Lão Xuân Vũ giàu thật!

Bạn già gửi cho cuốn tiểu thuyết Tơ Vò viết về cái thời ghế thì ít, đít thì nhiều tranh giành một suất làm đầy tớ của dân với nhiều thủ đoạn bẩn thỉu, đê tiện

Đọc qua một lần hỏi lão: Sao kinh thế ?

Lão bảo : Chưa là gì đâu chú ạ , mới chỉ là phần nổi của tảng băng ở một tỉnh thôi , viết cho tường tận thì còn khốn nạn hơn nhiều !

Lão vốn học khoa sử khóa 13 cùng trường ĐHTH Hà Nội xưa, từng "cai quản" cả 63 phân xã của TTXVN - Ngân hàng tin tức lớn nhất của cái nước Nam này. Thảo nào lão biết tường tận mọi thâm cung bí sử do các đàn em ở các phân xã sống đứng chân trên địa bàn các tỉnh nhiều khi phải vờ câm điếc để được yên thân không dám đả động nhưng bệnh nghề nghiệp ấm ức khó chịu nên đem mạ non về kho của lão mong có ngày được cấy xuống cánh đồng chữ nghĩa không bị phí của giời vì hư cấu kiểu gì cũng không bao giờ quý bằng những chất liệu thực tế sống động . Có lẽ do học sử nên tư duy phát hiện các vấn đề xã hội của lão nhanh hơn cánh khoa Văn chăng?

Một ngày đẹp trời lão mở kho bỗng dưng thấy không thể không dùng đến đống của cải mà các em lâu nay tin tưởng gửi về và lão làm liền một mạch cuốn tiểu thuyết đầu tay hơn 400 trang mà trước đó lão chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể làm được. Và chỉ một cuốn này lão đã có thể bước lên văn đàn để trình làng một dạng tiểu thuyết thế sự với một tư cách nhập thế hết mình của kẻ sỹ

Thời gian sẽ minh chứng cho sức sống lâu bền của tác phẩm này hay không nhưng sức hút của nó thì không ai chối cãi. Nhiều tầng lớp bạn đọc: Quan chức có , trí thức có, người lao động có , thậm chí cả nông dân vốn ít quan tâm đến văn chương chữ nghĩa cũng tìm đọc rồi bàn luận về những nội dung mà tiểu thuyết của lão đặt ra.

Thị trường sách photocoppy bỗng sôi động, các thợ pho to nắm bắt nhu cầu thị trường in cháy máy bán với giá 70.000đ / cuốn rẻ hơn sách xịn 150.000đ hơn một nửa mà chữ nghĩa vẫn rõ ràng rành mạch. Lượng sách pho to có khi gấp mấy lần lượng lão phát hành

Thì ra người ta quan tâm nhiều đến nội dung chứ việc đọc sách photocoppy chỉ là chuyện nhỏ.

Sách của lão viết những chuyện đời thường mà hút bạn đọc khủng khiếp khiến mình phải nghĩ hình như chưa đánh giá đúng cuốn này khi cứ đòi hỏi nó phải thỏa mãn những thuộc tính của tiểu thuyết khi mà đời sống xã hội thì sôi động từng ngày thì những chuẩn mực liệu có lạc hậu?

Đây chính là nguyên lý chính nội dung hiện thực sẽ đẻ ra hình thức biểu hiện của tác phẩm. Tiểu thuyết của lão là một dạng như vậy.

Văn trong tiểu thuyết của lão cứ xù xì gai góc, cứ hồn nhiên mà lại như lột truồng những ung nhọt đang phát tác trên cơ thể con bệnh đã ở giai đoạn cuối để đưa ra lời khuyên can nên đi chữa trị đừng để đến lúc phải dùng đến lục bản mộc nhị lạng đinh.

Mừng cho lão lần đầu lấn sân tiểu thuyết đã có sách bán chạy như tôm tươi, hôm qua lão bảo bạn đọc nhiều tỉnh, thành gọi về hỏi mua sách mà 1000 cuốn in loạt đầu đã nhẵn , muốn tặng bạn bè cũng không có.

Mình bảo lão có khi bọn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ở cấp cơ sở nó muốn mua tiểu thuyết của lão về làm giáo trình để học lấy những thủ đoạn của các bậc tiền bối cha anh nó trong tranh giành quyền lực để có được những chiêu trò tinh vi hơn, xảo quyệt hơn đấy , lão đừng tái bản nữa ...

- Lão giật mình hỏi lại: Liệu có thật không ?

- Không loại trừ đâu lão ạ! Vì gần đây vẫn thủ đoạn đơn thư nặc danh tố cáo lãnh đạo cơ sở ở sông Cà Bé cấp tập gửi đến UBKT tỉnh ủy, khiến UBKT không thể làm ngơ phải tiến hành kiểm tra. Cái thằng đi kiểm tra lại là bạn " giường chiếu " với cái đứa sản xuất đơn thư nặc danh (vốn là con cháu của "vua con" ở cái huyện Sông Cà Bé cài cắm lại) phát tán trên internet đến các cơ quan thì làm gì mà không làm nát địa phương. Cứ đà này thì cán bộ ở đây có được vạ thì má cũng đã sưng, còn tâm trí đâu để làm việc nữa, kinh tế không thể phát triển, nội bộ nghi kỵ lẫn nhau, dân tình lại mất nhờ thôi ?

- Lão hỏi thế thì phải làm thế nào?

- Ôi lão! Lão hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai? Làm sao mà xử lý được cái đám lúc nhúc tham lam vô sỉ nhìn đâu cũng thấy này. Một khi nó liên kết với nhau thì mấy mà không đục ruỗng đất nước này. Trung ương có ba đầu sáu tay cũng chịu thôi thì lão cứ viết tiếp đề tài này đi, ít nhất các cơ quan chức năng sẽ nhân được lời dự báo, cảnh báo chân tình của lão để sớm vào cuộc chẩn bệnh bắt mạch , kê đơn, bốc thuốc ...

Kém lão gần chục tuổi vừa được lão quý như đàn em vừa xem như bạn, thấy lão đang hì hục hoàn thiện cuốn thứ 2 vẫn đề tài này mình mới thấy sức viết của lão kinh thật. Đúng là "gừng càng già càng cay" mà cái "kho của cải " lão thu gom bấy lâu ngồn ngộn thế dùng bao giờ cho hết. Lão lại bảo :

Ngoài cái kho đang có sẵn chính người đọc lại chia sẻ cho lão nhiều tư liệu quý và mong lão viết nhiều hơn thế!

- Sao lão lại được lòng dân thế nhỉ? Tiếc là lão có tuổi rồi, chứ lão mà còn sung sức thì mình khó mà theo kịp.

Lão này đúng là giàu thật! Chắc không phải riêng mình mà làng báo nhiều người cũng có thêm động lực để làm được nhiều việc có ích cho đời như lão.

Hà Tuấn Ngọc |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lao-xuan-vu-giau-that-64762