Lập Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ: Doanh nghiệp không mặn mà

Nhiều năm nay, Nhà nước đã ban hành cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) trong doanh nghiệp (DN). Một trong số đó là khuyến khích DN lập và sử dụng Quỹ Phát triển KH-CN của mình. Tuy nhiên, sau nhiều năm, chính sách rất được kỳ vọng này không hiệu quả như kỳ vọng.

Sản xuất tại Công ty TNHH MTV tổng công ty Cao su Đồng Nai, một trong số ít doanh nghiệp có thành lập Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ. Ảnh: Văn Gia

Sản xuất tại Công ty TNHH MTV tổng công ty Cao su Đồng Nai, một trong số ít doanh nghiệp có thành lập Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ. Ảnh: Văn Gia

Số lượng DN thành lập và trích quỹ để sử dụng rất ít, việc sử dụng nguồn tiền từ quỹ này (nếu có) cũng phải trải qua nhiều thủ tục gây e ngại. Mặc dù hằng năm, cộng đồng DN vẫn đổ nhiều tiền vào đầu tư, nghiên cứu sản phẩm, ứng dụng máy móc, công nghệ mới.

* Số DN lập quỹ đếm trên đầu ngón tay

Chính sách này đã có từ nhiều năm trước và đến năm 2016, Bộ trưởng KH-CN và Bộ trưởng Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 12/2016 hướng dẫn về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển KH-CN của DN.

Theo thông tư này, hằng năm DN nhà nước bắt buộc trích lập từ 3-10% thu nhập trước thuế để hình thành quỹ và các DN ngoài nhà nước tự quyết định mức trích cụ thể, nhưng tối đa không quá 10% thu nhập trước thuế trong kỳ.

Quỹ Phát triển KH-CN được sử dụng để đầu tư tăng cường tiềm lực KH-CN cho DN, ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh. Quỹ cũng được dùng để trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật; mua máy móc, thiết bị kèm theo các đối tượng chuyển giao công nghệ tiên tiến hơn. Đây được xem là một chính sách quan trọng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển KH-CN trong DN.

Mặc dù được kỳ vọng nhiều nhưng trên thực tế, chính sách này chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

Đối với cả nước, giai đoạn 2011-2019, số DN có trích lập Quỹ là 662 đơn vị, số tiền trích là 21,95 ngàn tỷ đồng. Nếu so sánh với tổng số DN hoạt động trên cả nước thời điểm đó là hơn 780 ngàn thì tỷ lệ DN trích lập quỹ rất khiêm tốn, chỉ ở mức 0,085%.

Tương tự, tại Đồng Nai, theo thống kê của Sở KH-CN, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh mới có 3 DN thành lập quỹ. Cụ thể, 2 DN có vốn nhà nước là Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai, Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) và 1 DN có 10% vốn đầu tư nước ngoài là Công ty CP Dược phẩm OPV. Riêng DN tư nhân chưa có đơn vị nào thành lập quỹ. Con số ít ỏi trên cho thấy nhiều DN vẫn chưa thấy rõ được lợi ích, tầm quan trọng của Quỹ Phát triển KH-CN đối với sự phát triển của DN, nhưng vấn đề này có nguyên do của nó.

* DN không mặn mà

Có nhiều vướng mắc gây trở ngại trong việc thành lập cũng như sử dụng Quỹ Phát triển KH-CN ở DN. Theo đánh giá của các chuyên gia và cộng đồng DN là ở khâu thủ tục thực hiện, các quy định liên quan…

Thực tế, nhiều DN không biết thực hiện thế nào để đúng với quy định, thủ tục kiểm soát chi..., dù rằng có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được ban hành. Để được hưởng ưu đãi của chính sách này, DN nghiệp phải chịu các ràng buộc về quy trình thủ tục chi quỹ phức tạp và các nội dung được phép chi quỹ. Dù DN muốn sử dụng quỹ, nhưng phải làm hồ sơ, lập hội đồng, thẩm định đánh giá tính khả thi của đề tài từ khâu đầu đến khâu cuối. Quá trình này rất phức tạp và khó khăn trong khi việc sản xuất, kinh doanh cần độ trễ ít và sự thông thoáng hơn.

Theo đánh giá của Sở KH-CN, qua thống kê, nguồn kinh phí cho nghiên cứu KH-CN trên địa bàn tỉnh chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước. Đối với quỹ này, sự quan tâm của các DN chưa nhiều. Việc trích lập quỹ là quy định không bắt buộc, chủ yếu là khuyến khích nên các DN cũng không mấy mặn mà.

Trong khi đó, đối với cộng đồng DN, nhất là các DN tư nhân, nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại; đầu tư chất xám; mua các bằng sáng chế từ trường đại học... để phát triển sản xuất, kinh doanh là thường xuyên. Qua khảo sát các DN vừa và nhỏ cho thấy, hằng năm họ vẫn đổ nhiều tiền, một phần đáng kể doanh thu vào tái đầu tư, phát triển. Hầu hết, các DN chưa trích lập và sử dụng quỹ này mà sẽ hạch toán trực tiếp vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Tại một hội thảo bàn về giải pháp phát triển KH-CN trên địa bàn Đồng Nai đến năm 2030, định hướng 2045 được tổ chức ngày 18-5, Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông nhận định, việc có quá ít DN trích lập Quỹ Phát triển KH-CN tại đơn vị mình như thống kê là một vấn đề đáng lưu tâm. Do vậy, phải nghiên cứu giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn đối với cộng đồng DN một cách hợp lý. Đồng thời, cần các chính sách làm sao để DN nhận thấy được lợi ích thiết thực, từ đó mới có thể thúc đẩy DN hưởng ứng được.

Đối với vấn đề này, đầu năm 2022, Bộ KH-CN cũng đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 12 nêu trên nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp hơn.

“Ngoài nộp thuế thu nhập DN 20%, nguồn tiền chúng tôi có được sẽ hoàn toàn được tự chủ để chi cho đầu tư sản xuất mà không phải vướng cơ chế nào, vậy tại sao chúng tôi phải đi lập quỹ với nhiều thủ tục rườm rà, muốn chi tiêu gì cũng bị ràng buộc?” - chủ một DN ngành cơ khí, chế tạo ở TP.Biên Hòa đặt câu hỏi.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202206/lap-quy-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doanh-nghiep-khong-man-ma-3118805/