Lập Thạch tăng cường biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em

Những năm qua, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể của huyện Lập Thạch quan tâm. Số vụ xâm hại trẻ em giảm dần qua các năm; từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện không ghi nhận trường hợp trẻ bị xâm hại.

Đoàn viên thanh niên xã Tử Du, huyện Lập Thạch tuyên truyền tới các em học sinh về phương pháp phòng, chống xâm hại trẻ em. Ảnh: Dương Chung

Trên địa bàn huyện Lập Thạch hiện có hơn 39 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 28,5% dân số. Trong đó, có hơn 13 nghìn trẻ em dưới 6 tuổi; 339 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; gần 900 trẻ em là con hộ nghèo, cận nghèo.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành trên địa bàn huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được chăm sóc, học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn còn xảy ra.

Theo số liệu thống kê, rà soát từ Phòng LĐ-TB&XH huyện, trong 2 năm (2020 -2021) trên địa bàn huyện có 4 trẻ em bị xâm hại, trong đó 3 vụ xâm hại tình dục, nạn nhân là 2 trẻ ở xã Bắc Bình, 1 trẻ ở xã Thái Hòa và 1 vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại xã Liên Hòa. Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Lập Thạch không ghi nhận thêm trường hợp trẻ bị xâm hại.

Đối với các trường hợp trẻ bị xâm hại, nguyên nhân được xác định chủ yếu xuất phát từ phía gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ ly hôn, ly thân nên không quan tâm chăm sóc, quản lý, giáo dục con cái...

Lợi dụng điều này, đối tượng xấu tìm cơ hội tiếp cận các cháu để thực hiện hành vi phạm tội. Đặc biệt, hiện nay, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ vô hình chung tạo điều kiện cho thanh, thiếu niên tiếp xúc với một số phim ảnh, sách truyện có nội dung bạo lực, khiêu dâm.

Thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, hằng năm, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phối hợp với Công an huyện rà soát số trẻ em lang thang để đưa vào quản lý giáo dục tại cộng đồng; vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, tặng hàng nghìn suất quà là đồ dùng học tập cho trẻ em con hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Công tác nắm bắt tình hình các vụ việc xâm hại trẻ em được các cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc, xử lý nghiêm minh. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Tổng đài Trung tâm Công tác xã hội 1900585898 và một số kênh thông tin khác hoạt động hiệu quả; công tác giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em theo đúng quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã giải quyết 2 thông tin tố giác qua tổng đài 111.

Hằng năm, UBND huyện đều xây dựng kế hoạch kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn. Thông qua các buổi họp tổ dân phố, cụm dân cư, sinh hoạt chi bộ để thông báo về thủ đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em, giúp người dân có kinh nghiệm, kiến thức phòng ngừa, không để con em mình bị xâm hại tình dục.

Với trò là lực lượng nòng cốt, Công an huyện chỉ đạo Công an các xã, thị trấn bố trí lực lượng kiêm nhiệm phụ trách theo dõi các trường học trên địa bàn, thường xuyên phối hợp với nhà trường kiểm tra tình hình an ninh, trật tự trong và ngoài trường học, phát hiện đối tượng khả nghi để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tập trung nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhất là các nhà nghỉ, quán karaoke, quán internet; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em cũng như các hoạt động văn hóa không lành mạnh; nâng cao năng lực, kỹ năng cho lực lượng công an cơ sở về điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em...

Công tác tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em cũng được các trường học quan tâm. Đến nay, 100% trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện đều đạt trường học an toàn, không có tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.

Từ đầu năm đến nay, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã tổ chức 5 buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại và đuối nước cho học sinh các trường THCS Thái Hòa, Liên Hòa, Đồng ích, Triệu Đề, Sơn Đông.

Thầy giáo Lê Quang Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Hòa cho biết: “Nội dung về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong đó có phòng, chống xâm hại trẻ em được đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đặc biệt quan tâm. Đây được coi là vấn đề được chú trọng hàng đầu trong việc bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em và giáo dục nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường.

Ngoài ra, việc tuyên truyền cũng được giáo viên lồng ghép vào các môn học, hoạt động trải nghiệm, trong các giờ chào cờ, ngoại khóa, giờ sinh hoạt lớp…Việc giáo dục lồng ghép cũng giúp học sinh tiếp cận nhiều hơn đến vấn đề cũng như có ý thức tự bảo vệ bản thân mình trước những mặt trái của xã hội”.

Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Lập Thạch Đỗ Thị Hòa cho biết: "Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, thời gian tới, huyện Lập Thạch đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, người dân về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Đồng thời, phát huy trách nhiệm của gia đình, nhà trường, đơn vị, tổ chức và toàn dân tham gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Quan tâm nhiều hơn nữa đến trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em. Thực hiện đầy đủ và ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em; từng bước giảm thiểu các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn".

Bích Huệ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/78545/lap-thach-tang-cuong-bien-phap-phong-ngua-xam-hai-tre-em.html