Lấp lánh vẻ đẹp con người

'Tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo'. Ernest Hemingway (1899 - 1961), nhà văn lừng danh của nước Mĩ từng đoạt giải Nobel văn học năm 1954 và Nguyễn Tuân (1910-1989), nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại, người nghệ sĩ suốt đời mải mê đi tìm cái đẹp lại gặp gỡ nhau tôn vinh vẻ đẹp con người bằng việc khắc họa họ trong cuộc chiến sống còn với thiên nhiên bạo liệt, cam go. Và từ đó, vẻ đẹp con người lấp lánh sau những trang văn đặc sắc.

Từ “Ông già và biển cả” trong tiểu thuyết Hê-minh-uê

Tên tuổi của Hemingway được nhân loại biết đến với những bộ tiểu thuyết dày dặn như: Mặt trời vẫn mọc (1926), Giã từ vũ khí (1929), Chuông nguyện hồn ai (1940)... Nhưng kì lạ, cuốn sách mỏng trên dưới một trăm trang, số lượng nhân vật ít ỏi Ông già và biển cả (1952) mới là điểm nhấn quan trọng đưa tên tuổi của ông trở thành huyền thoại với giải Nobel cao quý. Yếu tố giúp văn phẩm trở thành bất hủ bởi vì đây là “một áng văn xuôi đơn giản và trung thực về con người” mà nhà văn theo đuổi trong suốt một đời cầm bút. Sau phần nổi của ngôn từ là muôn vàn những lớp nghĩa chìm phong phú và sâu sắc.

Tác phẩm Ông già và biển cả kể lại hành trình ba ngày hai đêm ra khơi đánh cá của ông lão Santiago người Cuba. Giữa mênh mông trời biển, chỉ có một mình ông lão, khi chuyện trò với mây nước, chim cá, khi đuổi theo chinh phục con cá lớn, khi đương đầu với đàn cá mập đang xông vào xâu xé con cá kiếm của lão, để kết cục, khi vào bờ con cá chỉ còn trơ lại khung xương.

Kết thúc câu chuyện, ông lão Santiago lại trở về túp lều của mình, ngủ thiếp đi, mơ về những con sư tử và những chuyến ra khơi... Diễn biến câu chuyện đơn giản là vậy, cái tài của nhà văn là khắc họa vẻ đẹp nhân vật trong hai cuộc chiến khốc liệt với thiên nhiên: Trận chiến chinh phục con cá kiếm khổng lồ và đương đầu với đàn cá mập dữ tợn nhằm bảo vệ con cá kiếm. Trong hai cuộc chiến đó, thắng hay bại thì sự ngoan cường, trí dũng của lão ngư phủ vẫn đáng được trân trọng, tôn vinh.

Santiago, lão ngư phủ của khát vọng, đam mê và không bao giờ từ bỏ mục đích đời mình. Tám mươi tư ngày ra khơi trở về với thuyền không, cậu bé Manolin cha mẹ cho đi học việc cũng rời bỏ sau bốn mươi ngày đầu vì không thể theo lão già xúi quẩy. Ấy thế mà, ngày thứ tám, ông lão vẫn căng buồm ra khơi, lần này ông đi xa hơn, tận vùng Giếng Lớn. Thành quả đã đến với ông lão, con cá kiếm sức vóc, to khổng lồ đã cắn câu, nó kéo con thuyền nhỏ của ông đi xa hơn.

Thử thách xuất hiện, con mồi đã có nhưng làm thế nào để chinh phục? Có lẽ đoạn văn thích thú nhất trong thiên anh hùng ca về con người của Hemingway chính là miêu tả quá trình thu phục con cá kiếm của ông lão ngư dân. Đối thủ của ông lão Santiago không hề dễ chơi chút nào. Đó là một con cá rất lớn và đẹp “thân hình đồ sộ và những sọc màu tía trên mình, cánh vi trên lưng xếp lại, bộ vây to sụ bên sườn xòe rộng, “cái đuôi lớn hơn cả chiếc lưỡi hái lớn”.

Hơn thế, con cá còn đầy sức mạnh, kiêu hùng và bất khuất vô cùng. Những vòng bơi của con cá khiến ông lão “hoa mắt”, “chóng mặt”, “choáng váng”, “mồ hôi ướt đẫm, mệt thấu xương”. Hình như nhà văn rất dụng công miêu tả con cá kiếm bởi ông muốn nó phải là đối thủ ngang tài của ông lão, xứng đáng là con cá lớn mà ông ao ước chờ đợi.

