'Lập lờ' hàng trăm tỉ đồng ngân sách hỗ trợ hoạt động giáo dục tại Thái Nguyên: Nhập nhèm thu - chi?

Giáo viên phải sống tằn tiện bằng đồng lương eo hẹp, trong khi hàng trăm tỉ đồng là kinh phí hỗ trợ hoạt động giảng dạy lại đang 'lúng túng' trong việc giải ngân. Kết quả là giáo viên chịu thiệt thòi, còn những người liên quan vẫn đang đùn đẩy trách nhiệm.

Một tiết dạy học của giáo viên mầm non ở huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên).

Giáo viên không nhận được tiền, trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng

Trong bài viết ở số báo trước, Lao Động đã phản ánh việc giáo viên mầm non ở Thái Nguyên làm việc từ sáng tới tối muộn, quá giờ so với quy định mà không được nhận tiền làm thêm giờ, dạy trẻ khuyết tật hòa nhập, dạy thay những định mức bị thiếu nhưng không được hưởng tiền hỗ trợ...

Sở GDĐT Thái Nguyên cũng xác nhận, riêng năm 2018, UBND tỉnh có phê duyệt kinh phí hơn 149 tỉ đồng từ tiền ngân sách của tỉnh để hỗ trợ hoạt động giảng dạy, nhân viên nấu ăn trong các trường mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh. Số kinh phí này để đảm bảo đúng định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập.

Tuy nhiên, hiện, số tiền này được các trường chi tiêu thế nào, sử dụng có đúng mục đích như trong hướng dẫn số 287/SGDĐT-KHTC hay không thì sở chưa rõ.

Trao đổi với ông Ngô Thượng Chính - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thái Nguyên, - phóng viên nhiều lần nhắc lại câu hỏi: ‘Trong trường hợp các trường mầm non và phổ thông không tuyển đủ giáo viên thời vụ làm việc đúng với định mức khoán được duyệt, thì những người đang trực tiếp đứng lớp phải giảng dạy quá số giờ quy định (quá 8 tiếng/ngày) để thay thế những định mức bị thiếu, liệu có được hưởng số tiền hỗ trợ này không?”.

Ông Chính khẳng định là có. Vấn đề thuộc về các trường bố trí việc giảng dạy ra sao và giải ngân thế nào để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên. Nếu giáo viên dạy thay định mức mà không được hưởng tiền hỗ trợ, trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng các trường.

Có hay không việc nhập nhèm thu - chi?

Để có câu trả lời cho giáo viên về số tiền hàng trăm tỉ đồng hỗ trợ giảng dạy năm 2018 của tỉnh Thái Nguyên đang ở đâu, chúng tôi tìm về một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh.

Tại Trường mầm non Tân Khánh, huyện Phú Bình (Thái Nguyên), một số giáo viên trong trường xác nhận, từ trước đến nay, chưa bao giờ nhận được tiền làm thêm giờ, hay tiền hỗ trợ khi giảng dạy thay thế định mức khoán. Các cô cũng cho biết, thực tế trường vẫn đang rất thiếu giáo viên, nhiều lớp bị quá tải. Có những lúc “bí” người quá, 1 cô phải trông cả 40 cháu lớp mẫu giáo.

Có giáo viên tiết lộ, nhiều tháng, thấy tiền chuyển vào tài khoản, khi vài trăm, lúc cả triệu với ghi chú là “chi tiền làm thêm giờ”. Nhưng ngay sau đó được lãnh đạo nhà trường thông báo đây là tiền nhà trường “chuyển nhờ” và yêu cầu giáo viên phải rút ra để trả lại trường. Giáo viên mầm non ở huyện Đại Từ và một số huyện khác cũng gặp phải tình huống tương tự.

Trước những chia sẻ của giáo viên, bà Đồng Thị Thanh Tân - Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Khánh, huyện Phú Bình - từ chối trả lời. Tuy nhiên, bà Tân thừa nhận, những năm qua có nhận được tiền hỗ trợ để đảm bảo hoạt động giảng dạy, riêng năm 2018, trường nhận được 300 triệu đồng và đến nay chưa tuyển đủ số giáo viên theo định mức khoán. Năm 2017, trường cũng không tuyển đủ và tiền ngân sách cấp vẫn ở trong kho bạc.

Khi phóng viên đề cập, nhà trường đã chi hết bao nhiêu trong tổng số tiền được hỗ trợ, bà Tân trả lời bất nhất, lúc nói 100 triệu, khi lại là 47 triệu. Bà cũng từ chối cung cấp các giấy tờ liên quan, hay hợp đồng thuê khoán giáo viên theo định mức với lý do: Không rành sổ sách và kế toán đi vắng.

