Lão nông 'siêu' bán chuối khiến cả hội nghị xuất khẩu nông sản sững sờ

Lão nông Võ Quan Huy từng làm một hội nghị xuất khẩu nông sản sững sờ khi giới thiệu doanh số bán chuối nhà trồng lên đến 3 triệu USD

Đó là doanh số xuất khẩu chuối năm 2018 chỉ tính riêng thị trường Trung Quốc của Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (Long An), một công ty gia đình chuyên về nông nghiệp do ông Huy làm giám đốc.

Ngoài thị trường Trung Quốc, sản phẩm của công ty còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và cung cấp nội địa. Tất cả chuối đều được thu hoạch từ trang trại của công ty nên ông gọi đó là chuối "nhà trồng" theo kiểu của một nông dân.

Lấy niềm tin từ thùng hàng lỗi

Ông Huy thường được gọi là Út Huy đã có hơn 40 năm làm nông nghiệp với diện tích đất lên đến khoảng 1.000 ha thuộc nhiều tỉnh phía Nam. Sau hơn 20 lần thay đổi cây con, đến nay gia đình ông chọn 4 sản phẩm chủ lực là: nuôi tôm, bò và trồng chuối, bưởi. Hiện ông đang từng bước xây dựng thương hiệu Fohla cho các sản phẩm của Huy Long An đến người tiêu dùng và bắt đầu liên kết với nông dân sản xuất thay vì tự làm toàn bộ như 40 năm qua.

Bưởi và chuối Fohla được giới thiệu tại một hội chợ ở TP HCM

Bưởi và chuối Fohla được giới thiệu tại một hội chợ ở TP HCM

Chuyện xây dựng thương hiệu nông sản Huy Long An bắt đầu từ chuyện xuất khẩu thành công và ổn định sản lượng sang thị trường khó tính thuộc dạng khó nhất thế giới là Nhật Bản. Có duyên làm việc với người Nhật do con tôm. Khi ấy ông tiếp đoàn khách Nhật mua tôm thay nhà máy chế biến và hiểu cách làm việc cũng như văn hóa người Nhật. Đoàn khách nhìn thấy đàn bò quy mô hàng ngàn con tại trang trại của ông với nguồn phân bò dồi dào rất thích hợp cho cây chuối. Từ đó, ông phát triển thêm vườn chuối quy mô đến 100 ha bán cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,…

Làm ăn với Nhật Bản, ông Huy nhớ mãi kỷ niệm về một container chuối bị khách phản ánh về chất lượng. "Buổi sáng khi nhận hàng họ khui 20 thùng ra kiểm tra thì phát hiện 1 thùng có vỏ chuối bị nám đen. Họ liền phản hồi bằng hình ảnh cho mình. Tôi cho công ty họp gấp để tìm nguyên nhân thì phát hiện khi thu hoạch, công nhân kéo hàng vào sót nên buồng chuối này bị phơi nắng dẫn đến hiện tượng trên. Tôi liền nhờ họ kiểm tra kỹ và giữ lại lô hàng, tôi sẽ bay sang để làm việc trực tiếp với họ. Khi ấy tôi có sẵn visa nên mua vé và bay qua Nhật gặp họ ngay trong vòng 24 giờ dù khi đó họ cập nhật là không phát hiện thêm thùng hàng nào bị lỗi. Khi tôi đến sân bay, họ đón tôi với thái độ rất trọng thị. Vì vậy, chuyến đi Nhật đột xuất dù tốn kém nhưng không hề lãng phí vì để chứng minh mình chịu trách nhiệm với sản phẩm và khiến đối tác tôn trọng, tin tưởng" – ông Huy kể.

Cũng từ bạn hàng Nhật mua chuối, ông Huy có cơ duyên hợp tác tiếp với một đối tác Nhật để nhận chuyển giao công nghệ nuôi bò Nhật (bò Wagyu), tạo ra một bước ngoặc mới cho gia đình làm nông nghiệp có bề dày truyền thống này.

Ông Huy (tóc bạc, bìa phải) có nhiều cơ duyên hợp tác với người Nhật

Bí quyết làm nông thành công

Trả lời thắc mắc của phóng viên về việc vì sao bây giờ lại tính chuyện liên kết với nông dân ông Huy trả lời đơn giản: "Đó là xu thế thì mình phải theo nếu muốn tiếp tục phát triển, không bị tụt hậu!". Nơi ông Huy chọn liên kết đầu tiên là vùng Trảng Bom (Đồng Nai), nơi có truyền thống trồng chuối lâu đời. "Nông dân ở đây có bề dày kinh nghiệm còn Huy Long An có thế mạnh về thị trường. Chúng tôi đưa quy trình xuống họ, giúp họ sửa nhanh những lỗi trong canh tác trước giờ để đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của công ty. Hiện tại chúng tôi liên kết với từng hộ, diện tích được khoảng 50 ha và cố gắng thành công trong vụ đầu để tiến tới mở HTX." – ông Huy nêu dự định phát triển thêm vùng chuối nguyên liệu ngoài sản phẩm "nhà trồng".

Cũng theo ông Huy, bây giờ nếu nông dân nhỏ lẻ tiếp tục làm một mình rất khó sống sót, họ cần phải liên kết sản xuất lớn, tạo ra một lượng hàng hóa đủ lớn về số lượng và đồng nhất về mẫu mã thì mới bán được.

Làm nông nghiệp hơn 40 năm và gầy dựng được cơ ngơi nhiều người mơ ước nhưng ông Huy nhìn nhận đời làm nông của mình chưa từng có giai đoạn nào lãi khủng mà đều phải qua tích góp từ từ khi thuận mùa, được giá. "Đó là đặc trưng của nông nghiệp, không như bất động sản hay chứng khoán, chỉ cần gặp thời 3 năm là phất lên thành đại gia" – ông Huy thẳng thắn.

24 giờ nhận được giấy phép

Không chỉ tập trung sản xuất, bán hàng, ông Huy còn rất cởi mở trong việc chia sẻ kinh nghiệm với những nông dân khác. Tại một cuộc họp diễn ra cuối năm 2018, khi nghe giám đốc một HTX hồ tiêu ở Đồng Nai than khó về việc không thể nhập khẩu phân gà hữu cơ từ châu Âu để sản xuất vì thủ tục quá phức tạp, ông Huy không ngần ngại nói rằng: "Tôi cũng từng bị y chang!". "Nhưng rồi tôi đã có được giấy phép nhập khẩu trong vòng 24 giờ sau khi gặp ông Hoàng Trung (Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, phụ trách cấp phép nhập khẩu phân bón) trong một sự kiện và trình bày sự việc. Trường hợp của tôi và anh là nhập về sản xuất trực tiếp, họ cho thực nghiệm tại chỗ, không phải làm các thủ tục như các nhà nhập khẩu với mục đích thương mại." – ông Huy chia sẻ.

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/lao-nong-sieu-ban-chuoi-khien-ca-hoi-nghi-xuat-khau-nong-san-sung-so-20190211070833592.htm