Con cá ghê gớm nhưng ông lão Santiago cũng đầy mưu mẹo, khôn ngoan. Chỉ cần “nhìn độ nghiêng của sợi dây”, ông lão có thể biết con cá đang bơi tròn. Hay “từ độ chếch của sợi dây” lão có thể biết “con cá đang liên tục ngoi lên trong lúc bơi”. Và cũng dựa và độ căng chùng của sợi dây câu, ông lão biết mình phải làm gì, nới ra hay kéo vào là con cá kiệt sức không “khiến nó cuồng lên” vì đau đớn. Cuối cùng, khi con cá gần mạn thuyền, dứt khoát, quyết đoán và chính xác, ông lão đã phóng ngọn lao trúng tim con cá, khuất phục nó bằng sức mạnh tinh thần tuyệt vời của ông lão ngoài bảy mươi.

Quá trình theo đuổi, bắt con cá kiếm hùng dũng của người ngư phủ đã khẳng định một chân lí: Khát vọng, niềm tin cùng với sự khôn ngoan, tài trí đã giúp con người chiến thắng sức mạnh kì vĩ của thiên nhiên. Con cá kiếm bị chinh phục, ước mơ về một con cá đẹp nhất đời của ông lão Santiago thành hiện thực. Vậy là, ước mơ chẳng đưa ta đến đâu, cách thức biến ước mơ thành hiện thực mới đáng quý trọng hơn. Có lẽ, câu chuyện về ông lão ngư dân bền bỉ, kiên trì theo đuổi và thực hiện ước mơ của mình sẽ là một bài học quý giá cho tất cả mọi người trên hành trình nhọc nhằn theo đuổi ước mơ.

Sẽ thật tròn trịa nếu con cá kiếm được ông lão Santiago mang về bờ an toàn. Thế nhưng cuộc sống vốn chẳng bao giờ dễ dàng. Đạt được thành quả rất khó, gìn giữ thành quả gian nan hơn gấp bội. Sức hấp dẫn và sự gay cấn của câu chuyện tiếp tục được nhà văn thể hiện trong một cuộc chiến khác. Cuộc chiến bảo vệ con cá kiếm, thành quả đã đạt được sau ba ngày lênh đênh trên biển của ông lão. Khó khăn gấp bội phần! Bụng đói, miệng khát, cơ thể mệt rã rời, đau buốt, suy kiệt, ấy vậy mà lần này, kẻ thù của lão Santiago đông hơn gấp bội. Đàn cá mập đã đánh hơi mùi tanh của máu loang trên mặt biển, chúng kéo đến xâu xé thịt con cá kiếm.

Ông lão tiếp tục đương đầu với đàn cá dữ. Dường như, đây là một cuộc chiến không cân sức. Đàn cá thì đông, ông lão chỉ một mình, vũ khí chỉ là những bơi chèo. Thế nhưng, lão vẫn chống trả kiên cường, quyết liệt: “Lão vung tay lái...”, “giật tay lái...”, “cứ thế mà quật, mà băm liên hồi kì trận...”. Dù mệt mỏi, suy sụp và tuyệt vọng, ở ông lão vẫn tiềm tàng một ý chí và sức mạnh rất đáng nể phục. Ông lão thất bại, con cá kiếm trơ lại xương không, hành trình gian nan trên biển khi trở về bờ vẫn là tay trắng. Có chút gì đó ngậm ngùi, chua xót bởi ông lão đã thất bại. Mặc dù vậy, sự quả cảm, ý chí kiên cường của ông lão đánh cá vẫn xứng đáng được ca ngợi. “Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị khuất phục”.

Nét đặc sắc nhất của thiên truyện là ở tầng sâu ý nghĩa, phần chìm của văn bản. Câu chuyện về chuyến ra khơi đánh cá của ông lão Santiago gợi mở nhiều liên tưởng thú vị: Hành trình theo đuổi và thực hiện ước mơ giản dị nhưng lớn lao của con người; hành trình vượt qua thử thách để đến với thành công; hành trình khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên và chinh phục thế giới tự nhiên của con người...

Song ấn tượng và ý nghĩa nhất của tác phẩm vẫn là một thiên anh hùng ca được viết để tôn vinh vẻ đẹp giá trị con người: Con người của ý chí, khát vọng, niềm tin, sức mạnh, sự khôn ngoan trí tuệ. Vẻ đẹp ấy được thể hiện bằng lối viết in đậm dấu ấn phong cách văn chương Hemingway với nguyên lí “tảng băng trôi”. Chắc hẳn “áng văn xuôi đơn giản và trung thực về” ông lão Santiago vẫn xanh mãi với thời gian lưu giữ trong trái tim người đọc trên khắp hành tinh.