Tại nhiều trường khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giáo viên cũng hoàn toàn không hay biết về khoản tiền hỗ trợ giảng dạy lên đến hàng trăm tỉ trong năm qua được chi tiêu ra sao?

Những quyết định và hướng dẫn chi ngân sách hỗ trợ hoạt động giảng dạy ở tỉnh Thái Nguyên. Chỉ có điều, theo phản ánh của nhiều giáo viên, tiền này chưa đến tay họ.

Hết năm học vẫn loay hoay giải ngân

Tiếp tục hành trình đi tìm câu trả lời cho giáo viên, chúng tôi đến Phòng GDĐT huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Nghị quyết của tỉnh, cũng như tinh thần chỉ đạo của Sở GDĐT tỉnh Thái Nguyên rõ ràng là thế, nhưng tại sao giáo viên mầm non ở nhiều nơi vẫn “mòn mỏi chờ tiền về”?

Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Kim Nga - Phó Trưởng phòng GDĐT huyện - thừa nhận, những năm qua, tỉnh rất quan tâm, có nghị quyết hỗ trợ kịp thời về con người và cơ sở vật chất để các trường trên địa bàn đảm bảo hoạt động giảng dạy. Tuy nhiên, huyện đang gặp khó khăn trong việc thu hút lao động. Bà Nga cho rằng, đây cũng là vấn đề chung của toàn tỉnh.

“Công việc của giáo viên mầm non vất vả, lương chỉ được trả 3,8 triệu đồng/10 tháng, dù mức lương này còn cao hơn nhiều giáo viên mầm non đang trong biên chế, nhưng vẫn thấp hơn lương của công nhân. Nhiều người dù có bằng cấp sư phạm mầm non, nhưng thà đi làm công nhân còn hơn. Vì thế, chúng tôi không thể tuyển đủ định mức khoán như tỉnh đã duyệt, nên thời gian qua, các giáo viên đang đứng lớp vẫn bị quá tải và thêm phần vất vả”- bà Nga nói.

Dù biết giáo viên đang đứng lớp rất vất vả, nhưng huyện Phú Bình cũng như không ít huyện khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều hiểu sai hay cố tình không hiểu hướng dẫn số 287/SGDĐT-KHTC của Sở GDĐT. Nhất nhất nghĩ tiền đó để tuyển mới hợp đồng thời vụ, còn giáo viên mầm non đang trực tiếp, hằng ngày phải dạy thay những định mức khoán bị thiếu, thì không được hỗ trợ, tiền làm thêm giờ cũng không có.

“Tiền hỗ trợ đó vẫn ở trong kho bạc. Đây là tiền ngân sách, chúng tôi sao dám tiêu. Đúng là thời gian qua đang loay hoay không biết làm thế nào với số tiền đó cả. Vì bên tài chính yêu cầu phải có hợp đồng thuê khoán thì mới được rút tiền về. Chúng tôi đang tham mưu với UBND huyện có hướng dẫn, tháo gỡ vấn đề này để hỗ trợ cho giáo viên”- bà Nga giải thích.

Đại diện Phòng GDĐT huyện Phú Bình còn cho rằng, việc có hiện tượng giáo viên phản ánh, kêu cứu vì không được hưởng các loại tiền hỗ trợ là do lãnh đạo các trường làm công tác tư tưởng không tốt: “Chúng tôi đã nhắc nhở các đồng chí ấy về giải thích cho anh em là cứ yên tâm làm việc đi, rồi sẽ được hỗ trợ, được truy lĩnh. Vậy mà…”.

Trước những lý giải của cơ quan chức năng, 1 giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phản bác: “Nếu chúng tôi không lên tiếng, liệu có được câu trả lời rõ ràng, hay vẫn mập mờ chuyện thu chi? Riêng năm 2018, toàn tỉnh được hỗ trợ 149 tỉ, vậy mà đến nay, rục rịch kết thúc năm học rồi tiền vẫn chưa được nhận. Những năm trước nữa thì sao, không biết giáo viên các cấp học khác thế nào, chứ giáo viên mầm non không lên tiếng, liệu có được hưởng đúng công sức lao động của mình?”.

Nhiều giáo viên mầm non cũng kiến nghị: “Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc, thanh tra các trường trên toàn tỉnh về việc chi tiêu số tiền 149 tỉ hỗ trợ theo Quyết định số 39/QĐ-UBND ngày 5.1.2018. Các năm trước, tỉnh có hỗ trợ không, số tiền đó giải ngân ra sao? Giáo viên chúng tôi cần câu trả lời rõ ràng, để đòi lại quyền lợi”.

ĐẶNG CHUNG - HỮU LONG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/nhap-nhem-thu-chi-610089.ldo