Lật lại vụ ám sát Martin Luther King

Đúng 40 năm sau khi nhà hoạt động dân quyền da đen Martin Luther King bị bắn chết, vụ ám sát này đang được người ta xới lại.

Khoảnh khắc định mệnh

Vào lúc 18 giờ 1 phút ngày 4.4.1968, khi đang đứng trên ban công khách sạn Lorraine ở thành phố Memphis thuộc tiểu bang Tennessee của nước Mỹ, Martin Luther King đã gục xuống sau một phát đạn duy nhất. Viên đạn xuyên qua má phải, làm vỡ hàm và sau đó đi qua đốt sống cổ rồi nằm lại ở vai ông. King được đưa đến Bệnh viện St.Joseph và các bác sĩ đã mở lồng ngực để mát-xa tim cho ông. Vào lúc 19 giờ 5 phút, ông qua đời ở tuổi 39. Trên đây là những chi tiết chính về cái chết của nhà đấu tranh cho quyền lợi của người da đen Martin Luther King trong hồ sơ của Bộ Tư pháp Mỹ.

Nhà văn Taylor Branch, tác giả nhiều cuốn sách về cuộc đời của King, cho biết vào tháng 3.1968, Luther King đã đến Memphis để bày tỏ sự ủng hộ đối với những công nhân vệ sinh người Mỹ da đen đang đình công. Mục đích cuộc biểu tình là đòi công bằng về tiền lương và điều kiện làm việc giữa người da đen và da trắng. Sau đó, vào ngày 3.4, King trở lại Memphis để chuẩn bị cho một buổi diễn thuyết. Ông trú tại phòng 306 của khách sạn Lorraine do doanh nhân da đen Walter Bailey làm chủ. Đây là phòng mà King luôn ở mỗi khi có dịp đến Memphis. Chiều ngày 4.4, King từ trên ban công gọi xuống bảo với nhạc sĩ Ben Branch, người dự định sẽ trình diễn trong buổi diễn thuyết của King vào tối hôm đó, rằng: "Này Ben, nhớ chơi bản Hãy cầm lấy tay con, hỡi Chúa tôn kính nhé. Chơi thật hay vào". Theo tác giả Taylor Branch, đó là lời nói cuối cùng của King. Sau khi ông nói thế, một viên đạn ở đâu đó xé gió lao tới.

Đi tìm sát thủ

Hình James Earl Ray trong hồ sơ truy nã của FBI - Ảnh: Truthmove

Cái chết của nhà đấu tranh dân quyền Martin Luther King, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, ngay lập tức làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ. Bạo động đã nổ ra tại hơn 60 thành phố trên toàn nước Mỹ. Năm ngày sau, Tổng thống Lyndon B.Johnson tuyên bố một ngày quốc tang. Khoảng 300.000 người đã dự đám tang ông. Trong đám tang, một người bạn thân của King đã hát bài Hãy cầm lấy tay con, hỡi Chúa tôn kính, bài hát mà sinh thời King rất thích và ông đã không thể nghe Ben Branch hát vào buổi tối ngày 4.4.1968 định mệnh.

Hai tháng sau cái chết của King, cảnh sát Anh bắt được James Earl Ray tại phi trường Heathrow ở London trong khi người này đang tìm cách đến châu Phi bằng hộ chiếu giả mang tên một người Canada. Ray lập tức bị dẫn độ sang Tennessee và sau đó bị truy tố về tội giết chết King. Vào ngày 10.3.1969, Ray đã nhận tội nhưng sau đó 3 ngày thì rút lại lời thú nhận trên. Theo các tài liệu đã được công bố, Ray nói rằng sở dĩ ông ta nhận tội là để tránh phải ngồi ghế điện, theo như lời khuyên của luật sư bào chữa Percy Foreman, một lời khuyên mà sau này luật sư mới của Ray đánh giá là "quá sai lầm". Ray đã bị kết án 99 năm tù vì cái chết của King.

Ray sau đó đã thay luật sư và luôn tìm cách phủ nhận mọi tội lỗi, nhưng bất thành. Luật sư mới của Ray là William Pepper nói rằng yêu cầu rút lại lời nhận tội chưa bao giờ được tòa án chấp thuận. Vào năm 1997, Dexter King, con trai của Martin Luther King, đã công khai ủng hộ việc xét xử lại Ray. Sự ủng hộ của King (con) là hành động mới nhất của gia đình King, cho thấy họ chưa bao giờ tin rằng Ray là sát thủ. Tháng 4.1998, đúng 30 năm sau khi King bị ám sát, Ray chết trong tù vì bệnh thận ở độ tuổi 70. Như vậy, theo hồ sơ chính thức, Ray là thủ phạm duy nhất trong vụ ám sát King.