Đến ông lái đò trên Đà giang hung bạo trong tùy bút Nguyễn Tuân

Văn học Việt Nam hiện đại, hình như Nguyễn Tuân đã tạo nên cho mình một cõi riêng, độc đáo không ai có thể bắt chước được, “chết là mang luôn cả bản chính đi, không để lại một bản sao nguyên cảo nào cả”. Dấu ấn phong cách ấy được thể hiện qua những tác phẩm truyện ngắn và đặc biệt nhất là tùy bút. Cái ngông nghênh, phóng túng, sự uyên bác in đậm trong từng trang viết của người nghệ sĩ tài hoa, suốt đời đi tìm cái đẹp.

“Người lái đò sông Đà”, áng văn tuyệt hay của nhà văn dẫn dắt người đọc khám phá vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của thiên nhiên và hơn hết là khám phá “chất vàng mười” đã qua thử lửa trong thẳm sâu tâm hồn người dân lao động nơi đây. Hơn thế, qua thiên tùy bút tài hoa đặc sắc ấy, Nguyễn Tuân tôn vinh, khẳng định vẻ đẹp của người dân lao động nơi miền Tây Bắc xa xôi ngày nào.

Ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân đặt nhân vật của mình vào một tình huống cam go, quyết liệt nhất để bộc lộ bản chất: Ba lần vượt thác. Không ngẫu nhiên mà nhà văn dồn toàn bút lực, trí lức và vốn tri thức liên ngành để miêu tả cuộc chiến sinh tử này của người lái đò. Có thể khẳng định, mấy trang viết về cuộc vượt thác của ông lái đò là sự kết tinh tài năng, tấm lòng người cầm bút. Tâm, tài cùng tỏa sáng để tôn vinh ca ngợi vẻ đẹp con người, ông lái đò đời thường mà trí dũng tài hoa, một nghệ sĩ giỏi giang trên sông nước.

"Cuộc sống của người lái đò Sông Đà quả là một cuộc chiến đấu hằng ngày với thiên nhiên, một thứ thiên nhiên Tây Bắc có nhiều lúc trông nó thành ra diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một". Con sông hung bạo ấy đích thực là "kẻ thù số một" nham hiểm, hung tợn. Bờ sông đá dựng vách thành hùng vĩ, ớn lạnh; mặt ghềnh bất trắc với sự liên hợp của nước, đá, sóng , gió cuồn cuộn; hút nước hung tợn xoáy tít, tiếng thác đầy khiêu khích, oan trách, van xin, và còn cả một chân trời đá dàn bày thạch trận với những hòn đá "ngỗ ngược" đòi ăn chết con thuyền, ghê gớm quá, một thoáng khinh xuất sẽ chết chắc.

Tại sao nhà văn dụng công khi miêu tả con sông hung bạo như một thủy quái như vây?. Cũng dễ hiểu bởi con người chỉ bộc lộ toàn bộ bản lĩnh của mình khi phải đương đầu nghịch cảnh. Dòng sông hung bạo bao nhiêu thì sự trí dũng tài hoa của ông lái đò nổi bật bấy nhiêu. Thiên nhiên trở thành chất xúc tác để làm phát sáng vẻ đẹp con người.

Ấn tượng sâu đậm nhất về Người lái đò Sông Đà chính là sự dũng cảm, ngoan cường. Khi "sóng nước như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá trái thúc gối vào bụng và hông thuyền. Có lúc chúng đội cả thuyền lên như đô vật túm lấy thắt lưng ông đò rồi lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thanh la não bạt”. Thế nhưng "ông đò cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệnh đi”, bình tĩnh phá xong cái trùng vây thứ nhất với bốn cửa tử, một luồng sinh duy nhất bên bờ tả ngạn.

Sự quả cảm tuyệt vời của người cầm chèo. Ông đò tựa như một dũng tướng tài ba tả đột hữu xung trong trận chiến cam go với sóng thác hung dữ. Ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân đã miêu tả thật hay hình tượng ông lái đò với con thuyền nhỏ bé giữa trận địa sóng thác đá hiểm nguy, đầy rẫy bất trắc. Một thoáng khinh xuất, cõi chết sẽ vẫy gọi bất cứ lúc nào.

