Lắp camera xe kinh doanh vận tải, truyền dữ liệu thế nào?

Tổng cục Đường bộ bác đề xuất lùi thời hạn xử phạt vi phạm lắp camera trên xe kinh doanh vận tải. Việc thực hiện sẽ được triển khai thế nào?

Theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trước ngày 1/7/2021, xe chở khách trên 9 chỗ, xe đầu kéo bắt buộc phải lắp camera

Nhiều lợi ích khi có camera giám sát

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc lắp camera cũng giống như lắp thiết bị giám sát hành trình trước đây.

Từ thực tiễn đã có nhiều doanh nghiệp lắp và sử dụng hiệu quả trong quản lý doanh nghiệp, đảm bảo ATGT, niềm tin, uy tín với khách hàng. Bản chất camera chính là một loại thiết bị giám sát hành trình, chỉ khác là camera cung cấp dữ liệu hình ảnh, giám sát được trạng thái của lái xe như nghe điện thoại, mất tập trung và các hành vi mất ATGT khác.

“Chúng ta hay nói nguyên nhân TNGT do thiếu tập trung chiếm tỷ lệ lớn, nhưng chưa chứng minh được tỷ lệ cụ thể là bao nhiêu. Dữ liệu từ camera giám sát sẽ giúp thu thập và phần mềm sẽ phân tích hay có người trực cảnh báo, điều chỉnh lái xe sử dụng điện thoại, góp phần giảm TNGT”, ông Hùng nói.

Theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trước ngày 1/7/2021, xe chở khách trên 9 chỗ và xe đầu kéo bắt buộc phải lắp camera. Dữ liệu hình ảnh này được cung cấp cho cơ quan công an, TTGT và cơ quan cấp giấy phép để bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, không phải đến năm 2020, khi Nghị định số 10 có hiệu lực, cách đây 3 năm, Công ty CP Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) đã đầu tư triển khai lắp camera trên hơn 50 xe khách và đang quản lý hiệu quả hệ thống nội bộ của doanh nghiệp.

“Camera giám sát không chỉ giúp cán bộ điều hành của doanh nghiệp theo dõi thái độ phục vụ của nhân viên đối với hành khách trên xe, mà còn là công cụ cung cấp thông tin điều tra trong trường hợp hành khách bị mất đồ”, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cho hay.

Theo ông Hải, hiện quy chuẩn hợp quy của camera giám sát chưa được quy định rõ nên đơn chưa biết có được tiếp tục sử dụng camera hiện đã lắp hay phải lắp mới. Nếu camera đang sử dụng không tương thích với hệ thống máy chủ của Tổng cục Đường bộ VN mà phải lắp mới thì lãng phí.

“Hệ thống dữ liệu camera 200.000 xe toàn quốc truyền theo file hình ảnh rất nặng về cổng kết nối của Tổng cục Đường bộ VN, chưa rõ địa chỉ IP của hệ thống để truyền, hệ thống phần mềm thế nào, liệu có nghẽn mạng?”, ông Hải nói và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm đưa ra quy chuẩn như loại thiết bị, tính bảo mật, chất lượng hình ảnh để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách đều băn khoăn trong việc lựa chọn thiết bị, do chưa có quy chuẩn.

Cuối tháng 5/2021, trung tâm dữ liệu sẽ hoạt động

Là đơn vị cung cấp thiết bị, ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty CP Công nghệ trực tuyến SkySoft cho rằng, dung lượng của hình ảnh camera lớn gấp nhiều lần dữ liệu giám sát hành trình.

Vì vậy, ông Giang băn khoăn khi chưa rõ thời điểm chính thức hệ thống tiếp nhận dữ liệu của Tổng cục Đường bộ VN đi vào hoạt động để doanh nghiệp truyền dữ liệu. “Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm có đảm bảo tiếp nhận dữ liệu?’, ông Giang băn khoăn.

Lý giải điều này, ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, trên cơ sở hệ thống dữ liệu đang có, Tổng cục Đường bộ VN đang phối hợp với các đơn vị công nghệ hỗ trợ kỹ thuật xây dựng hệ thống tiếp nhận dữ liệu và đã dự thảo giao thức truyền dữ liệu. Dự kiến cuối tháng 5/2021 sẽ đưa trung tâm dữ liệu đi vào hoạt động và công bố rộng rãi để doanh nghiệp truyền dữ liệu.

Trả lời về loại thiết bị nào đơn vị có thể lựa chọn đảm bảo truyền dẫn dữ liệu, ông Thủy cho biết, khi hệ thống đi vào hoạt động sẽ có mã định danh của camera đã đăng ký với Tổng cục Đường bộ VN để truyền dữ liệu hình ảnh.

