Lào sắp tham vấn thủy điện Luang Prabang: Không cản, nhưng...

Việc yêu cầu Lào dừng xây thủy điện là không thể, việc Việt Nam phải làm là đưa ra các đề xuất để giảm thiểu rủi ro cho Việt Nam.

Không thể cứ yêu cầu Lào dừng xây thủy điện

Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) mới đây dẫn thông tin từ Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết, ngày 31/7, Chính phủ Lào đã đệ trình bản mô tả chi tiết về dự án đập thủy điện Luang Prabang để chuẩn bị tham vấn.

Hiện nay, trên dòng chính sông Mekong ở Lào, 2 đập thủy điện đã và đang xây dựng là Xayaburi và Don Sahong. Thủy điện Luang Prabang có công suất 1.410 MW nằm cách thị trấn Luang Prabang của Lào 30 km.

Trước thông tin trên, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho hay, việc yêu cầu Lào dừng xây dựng thủy điện trên sông Mekong là không thể bởi quốc gia chỉ có rừng và nước này cần có nguồn sống. Điều Việt Nam có thể làm là đưa ra các đề xuất để trong quá trình nước bạn vận hành và khai thác công trình sẽ giảm thiểu được các rủi ro cho Việt Nam, cụ thể là cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Điều đáng buồn ở chỗ, ở điểm này Việt Nam lại yếu. "Bao nhiêu năm Việt Nam đã hưởng lợi từ sông Mekong, đã xuất khẩu hàng tỷ USD lúa gạo từ ĐBSCL, còn Lào được gì? Chúng ta không thể chỉ có ý nghĩ thiển cận là yêu cầu Lào dừng xây thủy điện. Nhưng nếu bạn xây, ta lại chưa biết đề xuất, kiến nghị với bạn cái gì", GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

Tự nhận mình không phải là chuyên gia về Đồng bằng sông Cửu Long song GS Hồng tin tưởng ông có những hiểu biết nhất định về khu vực này. Những vấn đề ĐBSCL phải gánh chịu khi các nước xây dựng thủy điện trên sông Mekong đã rõ, trong đó nổi bật là các vấn đề về lũ và phù sa.

Về lũ, theo vị chuyên gia, trong mùa lũ các thủy điện đều mở và vấn đề ấy không đáng ngại trừ khi xảy ra sự cố, các nước mở dồn dập thì ĐBSCL sẽ gặp nguy hiểm. Đây chính là điểm mà Việt Nam cần đề nghị với nước bạn.

Chẳng hạn, Việt Nam phải đề nghị khi Lào mở cửa xả lũ cấp tập thì thông báo trước cho phía Việt Nam bao nhiêu tiếng đồng hồ để ta có thời gian chuẩn bị, tính toán được mực nước mỗi khu vực lên bao nhiêu, từ đó cảnh báo cho người dân.

"Ta phải biết chỗ nào sẽ bị ngập khi bạn thông báo xả lũ, nơi nào ngập nhiều thì phải chạy lũ", ông nhấn mạnh.

Đoạn sông Mekong chảy qua Luang Prabang, Lào. Ảnh: MRC.

Đoạn sông Mekong chảy qua Luang Prabang, Lào. Ảnh: MRC.

Về nguồn lợi phù sa, trong phù sa không chỉ có các chất phù du mà còn có cát, sỏi, đá. Chất phù du trôi nổi, chảy theo nước nên ĐBSCL vẫn lấy được để cấy lúa, trồng cây ăn trái, đồng thời phát triển thủy sản. Nhưng quan trọng hơn, nếu phía trên dòng Mekong làm thủy điện thì toàn bộ cát, sỏi, đá bị giữ lại, trong khi đó là những thứ ĐBSCL rất cần để được bồi tích tiếp.

"Chúng ta cần cát sỏi để nuôi dưỡng cho lòng sông Mekong ở phía Việt Nam không bị phá ra. Khi dòng sông không có cát sỏi đi theo, nó sẽ ngoạm bờ để lấy cát sỏi đi.

Hiện nay Hà Lan công bố ĐBSCL bị sụt lún, chỉ còn cao hơn mực nước biển 0,8m, đó là vì cái "chân" của đồng bằng đã mất hết do ta quy hoạch dân cư không có tổ chức.

Ở ĐBSCL lâu nay có 2 vùng chứa nước lũ là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Thế nhưng, người ta bất chấp quy luật, bê tông hóa, xây dựng hết nhà cửa, đường sá, và các vùng đó không còn chứa lũ nữa.

