Lật lại thảm kịch 9 người Nga chết bí ẩn 62 năm trước

Hai nhà khoa học Thụy Điển gần đây công bố nghiên cứu cho thấy một vụ tuyết lở hiếm gặp có thể là nguyên nhân của thảm kịch Dyatlov khiến 9 người thiệt mạng cách đây 62 năm.

Cách đây 62 năm, thảm kịch ập đến một nhóm đi bộ leo núi đường dài ở Nga.

Theo New York Times, khi người ta tìm thấy thi thể của 9 người đi bộ leo núi đường dài có kinh nghiệm trong một con đường đèo xuyên núi Ural Mountains vào cuối tháng 2/1959, không ai có thể giải thích được cái chết kỳ lạ của họ. Một số thi thể không mang giày, thậm chí gần như khỏa thân, nằm cách xa lều của họ dưới cái lạnh âm độ.

Trong suốt hàng thập kỷ, không có câu trả lời chính xác nào được đưa ra.

 Hình ảnh phục hồi từ máy ảnh của nhóm 9 người đi bộ leo núi đường dài thiệt mạng năm 1959. Ảnh: Dyatlovepass.com.

Hình ảnh phục hồi từ máy ảnh của nhóm 9 người đi bộ leo núi đường dài thiệt mạng năm 1959. Ảnh: Dyatlovepass.com.

Người ta truyền nhau về hàng loạt giả định và thuyết âm mưu trong suốt nhiều thập kỷ nay. Từ UFO, người tuyết Yeti, đến lực lượng tình báo KGB đều đã được xướng tên trong các giả thuyết kỳ lạ mà người ta có thể nghĩ ra. Thậm chí, sự việc bí ẩn cũng trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều cuốn sách, phim, và chương trình truyền hình.

Ngoài ra, đây cũng là đề tài khiến các nhà điều tra và khoa học đau đáu trong suốt thời gian dài.

Tuy nhiên, gần đây, có hai nhà khoa học tin rằng họ cuối cùng cùng tìm ra câu trả lời. Họ lập luận rằng sự việc thương tâm kia có thể là kết quả của một thảm họa tự nhiên, cụ thể là một trận bão tuyết hiếm thấy.

Nhiều bí ẩn

Đối với nhiều người Nga, bí ẩn trên đã trở thành một trong những truyền thuyết kỳ bí của đất nước. Họ gọi nó là “Dyatlovmania”, lấy cảm hứng từ tên người dẫn đầu nhóm đi bộ leo núi đường dài xấu số, anh Igor Dyatlov.

Các giả thuyết xoay quanh sự việc, dù dựa trên cơ sở khoa học hay mê tín, đều chứa đựng nhiều hoài nghi, New York Times viết.

Năm 2019, tròn 60 năm sau khi vụ việc xảy ra, chính phủ Nga đã mở cuộc tái điều tra vụ án và cho rằng nguyên nhân là một vụ lở tuyết. Tuy nhiên, nhiều người không cảm thấy thuyết phục trước câu trả lời này.

Chính phủ Nga mở cuộc tái điều tra vụ án vào năm 2019. Ảnh: Getty.

Nghiên cứu của hai nhà khoa học người Thụy Điển công bố trên tạp chí Communications Earth & Environment, và tháng 2 cũng cho rằng một trận tuyết lở bất thường có thể đã đánh sập trại của đoàn người leo núi.

Dù vẫn chưa thể khẳng định đây là câu trả lời chính xác nhất, giải thuyết của họ vẫn hợp lý và thuyết phục hơn các thuyết âm mưu về quái vật hay thí nghiệm vũ khí.

Johan Gaume, giáo sư tại Phòng thí nghiệm mô phỏng tuyết và tuyết lở tại École Polytechnique Fédérale de Lausanne ở Thụy Sĩ, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi không dám khẳng định rằng rằng chúng tôi đã giải quyết được câu đố này. Có rất nhiều điều xung quanh nó sẽ không bao giờ giải thích được".

