Lập doanh nghiệp thao túng chứng khoán, cựu chủ tịch lĩnh án chung thân

Đây là vụ án thao túng giá chứng toán đầu tiên bị xét xử, hơn 1.000 nhà đầu tư bị lừa, thiệt hại 56 tỷ đồng.

Bị cáo Trần Hữu Tiệp bị tuyên án chung thân

Bị cáo Trần Hữu Tiệp bị tuyên án chung thân

Chiều 7/5, TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án liên quan đến hành vi thao túng giá chứng khoán tại Công ty cổ phần Mỏ và Xuất khẩu khoáng sản Miền Trung (MTM).

Án sơ thẩm được tuyên sau 5 ngày xét xử vụ “Thao túng giá chứng khoán”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức” và “Giả mạo trong công tác” do bị cáo Trần Hữu Tiệp (sinh năm 1983, nguyên Chủ tịch HĐQT MTM) cầm đầu cùng 14 đồng phạm khác.

Đây là lần đầu Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án về hành vi “Thao túng giá chứng khoán” khiến hơn 1.000 nhà đầu tư bị lừa, thiệt hại 56 tỷ đồng.

Theo đó, bị cáo Trần Hữu Tiệp, nguyên Chủ tịch MTM lĩnh án Chung thân. Các bị cáo khác nhận án từ 20 tháng tù treo đến 12 năm tù giam.

Theo kết luận giám định, có 1.064 người đứng tên sở hữu cổ phiếu MTM chịu thiệt hại số tiền 56 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua xác định, qua kiểm tra thực tế, số tiền các bị cáo chiếm đoạt của hơn 800 nhà đầu tư là 43 tỷ đồng. Việc chênh lệch 10 tỷ đồng là do có nhiều nhà đầu tư thua lỗ nhưng không yêu cầu bồi thường.

Một lỗ hổng được Hội đồng xét xử chỉ ra trong vụ án này là hành lang pháp lý của thị trường khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán chỉ có trách nhiệm kiểm tra về mặt thủ tục khi doanh nghiệp nộp hồ sơ xin niêm yết. Hồ sơ đáp ứng điều kiện sẽ được niêm yết. Các cán bộ thẩm định của Ủy ban và Sở đều không có trách nhiệm và không đủ điều kiện để thẩm định tính thật, giả của các hồ sơ này.
Do đó, trong vụ án này Công ty MTM không hoạt động, không có vốn nhưng vẫn có thể niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để giao dịch.

Hội đồng xét xử đã kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có biện pháp hữu hiệu hơn về hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư.

Trước đó, theo cáo trạng, tháng 9/2010, Nguyễn Văn Dĩnh (nguyên GĐ Công ty cổ phần Khoáng sản Nari Hamico) đã mua lại hồ sơ pháp lý MTM do Trần Hữu Tiệp là chủ tịch HĐQT với giá 3 tỷ đồng để sở hữu quyền khai thác mỏ chì kẽm đa kim loại tại Nghệ An.

Sau đó, ông Dĩnh chỉ đạo em gái và kế toán làm giả hồ sơ cho MTM đủ điều kiện được niêm yết trên sàn chứng khoán dù công ty này không có vốn, không hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong lúc đang chỉ đạo đăng ký niêm yết cổ phiếu MTM thì ngày 29/5/2015, Nguyễn Văn Dĩnh bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; trốn thuế…

Tuy nhiên, tháng 6-2015, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công (hiện đang bỏ trốn) đã thỏa thuận với Vũ Thị Hoa (vợ Dĩnh) để nhận hồ sơ pháp lý của MTM và tiếp tục làm thủ tục đăng ký giao dịch chứng khoán.

Theo cáo trạng, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công đã có hành vi gian dối như thay đổi cổ đông, thay đổi nhân sự chủ chốt, nhờ người làm giám đốc nhận ủy quyền giao dịch tài khoản, sở hữu một số cổ phiếu… dùng các tài liệu giả của MTM đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Các đối tượng còn chỉ đạo cấp dưới sử dụng 59 tài khoản giao dịch chứng khoán tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu MTM. Tính đến thời điểm vụ án bị phát hiện (tháng 6/2016), có 1.156 người đứng tên sở hữu cổ phiếu "ảo" của công ty này.

C.Sơn

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/lap-doanh-nghiep-thao-tung-chung-khoan-cuu-chu-tich-linh-an-chung-than-d420180.html