Lão ngư xóm Phao giữa sông Hồng

Đầu đông, cái rét chưa thật ngọt, nhưng ông lão Nguyễn Đăng Được đã sù sụ áo trong áo ngoài. Chẳng phải riêng ông, mà những người dân xóm Phao ở bãi giữa sông Hồng có bao nhiêu quần áo, khăn mũ đã đem ra khoác cả lên người. Ở nơi đồng không mông quạnh này, hơi lạnh luồn lách khắp chốn, thấm đẫm hơn, xộc vào cơ thể người ta dễ dàng hơn, qua những mái lều mỏng mảnh, những vách tường liêu xiêu, hở hoác…

Người “giàu” nhất xóm Phao

Men theo con đường bê tông nhỏ chạy ngoằn ngoèo giữa đồng bãi ngút ngát, cây cối um tùm thì tìm được nhà ông Được. Dưới những tàu chuối cao ngất phần phật và rách tướp trong gió đông, trong căn lều lúp xúp, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, ông lão Được chỉ nhìn thấy trời, thấy cây, thấy nước, nghe thấy tiếng gió ù ù, dù từ đây đến trung tâm Hà Nội chỉ chừng hơn cây số.

Ông Nguyễn Đăng Được rời quê Quảng Bình ra Hà Nội đã hơn 40 năm.

Sinh năm 1947, ông lão Được là một người đàn ông đặc biệt nhất ở bãi giữa này. Cuộc đời ông với nhiều trường đoạn, không phải một chốc một lát mà tóm gọn lại được. Bao nhiêu năm đằng đẵng trôi đi, thành ra ông chẳng nhớ rõ những khúc quanh của đời mình, còn thời gian thì ang áng…

“Ngoảnh đi ngoảnh lại mà cũng đã hơn 40 năm tôi uống nước sông Hồng. Quê tôi ở xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, bên bờ con sông Gianh. Cuộc rời quê ấy, một đi không trở lại”, ánh mắt xa xăm, ông Được nghĩ về cuộc hành trình ra thủ đô. Quãng năm 1967, ông đi bộ đội, chiến đấu tại chiến trường Lào. Bữa ấy, tiểu đội của ông có 5 người đang ở vùng biên giới. Vừa dừng chân nghỉ ở quãng rừng vắng thì bị địch phục kích. “Bốn đồng đội của tôi ngã xuống. Trong tíc tắc, tôi nằm vật ra giả vờ chết. Sau giây phút kinh hoàng, đồng đội đều rời bỏ tôi. Cậu bạn cuối cùng trước khi ra đi, cố dặn tôi tìm về quê cậu ấy ở Nam Hà báo tin cho vợ con. Đêm ấy, tôi vừa khóc vừa gói ghém, đào hố, đặt các cậu ấy nằm cạnh nhau dưới đất sâu. Sợ thú dữ đào bới, tôi khuân đá chặn kín trên mộ. Sau một đêm nằm bên họ thủ thỉ những câu cuối cùng, tôi cũng đành phải chia tay, tìm đường ra khỏi rừng”, ông Được nhớ lại. Nhưng càng đi càng lạc, suốt nhiều ngày tháng sau đó ông lang thang trong rừng, tìm được gì ăn nấy. Cho đến một hôm ra đến cửa rừng, nhìn thấy đồi sắn bạt ngàn mà mừng rơi nước mắt. Ông được bà con dân tộc Vân Kiều ở biên giới Hà Tĩnh bao bọc, sau đó chỉ đường cho ông về quê.

Hòa bình lập lại, từ quê ông quyết tâm ra Bắc theo lời trăng trối của người bạn quê Nam Hà. Rủi thay, sau một đêm nằm ngủ ở ga Vinh (Nghệ An) thì ba lô, mũ cối, dép cao su, sổ ghi chép - những kỉ vật thiêng liêng của đồng đội đều mất cả. Ông lọ mọ ra đến tận Ý Yên, Nam Hà mà không tìm được gia đình của động đội. Hết hy vọng, ông lại nhảy tàu ngược lên Hà Nội. Đó cũng là lần đầu tiên ông đặt chân đến thủ đô, ấy là năm 1978.