Nhiều chi tiết kỳ lạ

Cả 9 người trong nhóm đều là sinh viên đại học, bao gồm 7 nam và hai nữ. Thi thể các nạn nhân được tìm thấy nằm rải rác cách lều của họ vài trăm mét. Vải bạt lều bị sụp xuống một nửa, có một vết rạch bằng dao, dường như từ bên trong.

Khám nghiệm tử thi xác định rằng hạ thân nhiệt là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của họ. Tuy nhiên, ba trong số các thi thể có chấn thương kín nặng. Cụ thể, họ bị gãy xương sườn và nứt hộp sọ. Hai thi thể bị mất nhãn cầu và một bị mất lưỡi.

Dmitry Kurakin, một nhà xã hội học đã nghiên cứu trường hợp Dyatlov, cho biết: “Có rất nhiều thông tin như ảnh, nhật ký, tài liệu chính thức. Tuy nhiên, để tìm ra được sự thật trong nguồn thông tin phong phú này là là điều rất khó”.

Nhóm 9 người đi bộ leo núi đường dài chết bí ẩn năm 1959. Ảnh: dyatlovpass.com.

Không lâu sau cuộc điều tra ban đầu, các nhà điều tra Liên Xô đã chính thức công bố hồ sơ vụ án trên là hồ sơ mật và chỉ cho phép số ít cơ quan chức năng tiếp cận nó.

Kết quả là rất ít người ở ngoài khu vực núi Ural biết về vụ việc của nhóm Dyatlov. Mãi đến vài thập kỷ sau, vụ án Dyatlov mới được biết đến rộng rãi và tiếp tục được mang ra mổ xẻ.

Năm 1990, một cựu điều tra viên từng tham gia vào vụ án Dyatlov đã công bố giả định của mình. Ông nghi ngờ về một loại tia lửa nhiệt hoặc một loại năng lượng mạnh nhưng hoàn toàn chưa được biết đến lúc bấy giờ.

Tiếp theo đó, hàng loạt tin đồn, câu chuyện khó tin và thuyết âm mưu cũng dần hình thành cùng với cuộc khủng hoảng tài chính của thập kỷ.

Các phỏng đoán và giả thuyết ngày càng nở rộ trong thời đại Internet sơ khai. Tuy nhiên, mọi phỏng đoán - dù ủng hộ thuyết nào, từ KGB, thuyết thử tên lửa, đến thuyết sóng hạ âm - đều nhất quán rằng kết luận từ cuộc điều tra ban đầu là không thỏa đáng. Cuộc điều tra này khẳng định “ảnh hưởng từ một lực tự nhiên” là nguyên nhân gây ra cái chết cho đoàn leo núi 9 người.

Mộ chung của nhóm Dyatlov tại một nghĩa trang ở Yekaterinburg. Ảnh: New York Times.

Năm 2013, điều tra viên chỉ đạo trong cuộc điều ra năm đó đã yêu cầu mở lại vụ án ở tuổi 94.

Năm 2020, một cuộc điều tra liên bang mới cũng đi đến kết luận là do tuyết lở. Kết quả này tiếp tục bị những người theo dõi và tìm hiểu về vụ án bí ẩn bác bỏ.

“Không thể do tuyết lở được. Xung quanh khu vực đó có gió thổi liên tục, tuyết không thể tích tụ đủ và độ dốc cũng quá thấp”, cô Teddy Hadjiyska, người điều hành một trang web dành riêng cho vụ việc, khẳng định.

Kịch bản tuyết lở của hai nhà khoa học

Ông Gaume và đồng tác giả Alexander Puzrin (giáo sư địa kỹ thuật tại ETH Zurich) của nghiên cứu đã đưa ra các lập luận giải thích hai điểm nói trên và một số yếu tố khác. Chẳng hạn, họ lưu ý rằng các nhà điều tra đã phải mất hơn ba tuần mới tìm ra lều của nhóm người. Thời gian này đủ để các cơn gió làm dấu tích của tuyết lở biến mất.

Về vấn đề độ dốc nơi vụ việc Dyatlov xảy ra, ông Gaume giải thích rằng dù có một "quy luật chung" rằng tuyết lở không xảy ra ở góc dốc nhỏ hơn 30 độ, nhưng vẫn có thể có ngoại lệ.