Trong chiến lược phát triển bền vững ĐBSCL, Thủ tướng đã chỉ đạo phải quy hoạch lại khu dân cư và đó là một chỉ đạo đúng đắn, phải đưa được phù sa, chất di đẩy, cát sỏi ra được biển. Trước đây, sông Mekong chảy vào Việt Nam thành hai sông Tiền, sông Hậu rồi đổ ra biển qua 9 cửa, nhưng ngày nay, nhiều cửa đã không còn ra được nữa.

Chính vì thế, Việt Nam cần đề nghị với Lào mỗi năm phải có 2 lần xả đáy, tức thủy điện phải làm cống xả đáy giống như thủy điện Hòa Bình có 8 cửa, để xả hết cát, sỏi, chất phù du xuống ĐBSCL", GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.

Trữ nước cho mùa kiệt

Tái khẳng định Việt Nam không thể đề nghị các nước vùng Mekong dừng xây thủy điện, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam phải chuyển chiến lược sản xuất nông nghiệp và tích nước cho mùa kiệt.

GS.TS Vũ Trọng Hồng nhắc lại hướng canh tác phổ biến ở châu Phi là canh tác theo mùa mưa. Châu Phi không có nguồn lợi như ĐBSCL họ áp dụng lối canh tác này và theo đó, việc trữ nước vô cùng quan trọng.

Luật Thủy lợi (có hiệu lực từ ngày 1/7/2018) cũng đã nhắc nhiệm vụ đầu tiên là phải trữ nước, sau đó mới chuyển nước, cấp nước và thoát nước. Thế nhưng, ý định xây dựng nhiều công trình lớn ở ĐBSCL như cơ quan chức năng đưa ra trong thời gian qua, theo GS Hồng, là sai lầm bởi như vậy là vô cùng mạo hiểm.

Ông dẫn ví dụ, nền đất ở ĐBSCL là nền đất yếu, nếu xây dựng hồ lớn, kè để chứa nước thì vùng đất quanh khu vực đó sẽ bị sụt lún.

"Phải xem lại chiến lược trữ nước và chiến lược canh tác. Chúng ta phải tận dụng những gì ĐBSCL đã có vì những cái ấy đã ổn định hàng mấy trăm nay qua. ĐBSCL có hàng ngàn kênh rạch, nhiều kênh đã chết thì phải khơi thông nó để có nơi chứa nước.

Bến Tre là một điển hình của địa phương phải khốn khổ vì nước mặn. Họ mở rộng các con kênh để trữ nước, kết hợp làm giao thông thủy.

Trong khi đó, hiện nay nhiều tỉnh có sẵn mưa, sẵn nước lại không nghĩ đến trữ nước, chưa gì đã tháo cạn. Khẩu hiệu canh tác tiết kiệm nước đối với ĐBSCL là không phù hợp. Phải trữ nước theo kiểu tưới sâu, tưới ngập để giữ nước đó, đến mùa khô thì đất không bị nứt nẻ", GS.TS Vũ Trọng Hồng chỉ rõ.

Một điểm khác, vị chuyên gia không tán thành với quan điểm cho rằng, nước mặn cũng là một nguồn lợi nên không cần ngăn mặn. Tuy nhiên, ông khẳng định, cá, tôm thả trong nước mặn quá cũng sẽ chết và nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng phải làm đê bao ngăn mặn.

GS Hồng nhắc lại bài học của Thái Lan - Nhà vua quá cố Bhumibol Adulyadej lúc sinh thời đã nghĩ ra hệ thống trữ nước cho các vùng miền ở Thái Lan vào lúc khô hạn.

Theo đó, người Thái đào kênh dẫn nước trực tiếp từ sông Mekong, đến một vị trí thích hợp họ đào rộng ra (hoặc kết hợp với một ao hồ tự nhiên có sẵn), gọi là các má khỉ, để giữ nước lại. Cứ thế, họ đào tiếp đường dẫn nước đến một khu vực khác và xây hồ thứ hai, ở mỗi đường nước ra vào đều có cửa đập chặn lại để điều tiết khi cần thiết. Toàn bộ hệ thống đó tạo nên một chùm hồ, nhìn giống như giàn bí ở trên sông.

''Việt Nam đã có những đoàn công tác sang Thái Lan học tập kinh nghiệm, những người trở về đều ca ngợi cách làm ấy nhưng rồi cuối cùng chúng lại được cất vào trong cặp", GS.TS Vũ Trọng Hồng trăn trở.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/lao-sap-tham-van-thuy-dien-luang-prabang-khong-can-nhung-3389375/