quan tâm. “Người lao động hiện giờ cũng rất thực dụng, có những người tính tiền theo ngày, chỉ cần chậm 1 ngày, họ sẵn sàng bỏ việc, họ không cần biết đến trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của họ khi bắt tay vào làm…”.

Nên có những chế tài, quy định hoặc có cách tuyên truyền sâu rộng hơn để nhóm người lao động này hiểu rõ hơn về quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình khi bắt tay vào làm thuê cho bất kỳ ai. Đồng thời với chuyện đó, việc tự nâng cao tay nghề cũng như học tập một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp với ngành nghề mình muốn làm cũng là cái mà người lao động tự do cần phải xem xét một cách nghiêm túc. Tuyệt đối không làm việc theo kiểu thỏa thuận miệng. “Không phải đâu xa, khi chúng tôi làm công trình ở trên Bắc Kạn, nếu thiếu công nhân, chúng tôi tuyệt nhiên không thể tự tìm được công nhân ở bất cứ đâu. Trên đó có những Cty của người Trung Quốc chuyên cung cấp nhân sự trong lĩnh vực này. Ở đó, người công nhân được đảm bảo mọi quyền lợi và khi có bất cứ điều gì xảy ra, họ có những tổ chức đứng ra bảo vệ và hỗ trợ…” - anh Hồng nói.

Nói về chuyện những chuyến xe trở lao động tự do ở các tỉnh về quê miễn phí trong thời gian qua, anh N.X.T (Cty T&T Transport) cho biết, trong thời gian qua, anh đã điều 5, 6 chuyến xe đưa người từ Hà Nội về các tỉnh. Anh cũng hiểu, nếu không có những chuyến xe miễn phí như của các anh, có lẽ những người lao động này vẫn cứ quyết tâm tìm mọi cách để mà về quê…

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/lao-dong-tu-do-va-noi-lo-thieu-nhan-su-sau-gian-cach-261328.html