Kí ức của ông về Hà Nội thời bao cấp khốn khó trăm bề. Để mưu sinh, ông làm đủ thứ việc. Ban ngày thì xách nước, xếp hàng hứng nước thuê. Tối đến, ông lần tìm ra bờ sông Hồng tắm giặt, rồi căng bạt ngủ ở bãi sông. Cứ thế, ông trở thành một trong những người đầu tiên ngụ cư ở bãi giữa sông Hồng. Rồi những người dân tứ xứ do cuộc sống khốn khó dạt về đây, ghé phận đời nơi mép nước.

Ở cái xóm Phao này, thanh niên đều gọi ông Được là “bố”, xưng “con”, còn bọn trẻ con thì gọi “ông” xưng “cháu”. Ông thì luôn nói: “Tôi đi đâu thì dân của tôi đi đấy. Đất bãi này là của người làng thuộc phường Ngọc Thụy, Long Biên. Dân của tôi chỉ ở nhờ, không có đất trồng trọt, dựng nhà dựng cửa”. “Dân của tôi” – ông thường nói một cách đầy bao bọc như thế với tư cách là trưởng xóm Phao có 30 hộ dân tứ xứ với hơn 100 nhân khẩu. Cái tên xóm Phao cũng là do ông đặt, nghe đã thấy nổi nênh, trôi dạt. Bởi họ sống trong những mái lều nổi trên những thùng phuy sát bờ sông Hồng, quanh năm dập dềnh theo con nước. Tuy cuộc sống tạm bợ trên mặt sông nhưng dân xóm Phao không ai gắn với nghề chài lưới, mà làm đủ thứ việc trên bờ, từ bốc vác, làm thuê đến nhặt đồng nát.

Đến giờ, ông Được được coi là người giàu nhất xóm, là người duy nhất sau bao năm sống dập dềnh trên mặt sông thì đã được ở trên bờ. Ông bỏ tiền dành dụm thuê lại mảnh đất để dựng lều, trồng vài bụi chuối, vài gốc ổi. Dù là tạm bợ, vá víu bằng đủ thứ từ vải bạt, chăn màn cũ, biển quảng cáo, bàn ghế, tủ mà người ta loại thải và vứt đi thì chí ít ông cũng được ở trên đất, đi trên đất.

Trước năm 2000, dân xóm Phao không có giấy tờ tùy thân, trẻ con sinh ra không có hộ khẩu, không có giấy khai sinh, không được đến trường. Điều đó khiến ông trăn trở: “Ở đây chúng tôi sống lay lắt với nhiều cái không: không điện, không nước sạch, nhưng không thể để cái đầu của bọn trẻ rỗng tuếch không chữ nghĩa được”. Ông dựng cái lán trên phần đất của mình làm lớp học và dạy bọn trẻ học chữ. Rồi ông lại nghĩ, chúng không thể quẩn quanh trong lớp xóa mù này mãi được, chúng phải đến trường để học hành bài bản, hòa nhập với thế giới ngoài kia. Rồi ông ra sức động viên các gia đình, cùng họ về quê xác minh lý lịch, làm cơ sở đăng ký giấy khai sinh cho trẻ con.

“Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, lũ trẻ ở đây đều được đi học rồi. Có cháu lên được đại học, tôi mừng lắm. Chúng nó là tương lai của xóm Phao đấy”, giọng ông khấp khởi. Căn phòng học ngày trước giờ thành thư viện đọc sách, lớp học tiếng Anh miễn phí cho bọn trẻ vào dịp cuối tuần. Khoảng đất ông thuê, ông dành một phần làm sân chơi. Với sự hỗ trợ của nhiều người tốt, một khu vui chơi sinh động, đầy màu sắc với cầu trượt, xích đu đã được dựng lên. Mảnh vườn này là nơi đáng sống nhất của lũ trẻ ở bãi giữa hoang vu, nghèo đói. Mà không chỉ có bọn trẻ nghèo xóm bãi, mà trẻ con ở phố thị nội thành Hà Nội cũng được bố mẹ, thầy cô đưa sang đây leo trèo, đào đất, tập làm vườn.

Lòng người ngổn ngang

Xóm này, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng có điểm giống nhau là đều rời quê hương một đi không trở lại. Nhiều cặp vợ chồng nên duyên ở đây, lấy nhau rồi sinh con đẻ cái. Ông bà Được cũng gặp nhau và về ở với nhau ở bãi giữa này.

