Lập hồ sơ khống chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng

TAND TP Hồ Chí Minh chuẩn bị đưa ra xét xử vụ án 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản', 'vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng' xảy ra tại chi nhánh một ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh với số tiền thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Vụ án có 5/7 bị can bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong đó có Đặng Phước An (55 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Vân An) và 2 bị cáo khác: Bùi Minh Hải (36 tuổi, nguyên Phó phòng Quan hệ khách hàng), Nguyễn Thanh Tiến (36 tuổi, nguyên cán bộ Phòng Quan hệ khách hàng chi nhánh một ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh) bị truy tố tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Theo cáo trạng, Công ty TNHH Vân An (trụ sở tại thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) do Đặng Phước An làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty có ngành nghề kinh doanh chế biến hạt điều, lương thực, thực phẩm các loại.

Tháng 3-2007, Công ty Vân An bắt đầu vay vốn tại chi nhánh một ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh và được cấp hạn mức tín dụng là 14 tỷ đồng.

Đến giữa năm 2008, do kinh doanh thua lỗ, công ty không còn khả năng tài chính để hoạt động, An phải vay tiền nhiều nơi để thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Theo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2008 của công ty nộp cho Cục Thuế tỉnh Bình Phước thì công ty lỗ trên 5,1 tỷ đồng nhưng thực lỗ của công ty lên tới 15 tỷ đồng. Lý do là trong báo cáo tài chính, An đã bỏ ra ngoài các khoản vay ngân hàng và nợ cá nhân như đã nêu trên.

Mặc dù kinh doanh thua lỗ, hoạt động cầm chừng, mất khả năng thanh toán nhưng để được tiếp tục vay tiền của ngân hàng để trả nợ, An đã lập khống báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh thể hiện trong năm 2008, công ty lãi hơn 189 triệu đồng và đưa vào hồ sơ vay vốn nộp cho ngân hàng để ngân hàng gia hạn và tăng mức tín dụng cho vay trong năm 2009.

Thời điểm này, công ty vẫn còn dư nợ tại ngân hàng trên 26,2 tỷ đồng, hàng hóa cầm cố theo hồ sơ vay 743 tấn điều thô và trên 458 tấn điều nhân trị giá 42,9 tỷ đồng.

Nhưng thực tế, tài sản Công ty Vân An chỉ có 771 tấn hạt điều khô trị giá khoảng 10 tỷ đồng cùng với các máy móc, thiết bị chế biến hạt điều đã qua sử dụng trị giá chỉ khoảng 1 tỷ đồng.

Ngày 29-2-2008, Nguyễn Văn Tuấn (chuyên viên khách hàng) và Bùi Tấn Thời (Trưởng phòng Kinh doanh của ngân hàng trên) đã thẩm định hồ sơ, lập tờ trình đề nghị ngân hàng cấp hạn mức ngắn hạn 45 tỷ đồng cho Công ty Vân An.

Căn cứ vào hồ sơ và tờ trình, bà Nguyễn Thị Tâm (phó Tổng giám đốc ngân hàng) đã phê duyệt, ký hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng cho Công ty Vân An với tổng giá trị hạn mức cấp là 45 tỷ đồng.

Mục đích cấp là bổ sung vốn lưu động thu mua hạt điều nguyên liệu và điều nhân, thời hạn cung cấp hạn mức là 12 tháng.

Trên cơ sở hạn mức tín dụng được cấp, Công ty Vân An đã lập hồ sơ, chứng từ vay vốn và được ngân hàng giải ngân gần 70 tỷ đồng và các khoản vay này đã được tất toán.

Ngày 14-3-2009, Nguyễn Thanh Tiến được giao thẩm định hồ sơ gia hạn mức tín dụng 45 tỷ đồng cho Công ty Vân An. Trong thời gian từ ngày 23-3-2009 đến ngày 31-3-2009, khi tiếp nhận hồ sơ, mặc dù không có hợp đồng đầu vào, bảng kê thu mua hàng hóa, số dư hàng tồn kho và nơi bảo quản hàng hóa trước thời điểm được giải ngân nhưng Tiến không yêu cầu công ty bổ sung các tài liệu này; không thực hiện việc kiểm tra sử dụng vốn của lần giải ngân trước đó, không kiểm tra thực tế tài sản đảm bảo nhưng vẫn ký tờ trình đề nghị gia hạn mức tín dụng và giải ngân cho Công ty Vân An.

Sau khi được ngân hàng gia hạn hạn mức tín dụng và thực hiện giải ngân, từ ngày 23-3-2009 đến 23-6-2009, An đã chỉ đạo nhân viên lập khống 9 hồ sơ vay vốn để được ngân hàng giải ngân 35,5 tỷ đồng qua khế ước nhận nợ nêu trên.

Để hợp thức hóa hồ sơ vay, An chỉ đạo cho Trương Thị Kim Thoa (kế toán Công ty Vân An) lập khống phiếu nhập kho, biên bản kiểm kê hàng gửi kho; Nguyễn Bảo Thoa (tổ trưởng sản xuất) ký vào mục “người giao hàng” và Lê Đình Cư (Tổ trưởng đóng gói) ký vào mục “người nhận”, rồi An ký xác nhận vào mục “thủ trưởng đơn vị” trên phiếu nhập kho.

An thỏa thuận với Đỗ Văn Dũng và Ngô Quang Cường (nhân viên bảo vệ của Công ty Bảo Long) ký vào các biên bản kiểm kê hàng gửi kho với tư cách là đại diện bên C, xác nhận số lượng hàng nhập khống.

Liên quan đến vụ án này, cơ quan công tố xác định, Bùi Minh Hải được giao phụ trách hồ sơ vay vốn của Công ty Vân An nhưng không thực hiện việc kiểm soát, thẩm định phương án kinh doanh, tài sản đảm bảo.

Hải là người ký tờ trình giải ngân, Công ty Vân An cam kết bổ sung tài sản đảm bảo nhưng sau đó An không thực hiện. Hải biết sự việc nhưng không đề nghị chấm dứt việc cho vay, tiến hành thu hồi nợ... gây thiệt hại cho ngân hàng.

A.Huy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phap-luat/lap-ho-so-khong-chiem-doat-hang-chuc-ty-dong-482609/