Lão nông sáng chế nhiều nông cụ hữu ích được cấp bằng độc quyền

Lão nông Lê Phước Lộc, ấp 5, xã An Hữu, huyện Cái Bè, Tiền Giang đã có nhiều sáng kiến làm các nông cụ hữu ích cho nhà nông.

“Kỹ sư không bằng cấp”, đó là biệt danh mà nhà vườn địa phương thường gọi ông Lê Phước Lộc, ấp 5, xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ông Lộc là một nông dân nhưng đã có nhiều công trình sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm ra các nông cụ hữu ích cho nhà nông.

Ông Lê Phước Lộc hướng dẫn công nhân sản xuất nông cụ. (Ảnh: Nhật Trường).

Ông Lê Phước Lộc hướng dẫn công nhân sản xuất nông cụ. (Ảnh: Nhật Trường).

Năm 1978, chứng kiến cảnh bà con nông dân vất vả trong sản xuất lúa do lao động thủ công nên ông vận dụng kiến thức cơ khí đã học trước đó để nghiên cứu, sáng chế ra máy tuốt lúa. Đây là máy tuốt lúa đầu tiên ở huyện Cái Bè được nông dân ưa chuộng với tiện lợi là giảm chi phí, nhân công, ít thất thoát lúa và phù hợp với vùng đất ngập lũ.

Năm 2002, ông Lộc chế tạo ra chiếc kéo cắt tỉa đa năng bằng thép. Chiếc kéo này gọn nhẹ, có ưu điểm hơn các chiếc kéo cắt tỉa khác trên thị trường trong thời điểm đó là vừa cắt tỉa cành vừa thu hoạch trái cây. Chiếc kéo gọn nhẹ nhưng có thể vừa cắt, vừa kẹp chặt trái cây, giúp trái còn tươi nguyên, rất được nhà vườn ưa chuộng.

Sản phẩm kéo cắt tỉa đa năng này đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận sản phẩm độc quyền, xây dựng thương hiệu Việt và đạt giải B Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang năm 2003. Năm 2011, chiếc kéo đa năng của ông Lê Phước Lộc tiếp tục đạt giải Ba Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật Nhà nông toàn quốc lần thứ IV do Hội Nông nông Việt Nam tổ chức.

Những chiếc kéo cắt tỉa cành đã thành phẩm để cung ứng cho khách hàng. (Ảnh: Nhật Trường).

Phát huy thành quả ban đầu, ông Lê Phước Lộc tiếp tục nghiên cứu sáng chế ra sản phẩm “Cần bao trái cây” toàn thân bằng thép. Đây là dụng cụ rất tiện lợi giúp nhà vườn bọc trái cây mà không phải trèo lên cao như trước đây vừa mất thời gian và kém an toàn.

Năm 2006, sản phẩm này đạt giải C Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VI và đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật Nhà nông toàn quốc. Ngoài ra, ông Lê Phước Lộc còn sáng chế ra péc phun tự động, máy dập lỗ màng phủ nông nghiệp. Đặc biệt, máy dập màng phủ nông nghiệp do ông sáng chế đã đạt giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XI vào năm 2013.

Trong số các sản phẩm do ông sáng chế, có 3 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp gồm: Kéo cắt tỉa, péc phun và cần bao trái.

Do tiện lợi và dễ sử dụng, phù hợp với nghề làm vườn nên các nông cụ của ông Lộc sản xuất được nhiều nông dân đón nhận. Tùy theo loại, kích cỡ mà mỗi dụng cụ ông bán ra chỉ vài trăm ngàn đồng. Mỗi năm, ông sản xuất hơn 16.000 sản phẩm các loại để cung cấp cho thị trường xa gần. Ở thời điểm này, xưởng cơ khí của ông hoạt động liên tục để phục vụ cho các đơn đặt hàng.

Kéo đa năng thu hoạch trái dừa. (Ảnh: Nhật Trường).

Ông Nguyễn Văn Minh, một nhà vườn ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có sử dụng các sản phẩm do ông Lê Phước Lộc tạo ra chia sẻ, sản phẩm của ông Lộc làm ra rất hay, nhiều mẫu mã đẹp. Tôi sử dụng hơn 10 năm rồi, tiện lợi, hiệu quả lắm, giá hợp lý, rẻ. Chiếc kéo cắt tỉa giúp thu hoạch trái, cắt cành, tỉa các loại cây gì làm cũng được hết.

Không dừng lại ở những thành quả này, ông Lê Phước Lộc còn đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện và cho ra đời nhiều sản phẩm có giá trị khác.

Với những thành tích đã đạt được thời gian qua, ông Lê Phước Lộc vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bằng khen của Tỉnh ủy - UBND tỉnh Tiền Giang, danh hiệu “Bàn tay Vàng ngành Nông nghiệp Việt Nam”, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp toàn quốc nhiều năm liền. Đặc biệt, hiện nay, “kỹ sư không bằng cấp” Lê Phước Lộc tỉnh Tiền Giang đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/lao-nong-sang-che-nhieu-nong-cu-huu-ich-duoc-cap-bang-doc-quyen-800133.vov