Ông Gaume cùng đồng nghiệp Puzrin đã phát triển một mô hình toán học để tính toán về gió và tuyết. Kết quả cho thấy họ có thể tạo ra một trận tuyết lở nhỏ theo phiến có kích thước khoảng 5×5 m. Với giả thuyết này, họ có thể giải thích được các chấn thương nghiêm trọng nhưng không chí mạng trên các thi thể.

Hơn ba tuần sau khi nhóm 9 người leo núi mất tích, các cơ quan điều tra mới tìm ra đủ số thi thể. Ảnh: Dyatlovpass.com.

Nhiều nhà khoa học Nga và thế giới đánh giá cao nghiên cứu này. Ông Karl Birkeland, nhà khoa học về tuyết lở thuộc Trung tâm Tuyết lở Quốc gia của Cục Kiểm lâm Mỹ, nhận xét: “Một trận tuyết lở nhỏ như vậy, dù cực hiếm, là lời giải thích hợp lý, và nó có thể gây ra một số thương tích cho nạn nhân”.

Tuy nhiên, ông Birkeland lưu ý rằng dựa trên góc độ dốc thấp và ảnh chụp địa hình, tuyết lở tại đây “là một sự kiện cực kỳ hiếm và bất thường”.

Ông Gaume đã đưa ra một kịch bản khả thi về đêm đông xảy ra thảm kịch.

Theo đó, nhóm người leo núi bất ngờ bị bão tuyết tấn công lúc trời tối. Họ đã cố gắng thoát ra khỏi lều để giúp đỡ lẫn nhau. Lo sợ một trận tuyết lở khác sẽ ập đến, họ ăn mặc sơ sài rồi vội vã rời đi về phía một khó tiếp liệu trong rừng.

Tuy nhiên do mất phương hướng và nhiệt độ ngoài trời lúc đó vào khoảng -4°C, họ đã bị lạc và gục ngã. Một số người có thể đã lấy quần áo của những người chết trước để giữ ấm thêm.

Dù thuyết tuyết lở của ông Gaume không đề cập đến các dấu vết của phóng xạ, một số người cho rằng các dấu vết này không quá bất thường, do các thi thể tiếp xúc trực tiếp khá lâu với ánh sáng Mặt Trời ở độ cao. Các loài động vật rỉa xác có thể là nguyên nhân khiến một số cơ thể mất đi các bộ phận

Dẫu vậy, nghiên cứu trên vẫn không thuyết phục được Hadjiyska. Cô lập luận rằng một cái cây đã ngã và va vào nhóm nạn nhân, và các quan chức địa phương đã làm việc gian dối để che đậy nhằm tránh bị cấp trên trừng phạt.

Căn lều của nhóm leo núi. Ảnh: Alamy.

Nghiên cứu cũng không thuyết phục được Yuri K. Kuntsevich. Ông là người đã chứng kiến đám tang của nhóm nạn nhân hồi 12 tuổi và hiện điều hành một bảo tàng tự phát về thảm kịch bí ẩn ngay trong căn hộ của mình ở Yekaterinburg, thành phố lớn gần đèo nơi xảy ra vụ việc nhất.

Ông cho rằng nhóm 9 người trên đều là dân đi bộ leo núi đường dài có kinh nghiệm, nên họ khó có thể mắc sai lầm như dựng lều ở nơi có khả năng xảy ra tuyết lở, cho dù khả năng đó là rất thấp đi chăng nữa. Vì vậy, ông nhận định kịch bản trên là không thể xảy ra.

Ông Kuntsevich tin rằng nhóm Dyatlov là những anh hùng không chịu khuất phục trước một tai họa kinh khủng do con người tạo ra, nhưng ông thừa nhận rằng mình chưa biết đó là gì.

“Họ đã phải đối mặt với điều gì đó khủng khiếp. Và họ đã chọn chiến đấu”, ông nói.

Hồng Ngọc

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lat-lai-tham-kich-9-nguoi-nga-chet-bi-an-62-nam-truoc-post1187685.html