Lão nông giữ đất 'khỏe' để cây đặc sản sinh vàng

Ông Huỳnh Tấn Chữ đã không ngại bỏ công, bỏ của cải tạo vùng đất phèn tại ấp Phú Mỹ, xã Tân Lập (TX. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) để có những mùa trái ngọt; trở thành nông dân sản xuất giỏi.

Vườn bưởi da xanh của ông Huỳnh Tấn Chữ đang ở độ tuổi cho năng suất cao.

Vườn bưởi da xanh của ông Huỳnh Tấn Chữ đang ở độ tuổi cho năng suất cao.

Ông Huỳnh Tấn Chữ đã không ngại bỏ công, bỏ của cải tạo vùng đất phèn tại ấp Phú Mỹ, xã Tân Lập (TX. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) để có những mùa trái ngọt; trở thành nông dân sản xuất giỏi không phải vì chưa từng thất bại mà luôn kiên trì giữ đất, giữ vườn dù trải qua nhiều khó khăn.

Giữ đất “khỏe” cho trái ngọt

Ông Chữ kể: Lập nghiệp nơi được gọi là vùng Suối Phèn nhiễm mặn, phèn đóng cả lớp trên mặt đất nên gặp không ít những khó khăn. Ban đầu, gia đình trồng lúa, làm hoa màu trên vài sào đất. Thu nhập quá thấp, vợ chồng ông tính đến chuyện cải tạo ruộng để lập vườn trồng cây lâu năm.

Thời gian đầu, ông trồng cà phê, trồng mít rồi chuyển sang trồng tiêu. Vườn tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt vì không hợp thổ nhưỡng, ông lại mày mò chuyển sang trồng các loại cây có múi như: bưởi, cam, quýt. Nhờ chăm chỉ, vợ chồng ông không những có tiền nuôi các con ăn học mà còn mua thêm đất mở rộng vườn cây trái lên hơn 2ha. Khi các cây trồng trên già cỗi, vùng này không còn là đất mới, ông chuyển sang trồng các loại cây đặc sản của Long Khánh như: sầu riêng, bơ, măng cụt... Quanh vườn, ông trồng chuối, mỗi đợt bán ra tuy chỉ thu được vài triệu đồng nhưng cũng đỡ đần chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Ông Chữ chia sẻ: “Để giữ cho đất “khỏe”, tôi không lạm dụng thuốc diệt cỏ mà bỏ công làm cỏ, dọn vườn. Quanh năm, vợ chồng tôi gắn bó với mảnh vườn, chăm chút cho cây, cho đất. Chính vì vậy, vườn đặc sản luôn cho những mùa trái ngọt”.

Bán trái sạch

Chỉ ra khu vườn trồng xen canh các loại cây ăn trái đặc sản, ông Chữ khoe: “Tôi trồng được vườn bơ giống ngon có tiếng của Long Khánh và hiện cho trái bói. Giống bơ này 1 trái nặng cả ký, thịt bơ dẻo và ngon nên luôn bán được giá cao hơn nhiều loại bơ khác. Đầu mùa, tôi bán cho thương lái với giá 75.000 đồng/kg”.

Sau thời gian chọn lọc, hiện ông Chữ chỉ giữ lại 3 giống cây đặc sản cho thu nhập cao là bơ, sầu riêng và bưởi. Là nông dân chỉ biết đến chăm cây, chăm vườn, vợ chồng ông không ít lần trải qua cảnh được mùa - mất giá. Từ đó, vợ chồng ông bắt đầu quan tâm tìm thị trường “ngách” cho đặc sản vườn nhà. Vườn sầu riêng chủ yếu trồng các giống hạt lép đang được thị trường ưa chuộng nhưng ông vẫn giữ lại những gốc sầu riêng giống cũ như: Chín Hóa, hạt lép...

Ông Chữ cho biết: “Sầu riêng hạt lép, tôi để trái rụng tự nhiên, chủ yếu bán cho người quen đặt hàng trước, phần thì gửi con gái có xe bánh mì bán cho khách lẻ. Giá sầu riêng chín rụng thường cao hơn cả hàng hạt lép cắt cho thương lái nhưng cung vẫn không đủ cầu”.

Theo ông Chữ: “Người tiêu dùng ngày càng chuộng các loại trái cây sạch để chín tự nhiên. Đây là kênh tiêu thụ đầy tiềm năng mà tôi hướng tới, nhất là thời gian gần đây, TX. Long Khánh tập trung phát triển du lịch vườn”.

Bình Nguyên

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/lao-nong-giu-dat-khoe-de-cay-dac-san-sinh-vang-post21177.html