“Để đối soát dữ liệu và kiểm soát được nguồn phát dữ liệu từ đâu, từ loại thiết bị nào sẽ quy định mã chủng loại thiết bị camera (ID camera) của đơn vị cung cấp thiết bị ra thị trường và đăng ký với Tổng cục Đường bộ VN sẽ truyền dữ liệu bằng mã này. Để thực hiện quy trình truyền dữ liệu, các đơn vị đăng ký mã này để truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ VN theo dõi và giám sát dữ liệu truyền”, ông Thủy cho biết.

Lý giải về vì sao phải có ID camera ông Thủy cho rằng, rút kinh nghiệm từ thiết bị giám sát hành trình, khi nhận được dữ liệu, cơ quan quản lý không kiểm soát được dữ liệu thuộc thiết bị nào, đã được hợp chuẩn hay chưa.

Mã này cũng truy xuất nhanh được nguồn gốc thiết bị và các vấn đề khác có liên quan khi gặp sự cố, nhất là điều tra về TNGT. Đây cũng là cơ sở để Tổng cục thông báo cho doanh nghiệp các mã đã truyền thành công dữ liệu.

Về chuẩn hình ảnh, giao thức truyền dữ liệu dự thảo đã có quy định về chuẩn hình ảnh, dung lượng của ảnh. Tất cả ảnh gửi về hệ thống sẽ tính toán, kiểm soát theo chuẩn này. Chất lượng hình ảnh, kỹ thuật truyền, các giải pháp truyền hình ảnh, định dạng, giao thức truyền đang được Tổng cục Đường bộ VN hoàn thiện trong hệ thống.

Không có quy chuẩn chung cho camera

Liên quan đến quy chuẩn của camera được lắp đặt, ông Đỗ Công Thủy cho biết, khác với thiết bị giám sát hành trình, camera sẽ không có quy chuẩn bởi thiết bị này đã theo chuẩn quốc tế.

“Tổng cục Đường bộ VN chỉ yêu cầu chuẩn đầu ra đảm bảo giảm chi phí thấp nhất cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp vận tải truyền hình ảnh chuẩn theo đầu ra này sẽ tiếp nhận dữ liệu và xác nhận. Nếu quy định chuẩn camera riêng cho Việt Nam sẽ không phù hợp với chuẩn camera phát triển theo ngày của thị trường quốc tế”, ông Thủy nói và cho biết, quá trình triển khai Tổng cục sẽ có hướng dẫn cụ thể để kiểm soát thiết bị camera, chất lượng hình ảnh, yêu cầu về mặt kỹ thuật của camera lắp trên xe.

Đồng tình với việc này, ông Hà Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Thiết bị điện tử Bách Khoa cho rằng, không nhất thiết phải yêu cầu một loại camera cố định, kiểm soát như vậy sẽ khó khăn khi công nghệ thay đổi hàng ngày.

Đề cập đến giao thức truyền và xử lý dữ liệu camera, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm camera cung cấp ra thị trường nên sau khi lấy ý kiến, Tổng cục Đường bộ VN sẽ ban hành giao thức truyền dữ liệu vào cuối tháng này.

“Nguồn kinh phí đầu tư có hạn, trong khi nhu cầu truy cập vào hệ thống rất lớn, Tổng cục đang nỗ lực làm sao cho hệ thống hoạt động ổn định, tránh tắc nghẽn hệ thống”, bà Hiền nói.

TS. Phan Lê Bình, Chuyên gia JICA:
Cơ sở xác định trách nhiệm sau tai nạn

Quy định lắp đặt camera giám sát trên phương tiện vận tải khách khi được triển khai sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi hành trình của xe, là cơ sở phát hiện, xử lý kịp thời trường hợp nhà xe bắt khách dọc đường, không đúng điểm dừng, đỗ quy định gây mất ATGT. Camera cũng là công cụ giám sát hữu hiệu trong việc chấp hành quy định pháp luật ATGT đối với lái xe.

Đối với công tác điều tra sau mỗi sự cố giao thông, dữ liệu từ camera được lắp đặt trên xe sẽ là những hình ảnh trực quan giúp lực lượng chức năng theo dõi được diễn biến trên xe trước khi xảy ra tai nạn. Hình ảnh ghi nhận bởi camera cộng với các thông tin thu thập trên thiết bị giám sát hành trình sẽ giúp cơ quan chuyên trách có cơ sở phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm của các bên liên quan.

Sau 1/7, không lắp camera bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính quy định rõ các hình thức xử phạt vi phạm về thiết bị GSHT đối với lái xe và doanh nghiệp.

Đối với lái xe, Nghị định quy định xử phạt 1 - 2 triệu đồng hành vi điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.

Đối với doanh nghiệp, phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định; Không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung buộc phải lắp đặt camera trên xe theo đúng quy định; cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị camera lắp trên xe ô tô theo quy định.

Trần Duy - Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lap-camera-xe-kinh-doanh-van-tai-truyen-du-lieu-the-nao-d506756.html