Lập chốt trực 24/24 giờ tại các điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm

Theo ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội, thành phố hiện có 5.792 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện phát sinh tệ nạn xã hội, nhiều khu vực có biểu hiện hoạt động mại dâm.

Chiều 27-11, tại hội nghị giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Chi cục Trưởng Chi cục Phòng chống tệ xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) Phùng Quang Thức đã báo cáo tình hình công tác phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố năm 2018.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, thành phố Hà Nội có 5.792 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Trong đó có 3.539 cơ sở lưu trú, 1.121 cơ sở karaoke, 836 cơ sở xoa bóp, 2 vũ trường, 44 bar có sử dụng rượu mạnh, 111 cơ sở cà phê nhạy cảm…

Qua nắm bắt địa bàn, số điểm có biểu hiện hoạt động mại dâm trên địa bàn công cộng có 5 điểm: khu vực đường Hồng Hà – Phạm Ngũ Lão – Dốc Bắc Cổ (Hoàn Kiếm); phố Yesin – Vườn hoa Paster, Nguyễn Huy Tự, Trần Khánh Dư (quận Hai Bà Trưng); đường Giải Phóng – bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai); khu vực công viên Hòa Bình (Bắc Từ Liêm); đường Liễu Giai (quận Ba Đình).

Đối tượng nghi có hoạt động mại dâm tại các địa bàn này thường đứng chờ khách đến hỏi hoặc lưu động bằng phương tiện xe máy.

Số điểm nghi ngờ có hoạt động mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ hiện còn 10 khu vực: đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai; ngã ba Ba La gần trường Cao đẳng Thương Mại, quận Hà Đông; khu vực Chùa Tống La Dương, phường Dương Nội, quận Hà Đông, đường 70 Tân Triều, đường Kim Giang, huyện Thanh Trì; ngã ba Ngọc Hồi, xã Liên Ninh, Thanh Trì; đường Nguyễn Xiển, huyện Thanh Trì; khu vực đường 21, Đông Yên, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai; Khu vực cầu 72, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì; Khu vực đường 32 thuộc địa phận xã Đức Thượng, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức.

Hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh rất đa dạng, núp bóng dưới nhiều hình thức ở trong nhà nghỉ, tẩm quất thư giãn, massage, cà phê đèn mờ màu hồng... Hoạt động mại dâm tại các cơ sở này thường là hành vi kích dục hoặc chọn địa điểm thích hợp để mua bán dâm.

Đề cập đến tình hình tệ nạn xã hội và sử dụng ma túy, ông Phùng Quang Thức cho hay, tính đến ngày 15-11-2018, trên địa bàn thành phố có 13.402 người nghiện ma túy và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý; tăng 643 người so với cùng kỳ năm 2017. Các loại ma túy người nghiện sử dụng chủ yếu là heroin chiếm 69,2% và ma túy tổng hợp chiếm 28,3%.

Chỉ ra kết quả trong việc thực hiện phòng, chống mại dâm, cai nghiện và quản lý sau cai, Chi cục Trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội khẳng định, năm 2018, các sở, ngành, địa phương đã tích cực thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm; tổ chức tuần tra, kiểm soát, lập chốt trực 24/24 giờ tại các điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm.

Công an các cấp đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá 158 vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm, bắt giữ 672 đối tượng; xử lý hành chính và xử lý khác 514 đối tượng, xử lý hình sự 158 đối tượng.

Đội kiểm tra liên ngành 178 Thành phố đã tổ chức kiểm tra 48 cơ sở kinh doanh; xử phạt 15 cơ sở với số tiền 140,5 triệu đồng; đội kiểm tra liên ngành 178 quận, huyện, thị xã đã kiểm tra tại 1.112 cơ sở, xử phạt hành chính 173 cơ sở...

An Nhiên

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/lap-chot-truc-24-24-gio-tai-cac-diem-phuc-tap-ve-te-nan-mai-dam/791351.antd