Cái tuyệt dũng của ông đò lại kết hợp nhuần nhuyễn với cái tuyệt trí để làm nên chiến thắng trước thạch trận vô cùng hiểm ác. Sự minh mẫn, trí nhớ siêu việt, chiến thuật linh hoạt giúp người lái đò phá tiếp cái trận địa thứ hai nhiều cửa tử hơn, cửa sinh lại lệnh qua bờ hữu. Thì ra dòng sông cũng thật nham hiểm, nhưng không thắng được sự khôn ngoan của ông lái đò. "Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá.

Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở". Sự thông minh quái kiệt ấy giúp ông đò bỏ lại tất cả luồng tử phía sau thuyền để tìm đến luồng sinh. Ông chiến thắng bằng cả dũng và trí. Lần ba cũng vậy thôi, dòng sông nham hiểm khi "bên phải bên trái đều là luồng chết", ông đò lại "phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa", thế là hết thác. Cuộc chiến sinh tử khép lại, ông đò dành phần thắng một cách thuyết phục vô cùng.

Hình tượng ông lái đò trong tùy bút Nguyễn Tuân mang vẻ đẹp của một "tay lái ra hoa", một nghệ sĩ tài hoa trong leo ghềnh, vượt thác. Ông đã làm nên chiến tích phi thường trong cuộc chiến với dòng sông hung bạo, thứ kẻ thù số một ấy cũng bị khuất phục bởi trí dũng tuyệt vời của người lái đò.

Dường như nhà văn đã tung hết bút lực của mình để miêu tả cuộc chiến một mất một còn này. Quân sự, võ thuật, và cả một đội quân ngôn từ hùng hậu với những liên tưởng, so sánh, nhân hóa độc đáo. Người chèo đò giỏi vượt thác, người sáng tạo hình tượng nghệ thuật thú vị này còn giỏi hơn. Nguyễn Tuân đã tôn vinh con người bằng hình thức nghệ thuật độc đáo, tài hoa để rồi tạo nên ấn tượng khó quên trong lòng người đọc yêu văn bấy lâu.

Sự gặp gỡ của những áng văn chương đích thực tôn vinh vẻ đẹp con người

“Văn học kì lạ thế, nó mang những phận người rất xa nhau lại gần nhau”(Thanh Thảo). Có lẽ, nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng khi ngẫm ngợi về điều lạ kì đó. Hai nhà văn, hai phương trời Tây - Đông vời vợi lại tìm thấy sự đồng điệu trong những áng văn ngợi ca vẻ đẹp con người. Ông lão Hemingway một mình nơi biển cả mênh mông chinh phục con cá kiếm, chiến đấu với đàn cá mập; ông lái đò khiêm nhường, giản dị mà tài trí vô song ba lần vượt qua những trùng vi thạch trận nham hiểm.

Dường như ẩn khuất sau những con người bình dị, đời thường này là vẻ đẹp của bản lĩnh, trí tuệ và cả tâm hồn. Lão ngư phủ lành nghề, ông lái đò giỏi giang tinh thông nghề nghiệp. Những con người ấy cùng tỏa sáng trong cuộc chiến khốc liệt sinh tử với thiên nhiên bạo liệt, hiểm nguy. Ngòi bút tài năng của hai người nghệ sĩ đã mang đến cho người đọc những hồi hộp, âu lo và cả sự ngưỡng mộ tuyệt vời trên hành trình khám phá vẻ đẹp con người trong cuộc sống đời thường. Họ cùng gặp nhau ở những tác phẩm văn chương đích thực viết về con người.

Điều còn lại ở mỗi nhà văn là giọng điệu riêng biệt của chính mình. Nguyễn Tuân với sự uyên bác, tài hoa, độc đáo công phu trong xây dựng hình tượng.Hemingway giản dị về cốt truyện, giảm thiểu nhân vật, thời gian diễn biến mà tinh tế, tài năng trong sử dụng ngôn ngữ độc thoại của nhân vật mở ra nhiều “khoảng trống” văn bản giúp người đọc đồng sáng tạo.

Hai cây bút, có sự gặp gỡ, riêng hay chung nhưng cái đích của họ vẫn là tôn vinh, ca ngợi vẻ đẹp con người. "Văn chương có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người" (Nguyễn Văn Siêu). Cuốn tiểu thuyết của Hemingway, thiên tùy bút của Nguyễn Tuân chắc chắn là những áng văn đáng thờ bởi không chỉ đó là những văn phẩm viết để ca ngợi con người mà còn có ý nghĩa với người đọc trong cuộc sống bộn bề áp lực hôm nay.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/lap-lanh-ve-dep-con-nguoi-4064296-b.html