Ông Được và cháu trai trước căn lều “xịn” nhất xóm Phao.

Trong căn lều “khang trang” nhất xóm của ông bà Được, tất cả mọi thứ đồng nát sắt vụn đều hiện diện ở đây, đều ghép nối, đan díu lại với nhau. Những thứ người ta không dùng đến nữa, ông gom về, dựng cả phòng khách với bộ ghế sô pha, bể cá xinh xinh và cả lọ hoa nhựa để bàn. Ông bà có với nhau 4 người con, giờ còn 3 đứa, đều rời bãi giữa đi kiếm việc làm và có cuộc sống riêng.

Đến giờ, tim ông vẫn nhói lên khi nghĩ lại buổi trưa hè đầy ám ảnh năm 2004. “Buổi trưa hôm ấy nóng quá, vợ tôi mang con ra sông tắm. Đứa con trai đang bò lê la ở bờ sông, đứa con gái lớn tầm 9-10 tuổi bám chậu tập bơi. Nước liệng vào chậu, chậu chìm, con tôi cũng chìm theo”. Tiếng kêu thất thanh của đứa con gái đau xé lòng. Ông lao xuống tìm con. Vớt xác con lên, đem sang bãi tha ma của làng chôn nhờ. Nỗi đau ấy, ông Được cố ghìm lại, nén xuống tận tâm can. Từ đấy, thấy ai nhảy sông, ai bị đuối nước là ông bơi ra cứu giúp, vì nghĩ họ cũng rơi vào hoàn cảnh đau khổ như mình.

“Trước tôi ở nhà phao ngay chân cầu Long Biên, cứ có người nhảy cầu đánh “ùm” một cái là tôi lao ra giữa dòng nước xiết. Có lần cứu một người đàn bà nhảy cầu, bà ấy vùng vẫy chửi tôi thậm tệ. Sau thì lại nằng nặc đòi ở lại bãi sông này với tôi. Vợ tôi phải tỉ tê hỏi chuyện mãi bà ấy mới khai địa chỉ nhà bên kia sông. Tôi lấy xe đạp đèo bà ấy về tận nhà khi gia đình bà ấy đang đi tìm loạn cả lên. Sau thì họ sang tận bãi giữa này để cảm ơn tôi. Nhiều người cũng vì chịu ơn tôi cứu sống mà xin được làm con nuôi của tôi”, ông Được dí dỏm kể lại.

Ông lão Được người nhỏ bé nhưng sức thì dẻo dai, bơi như rái cá nổi tiếng ở đoạn sông này. Ông kể một lần thấy xác một người phụ nữ trẻ trôi giữa sông, ông kéo vào chôn cất. Kì lạ thay cũng ngày ấy, tháng ấy năm sau lại thấy xác một người con gái trẻ trôi vào quãng sông này, ông lại vớt lên chôn cất. Hơn ba năm sau, ông cải mộ lên, chôn hai cô nằm cạnh nhau. Sau những người đi bơi thường qua lại thắp hương, tôn tạo nhiều lần và đặt là mộ “hai cô”.

Đấy là thời ông còn khỏe. Giờ tuổi đã gần 80, ông đau yếu nhiều, sống nhờ vào vài khóm chuối, vài gốc ổi, thêm quán nước chắt chiu qua ngày. Trong căn lều, ông chỉ bức ảnh ông bế thằng cháu nội được phóng to treo trên vách tôn. “Nó là con thằng út. Vợ chồng chúng nó bỏ nhau, rồi bỏ bãi này mà đi, để lại cho tôi đứa cháu từ khi nó 2 tuổi, nay nó học lớp 2 rồi. Cháu nó bị bệnh tim, nhưng tôi làm gì có tiền mà mổ tim cho cháu bây giờ. Nhiều lúc nó yếu, hay hoảng hốt, giật mình, vợ chồng tôi thương đứt từng khúc ruột”. Rồi ông im lặng, gương mặt già nua, gân guốc bỗng buồn não nề. Ông bảo lòng ông còn lấn cấn, còn muốn làm nhiều việc cho xóm Phao này, nhưng sức đã tàn thành ra lực bất tòng tâm…

Huyền Châm

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/lao-ngu-xom-phao-giua-song-hong-i715154/