Sống lại mối nghi ngờ

Martin Luther King (phải) - Ảnh: WHPO

Sau 40 năm, bóng mây nghi ngờ quanh cái chết của King vẫn dày đặc. Jesse Jackson, vào năm 1968 mới 26 tuổi và sau này là một ứng viên tổng thống, là một nhân chứng của vụ ám sát. Ông kể với Hãng tin BBC: "Tôi tới khách sạn để dự bữa tối với King. Khi tôi đang đi qua bãi đậu xe thì King từ trên ban công gọi xuống: Jesse, cậu quên đeo cà vạt rồi! Tôi bảo đi ăn tối thì ngon miệng là chính, cà vạt không có ý nghĩa gì đâu. King bảo tôi điên rồ và rồi ông cười. Đoạn ông nói với Ben Branch, người đi cùng tôi, rằng hãy hát bài hát mà ông ưa thích. Ngay lúc ấy, một phát súng vang lên". Trả lời phỏng vấn BBC cách đây vài ngày, Jackson nói: "Tôi tin rằng James Earl Ray không phải là sát thủ duy nhất. Hắn ta không có tiền, không có động cơ để hành động. Chuyện Ray có thể ra khỏi thành phố và khỏi đất nước này cho thấy hắn ta chỉ là một tay làm thuê. Chính phủ dường như có động cơ rõ rệt nhất để tấn công King".

Theo hồ sơ vụ án được BBC dẫn lại, trước khi King bị giết, Ray là một tù nhân trốn trại. Sau khi xảy ra vụ ám sát, Ray trốn sang Canada rồi đến Anh. Hắn ta cũng có tới Bồ Đào Nha trước khi trở lại Anh để tìm đường qua châu Phi làm lính đánh thuê. Nhưng khi đang chuẩn bị bay từ Anh sang Bỉ thì bị bắt. Theo BBC, những người tin Ray không giết King cho rằng sở dĩ hắn phải trốn khỏi Memphis ngay sau khi King bị ám sát là do sợ bị cảnh sát bắt về vụ trốn trại trước kia.

Còn sự việc Ray mua một khẩu súng, cùng loại với khẩu đã giết King, và trọ tại nhà khách đối diện với khách sạn Lorraine trong ngày định mệnh đó thì sao? Theo luật sư William Pepper, người từng bào chữa cho Ray và hiện đang viết cuốn sách thứ ba về vụ ám sát King, thì sau khi trốn trại, Ray đã gặp một người tên Raoul. Người này muốn Ray mang một khẩu súng để làm mẫu cho khách hàng trong một vụ mua bán béo bở. Sau đó Raoul yêu cầu Ray thuê khách sạn trên làm nơi gặp gỡ. Theo luật sư Pepper thì Raoul hiện vẫn còn sống và đang ở đâu đó gần New York. Nếu câu chuyện trên đây là đúng thì có vẻ như Ray đã bị đặt vào hoàn cảnh của một "người đóng thế" trong một vở kịch do ai đó dàn dựng. Tuy nhiên, theo BBC, một số người cho rằng Raoul chỉ là sản phẩm sáng tạo của Ray nhằm rửa tội.

Có nhiều câu hỏi nữa cũng được đặt ra xung quanh việc Ray có phải là thủ phạm hay không. Đó là Ray, vốn chỉ là một tên trộm vặt, làm sao có thể bắn một phát chính xác để giết King như chuyên gia bắn tỉa vậy? Một tên trộm vặt như Ray làm sao có tiền để qua châu u dễ dàng? Tại sao sau khi giết người Ray lại cẩu thả vứt súng và một số vật dụng khác được bọc trong khăn trải giường ngay trên vỉa hè ở Memphis? Hắn muốn trêu cảnh sát chăng? Những câu hỏi này vẫn chưa được trả lời một cách thuyết phục sau 40 năm kể từ khi King ngã xuống.

Còn một câu hỏi nữa, câu hỏi quan trọng nhất: Ray hành động một mình để làm gì, hay động cơ của hắn ta là gì?

Trở lại với nước Mỹ cách đây 40 năm, khi đó, King đang là một cái gai trong mắt của nhiều người da trắng. Chính quyền cũng không ưa gì King. Nước Mỹ thời đó rất khác, không phải là nước Mỹ mà một phụ nữ da đen có thể làm ngoại trưởng, hoặc một người đàn ông da đen trẻ măng có thể hô hào tranh cử tổng thống của ngày hôm nay. Sự phân biệt màu da hồi đó rất nặng nề và King là chiến sĩ tiên phong chống lại sự phân biệt đó. Hiển nhiên, hành động của King lúc đó bị nhiều người da trắng ghét. Có thể Ray, một người da trắng, cũng ghét. Nhưng cái sự ghét đó có đủ lớn để một kẻ đang phải chạy trốn cảnh sát sau khi vượt ngục như hắn lại đi mua súng rồi ra tay hạ sát King theo một kế hoạch được dàn dựng công phu hay không? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Nhiều người cho rằng sự thật của vụ án, sau 40 năm, vẫn còn nằm trong đống hồ sơ tối mật của FBI. Và nhân dịp tưởng niệm 40 năm ngày nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng Martin Luther King ngã xuống, cũng là lúc mà nước Mỹ sắp có tổng thống mới, đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi nhà chức trách công khai những hồ sơ tuyệt mật này.

Châu Minh Linh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/tu-lieu/lat-lai-vu-am-sat-martin-luther-king-293880.html